Theo tờ SportKeeda đưa tin ngày 23.4, hiện nay trên TikTok có nhiều TikToker chia sẻ mẹo nhét tỏi vào mũi để trị nghẹt mũi. Những video này được lan truyền sang những mạng xã hội khác.
Tuy nhiên các chuyên gia y tế đã cảnh báo việc nhét tỏi vào mũi có thể gây ra nhiều triệu chứng nguy hiểm cho người thực hiện. Có thể kể như: kích ứng, chảy máu, bỏng khoang miệng và nhiễm trùng xoang nghiêm trọng...
Ý tưởng đằng sau việc nhét tỏi để trị nghẹt mũi xuất phát từ thực tế tỏi được cho có tác dụng trong việc hạn chế các triệu chứng cảm lạnh và cảm cúm.
Trong một video nổi bật, cô gái nhét tép tỏi vào mũi, đợi khoảng 10-15 phút, sau đó lấy tép tỏi ra và chất nhầy chảy ra từ mũi. Cô gái khẳng định đây là bằng chứng cho thấy nhét tỏi vào mũi giúp làm thông thoáng, giảm nghẹt mũi.
Theo những người dùng TikTok đã thử mẹo này, chỉ cần nhét một miếng tỏi nhỏ vào lỗ mũi và để yên khoảng vài phút. Những lợi ích nhận lại được giới thiệu bao gồm giảm tình trạng tắc nghẽn, cải thiện hơi thở và tăng cường hệ thống miễn dịch.
Thế nhưng các chuyên gia y tế đã lên tiếng cảnh báo đây làtrào lưu nguy hiểm, tiềm ẩn rủi ro, có nhiều khả năng gây hại cho sức khỏe.
Theo các chuyên gia y tế, trong tỏi có một hợp chất gọi là allicin, có thể gây kích ứng và bỏng rát. Khi allicin tiếp xúc với lớp niêm mạc nhạy cảm của lỗ mũi, nó có thể gây đau, viêm và thậm chí làm tổn thương các mô mỏng manh bên trong mũi.
Ngoài ra, khi đưa tỏi vào lỗ mũi có thể khiến chấn thương, chảy máu hoặc nhiễm trùng lớp niêm mạc mũi vốn dĩ rất mỏng manh và nhạy cảm. Đặc biệt, nếu tỏi bị kẹt trong lỗ mũi có thể dẫn đến tắc nghẽn, khó thở.
Quan trọng hơn cả là không có bằng chứng khoa học nào chứng minh cho tuyên bố nhét tỏi vào mũi có thể cải thiện sức khỏe. Mặc dù tỏi có đặc tính kháng khuẩn, không có bằng chứng nào cho thấy nó giúp chống lại virus cảm lạnh, cúm hoặc tăng cường hệ thống miễn dịch.
Erich Voigt, phó giáo sư Khoa Tai Mũi Họng tại NYU Langone Health, lên tiếng cảnh báo về trào lưu này: "Thật khủng khiếp. Khi nhét tỏi vào mũi, nó sẽ gây kích ứng, khiến cơ thể tiết ra một lượng nước mũi lớn hơn. Và vì lỗ mũi bị bịt kín, lượng chất nhầy đó không thể thoát ra ngoài".
Mohan Kameswaran, bác sĩ phẫu thuật trưởng, Tổ chức Nghiên cứu Tai mũi họng Madras, cũng phản đối trào lưu này: "Nhét tỏi vào mũi chẳng có ích lợi gì cho mũi hay xoang ngoài việc tạo ra mùi khó chịu cho người thực hiện nó".
Bình luận (0)