Làm tổn thương người khác từ... Confession

17/10/2018 10:37 GMT+7

Confession không còn thú vị mà ngày càng biến tướng, khiến nhiều người khổ sở vì trào lưu này.

Từ "thú tội" thành "bóc phốt"
Confession có nghĩa là thú nhận hay bày tỏ điều mình muốn nói. Đây là cách để nói lên những gì người viết muốn nói, muốn làm. Trào lưu này đã xuất hiện từ hơn 2 năm nay, rất được giới trẻ, nhất là học sinh, sinh viên yêu thích.
Có vô số Fan Page Confession được tạo ra. Hầu như học sinh, sinh viên trường nào cũng lập ra những trang Confession, thu hút hàng ngàn, hàng chục ngàn thành viên tham gia.
Thế nhưng hiện nay trào lưu này dần biến tướng. Nếu như trước đây, khi vừa ra đời, phần lớn các bài viết là những chia sẻ tâm tư, những câu chuyện buồn vui để tìm sự đồng cảm của các thành viên khác. Thì giờ đây, nhiều chia sẻ trên các Confession là dò hỏi thông tin người mà họ "say nắng", cảm tình, yêu thích. Đáng chú ý, rất nhiều bài viết mang xu hướng đả kích, chỉ trích người khác.
"Lúc trước thấy trào lưu này ý nghĩa. Vì khi buồn có thể trải lòng để tìm sự đồng cảm. Hay lúc vui cũng chia sẻ lên để khoe với mọi người. Những câu chuyện buồn vui của cá nhân cũng sẽ tìm được những động viên, an ủi từ các thành viên khác. Nhưng giờ đây, mình thấy phần lớn những bài viết đều chê bai, chửi mắng, chỉ trích người khác", Trần Tuấn Anh, sinh viên (SV) Trường ĐH Sài Gòn, nói.
Lướt trên nhiều Confession của giới học sinh, sinh viên, không khó để nhận ra nhiều trang thường xuyên đăng tải những bài viết chỉ trích giáo viên, phản đối các quy định của trường, lớp. Thậm chí bới móc đời tư, xỉa xói về nhân phẩm của người khác.
"Mình thấy nhiều trang Confession giờ đây giống như là trang... 'bóc phốt' vậy. Vì người chia sẻ là ẩn danh, thế nên nhiều người muốn nói gì nói, cứ gởi bài viết là được đăng. Để rồi nhiều người bị tổn thương vì những dòng Confession. Mình thấy điều đó là không nên", Lê Nguyên Hương, học sinh (HS) Trường THPT Vạn Hạnh (Q.10, TP.HCM), nói.
Thực tế, có nhiều người "mếu dở, khóc dở" vì những bài viết trên các trang Confession. L.K.Q., HS Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết từng bị đăng bài nói xấu trên một trang Confession, để rồi sau đó bị bạn bè tẩy chay. "Phải mất rất nhiều thời gian để mình giải thích, sau đó mới được minh oan", Q. kể lại.
Nên và không nên đăng gì?
Lê Kiều Diễm, HS Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) cho biết cảm thấy "phát mệt" vì nhiều người không có ý thức khi tham gia vào trào lưu Confession. "Họ tạo chuyện để nói xấu người khác, dùng những tài khoản ảo để gởi bài, thế mà vẫn được đăng, để rồi người bị xúc phạm phải rơi vào tình cảnh mệt mỏi. Mọi người cần có văn hóa khi tham gia vào trào lưu này. Hãy để Confession luôn là trào lưu ý nghĩa", Diễm nói.
Thạc sĩ tâm lý Trương Thị Thúy Hằng, Trung tâm tư vấn tâm lý Việt Sơn (TP.HCM), cho rằng đừng bao giờ nói xấu ai, dù chỉ bằng những dòng Confession. "Khi sử dụng tài khoản ẩn danh, gởi những bài viết với lời lẽ không hay, có nội dung không tốt nhằm mục đích nói xấu người khác, tố giác người khác không đúng... thì người đó có thể hả hê. Thế nhưng lại khiến người bị nói xấu bị tổn thương rất nhiều", bà Hằng nói.
 
Không nên lợi dụng Confession để nói xấu người khác ẢNH: THANH NAM
Theo bà Hằng, khi tham gia trào lưu này, hãy viết những bài viết thật sự khách quan, chứ đừng nói sai sự thật. Hãy sử dụng những từ ngữ có văn hóa, không viết những bài mang tính đả kích, và khi bình luận hãy bình luận có văn hóa, đừng "vào hùa" để rồi thấy bài chỉ trích là đổ xô công kích, chửi mắng thậm tệ theo dạng "hội đồng", dù bản thân không hiểu rõ thực hư.
Trần Anh Tuấn, HS Trường THPT Tân Phong (Q.7, TP.HCM) thì hy vọng những admin (quản trị viên) các trang Confession đừng bao giờ duyệt và đăng những bài có nội dung nói xấu, bôi nhọ người khác. "Đừng dễ dãi kiểu thành viên nào gởi bài cũng đăng. Cần phải chọn lọc, xem xét. Nếu thấy bài viết gởi đến có tính công kích thì nên loại bỏ. Ngoài ra, cần thường xuyên kêu gọi các thành viên có ý thức khi tham gia Confession", Tuấn nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.