Lạm thu bằng danh nghĩa 'xã hội hóa'

02/10/2024 05:45 GMT+7

Chủ trương xã hội hóa giáo dục vốn là việc có ý nghĩa và cần thiết đang ngày càng bị biến tướng, lạm dụng, trở thành vấn nạn về thu chi tiền trường mỗi dịp đầu năm học.

Cô giáo xin phụ huynh tiền mua laptop cá nhân đang gây bão dư luận mấy ngày gần đây, khi giải thích với báo chí đã nói: "Tôi nghĩ việc này là bình thường, đúng chủ trương xã hội hóa giáo dục...".

dad1 (2).jpg

minh họa: dad

NHỮNG KHOẢN THU LẠ

Trên một trang mạng xã hội, Trường THCS Tân Minh A (H.Sóc Sơn, Hà Nội) đưa ra bản kê khai 17 khoản thu hộ, thu thỏa thuận với tổng số tiền 8.111.000 đồng/học sinh (HS) của một giáo viên (GV) chủ nhiệm lớp 8. Một số khoản thu "lạ", trái với quy định đã được chỉ ra, như: thuê vệ sinh ngoài lớp học 70.000 đồng/HS/10 tháng; sang sửa nhà thể chất 100.000 đồng/HS; hoạt động trải nghiệm bên ngoài 700.000 đồng/HS…

Hiệu trưởng Trường THCS Tân Minh A Nguyễn Thị Hoa lý giải các khoản thu "lạ" như sửa nhà thể chất là chủ trương xã hội hóa của trường xuất phát từ thực trạng nhà giáo dục thể chất quá hẹp, không đáp ứng nhu cầu học tập. Đầu năm học, nhà trường chỉ yêu cầu GV chủ nhiệm các lớp xin ý kiến phụ huynh tại buổi họp chứ chưa triển khai thu.

Cô giáo xin hỗ trợ laptop: ‘Tôi biết mình sai vì chưa hiểu rõ thông tư về xã hội hóa giáo dục’

Trường tiểu học Đông Xuân (H.Sóc Sơn, Hà Nội) cũng khiến phụ huynh bức xúc trước 18 mục thu trong năm học này với tổng số tiền thu là 5.392.000 đồng/HS, trong đó nhiều khoản thu rất "lạ" như: vệ sinh, giấy kiểm tra, phiếu cuối tuần; nhiều khoản như giáo dục ngoài giờ chính khóa, tiếng Anh liên kết, kỹ năng sống… được thu gộp luôn cả 9 tháng.

Phụ huynh có con học lớp 1 Trường tiểu học Ngô Thì Nhậm (H.Thanh Trì, Hà Nội) mới đây bức xúc phản ánh với báo chí về việc đầu năm học được thông báo mỗi tháng lớp cần đóng 500.000 đồng để thuê người dọn vệ sinh lớp học, nếu không thuê, phụ huynh sẽ đến trường vào 17 giờ hằng ngày để trực nhật thay con em mình.

Lạm thu bằng danh nghĩa 'xã hội hóa'- Ảnh 2.

Phụ huynh với nỗi lo các khoản thu đầu năm học

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Trong đơn thư, phụ huynh cũng nêu ngay từ đầu năm học khi đăng ký lớp cho con, nhà trường đã đưa ra các lựa chọn như: lớp có điều hòa và không có điều hòa. Tuy nhiên, dù đã đăng ký cho con học lớp có điều hòa, thì vào đầu năm học, phụ huynh lại được nhà trường thông báo khối lớp 1 ủng hộ 10 bộ điều hòa mới, dự kiến mỗi HS đóng 300.000 đồng. Bên cạnh đó, trong cuộc họp, phụ huynh được phổ biến việc tặng nhà trường sân cỏ nhân tạo vào học kỳ 2, với số tiền dự kiến 100.000 đồng/HS. Phụ huynh này cho biết, việc xã hội hóa dựa trên tinh thần tự nguyện, song phụ huynh không được lấy ý kiến trước về những khoản thu như thế.

Trong cuộc họp phụ huynh, các thông báo được đưa ra để thực hiện, mang tính "ấn định" mỗi HS đóng bao nhiêu tiền, mà không có sự thảo luận, bàn bạc.

Giải thích với báo chí về những phản ứng trên của phụ huynh, bà Hoàng Thị Thu Hà, Hiệu trưởng trường, khẳng định "chưa thu bất cứ khoản nào". Thế nhưng, bà Hà cũng cho rằng: "Trường có ý tưởng xã hội hóa, nhưng vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến, ủng hộ đến đâu thì làm đến đó, chứ không cào bằng, không huy động riêng phụ huynh để làm sân bóng cho các con".

CÁI CỚ ĐỂ LẠM THU

Dư luận thường xôn xao, bàn tán rất nhiều về một khoản thu lạ của một trường, một GV nào đó nhưng lại ít quan tâm, thậm chí thờ ơ trước những thông tin như "chi ngân sách cho giáo dục không đảm bảo", dù những thông tin này ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng giáo dục và việc thu chi của mỗi nhà trường thường được Bộ GD-ĐT lặp đi lặp lại mỗi năm học.

Tại hội nghị tổng kết 10 năm triển khai Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT cuối năm 2024, Bộ GD-ĐT thông tin: Trong 10 năm qua, ngân sách chi cho giáo dục và đào tạo ở mức 15 - 19%, chưa năm nào đạt mức tối thiểu là 20% như mục tiêu đã đề ra. Báo cáo dự toán ngân sách cho giáo dục năm 2022 của 63 tỉnh, thành cho thấy chỉ 50% địa phương đạt tỷ lệ chi cho giảng dạy và học tập tối thiểu. Bộ GD-ĐT cho rằng mức đầu tư trên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, phát triển GD-ĐT. Việc phân bổ ngân sách còn bất cập. Ngân sách địa phương phân bổ cho hoạt động giáo dục chủ yếu chi cho lương, thậm chí một số địa phương không bảo đảm cơ cấu chi thường xuyên cho giáo dục.

A 2.jpg

A 3.jpg

A 4.jpg

A 5.jpg

Dư luận bất bình trước các khoản thu lạ vào đầu mỗi năm học

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Cái cớ ngân sách cho giáo dục không đảm bảo mới có chuyện phụ huynh bị "bổ đầu" đóng các khoản tiền lẽ ra nhà nước chi trả, như: sửa trường, quét vôi, lát sân, vệ sinh lớp học hay nhỏ hơn như mua giấy kiểm tra, thay bóng đèn...

Một vị từng là lãnh đạo Vụ Kế hoạch - Tài chính của Bộ GD-ĐT cho rằng khi ngân sách nhà nước còn hạn chế, việc huy động các nguồn lực xã hội một cách tự nguyện để đầu tư nâng cao điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục là chính đáng và cần thiết. Tuy nhiên, theo vị này, có vẻ như chúng ta đang gặp phải vấn đề khá nghiêm trọng là chưa hiểu đúng và làm đúng pháp luật về xã hội hóa trong giáo dục, dẫn tới cách thức triển khai không phù hợp khi kêu gọi xã hội hóa, tài trợ với cơ sở giáo dục. Đây là lý do dẫn tới tình trạng một số nơi, một số địa phương, đặc biệt người đứng đầu các cơ sở giáo dục, đã thực hiện chưa đúng quy định, để xảy ra tình trạng lợi dụng hội phụ huynh HS, tình trạng áp đặt, cào bằng để thu tiền của phụ huynh.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nhìn nhận lạm thu thường xuất hiện dưới danh nghĩa của việc kêu gọi xã hội hóa giáo dục, với những khoản thu thêm, thu ngoài quy định là xuất phát từ "nhu cầu của phụ huynh". Chính từ việc xã hội hóa giáo dục, vấn đề lạm thu phát sinh, có nghĩa là các khoản thu từ kêu gọi xã hội hóa quá nhiều và quá vô lý, có những hoạt động được ngân sách đầu tư nhưng nhà trường vẫn tổ chức thu của phụ huynh.

"Theo tôi, việc xã hội hóa giáo dục vẫn cần thiết, xuất phát từ nhu cầu thực tế của phụ huynh HS và nhà trường. Tuy nhiên, lạm thu là một câu chuyện khác và rất đáng lên án", bà Nga nói và cho rằng việc phụ huynh quan tâm, giám sát, cùng với sự giám sát của các cơ quan chức năng đặt ra yêu cầu các cơ sở giáo dục phải thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước.

Tuy nhiên, bà Nga cũng chỉ ra, ở một khía cạnh khác, mặc dù đã có yêu cầu công khai theo đúng quy định, nhưng trên thực tế, có thể vẫn có những trường công khai một phần, tức là có một số khoản thu khác không có trong văn bản công khai, mà nằm ở sự thỏa thuận giữa nhà trường và ban đại diện cha mẹ HS. Để ngăn chặn lạm thu, vấn đề quan trọng là phải xử lý thật nghiêm các trường hợp cố tình làm sai. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đến phụ huynh và sự giám sát của cơ quan chức năng.

Việc chi ngân sách cho giáo dục chưa đảm bảo chính là cái cớ để nhiều nhà trường lý giải cho việc lạm thu dưới danh nghĩa xã hội hóa giáo dục. Kết luận số 91 của Bộ Chính trị mới đây về việc tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT cũng nêu rõ yêu cầu phải bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho GD-ĐT tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước như Nghị quyết số 29 đã đề ra. Đồng thời, kịp thời điều chỉnh tăng mức chi ngân sách cho GD-ĐT phù hợp với tăng trưởng của nền kinh tế…

Vụ cô giáo "xin hỗ trợ cái laptop":
Sẽ tham mưu việc kiểm tra thu chi

Sáng qua 1.10, tại Trường tiểu học Chương Dương (Q.1, TP.HCM), ông Võ Cao Long, Trưởng phòng GD-ĐT Q.1, chính thức thông tin với báo chí vụ cô giáo "xin hỗ trợ cái laptop". Trong đó, ông Long cho biết: "Qua vụ việc trên, UBND Q.1 đã giao Phòng Tài chính kế hoạch, Phòng GD-ĐT cùng phối hợp các đơn vị liên quan kịp thời tham mưu việc kiểm tra thu chi đầu năm học của các trường trên địa bàn. Sau sự việc này, thời gian tới tôi sẽ chỉ đạo tăng cường, phân công nhân sự, theo dõi, nắm bắt nội dung ở các cơ sở giáo dục, kịp thời tháo gỡ khó khăn, xử lý các vấn đề phát sinh".

Thúy Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.