Qua đôi bàn tay tài hoa của Nguyễn Thu Huyền, những miếng vải vụn thải ra từ các tiệm may thời trang được ghép thành bức tranh có màu sắc tinh tế và phong cách không đụng hàng.
Tốt nghiệp Khoa Thiết kế thời trang, Viện ĐH Mở Hà Nội, hiện Huyền đang làm Giám đốc quản lý Công ty TNHH tranh ghép vải Huyền Chi, được thành lập từ thời sinh viên.
Niềm đam mê may vá quần áo cho búp bê từ thời thơ ấu là lý do khiến Huyền theo học ngành thiết kế thời trang. Khi còn là sinh viên, Huyền thấy những mảnh vải vụn còn mới bị bỏ đi sau mỗi giờ thực hành mà tiếc rẻ, nhớ lại hồi còn nhỏ từng gom góp, nhặt nhạnh từng miếng vải nhỏ xin từ tiệm may rồi khâu vá quần áo cho búp bê. Giờ không còn gắn bó với loại đồ chơi này nữa, Huyền lại nghĩ ra chiêu trò mới, lấy vải vụn ghép thành thiệp chúc mừng tặng bàn bè, người thân vào những dịp quan trọng.
|
Bằng món quà tặng độc đáo này, Huyền khiến bạn bè ngạc nhiên bởi sự sáng tạo qua mỗi tác phẩm. Chuyển qua làm tranh ghép vải, Huyền cùng nhóm bạn trẻ ở Viện ĐH Mở Hà Nội tạo nên sự kiện đình đám. Khi ấy, cả nhóm dành ra 6 tháng sưu tầm tìm hiểu, thực hiện bức tranh ghép vải khổng lồ về trang phục của phụ nữ đại diện 54 dân tộc Việt Nam gửi tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Tác phẩm độc đáo này được trưng bày rộng rãi, công chúng bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến thể loại tranh mới lạ này.
Huyền chia sẻ để hoàn thành một tác phẩm tranh ghép vải người thợ làm tranh phải thực hiện nhiều công đoạn cầu kỳ. Khởi đầu, bố cục bức tranh được phác thảo trên bìa cứng, sẽ phải cắt rời thành từng chi tiết nhỏ. Vải dùng ghép tranh được giặt sạch, ủi từng miếng cho phẳng. Sau đó, vải được tráng hoặc phết lớp keo sữa mỏng, tiếp tục đem hong cho thật khô. Ngoài giúp miếng vải cứng cáp hơn, lớp keo có tác dụng làm tăng tuổi thọ, độ bền màu sắc trên mỗi miếng vải. Phức tạp nhất là ở công đoạn cuối cùng, người thợ phải biết cách lựa chọn, phối hợp màu sắc thể hiện các chi tiết thành bức tranh sinh động, hoàn mỹ nhất. “Ngoài sự kiên trì, tỉ mỉ ghép từng mảnh nhỏ, người thợ làm tranh cần có óc sáng tạo, trí tưởng tượng phong phú. Cùng một loại vải có khi dùng làm chi tiết con đường trải đá, có khi phải tước thành sợi nhỏ tạo cảnh cánh đồng lúa, sóng biển nô đùa hay những bông cỏ lau… Khó nhất vẫn là tạo hình cho các khuôn mặt theo những sắc thái cảm xúc khác nhau trong các bức tranh chân dung”, Huyền cho biết.
Gần 3 năm có mặt trên thị trường, dòng tranh ghép vải bắt đầu định hình và có chỗ đứng trong lòng những người chơi tranh. Đều đặn mỗi tháng, công ty tiếp nhận gần 20 đơn đặt hàng, chủ yếu là làm tranh chân dung. Tùy vào kích cỡ và độ khó khi thực hiện, các tác phẩm có giá dao động từ vài trăm nghìn đến cả chục triệu đồng. Giá bán cao hơn nhiều so với dòng tranh khác nhưng trang web tranhghepvai.com vẫn có đông khách truy cập xem tranh và đặt hàng. Cô chủ quản lý công ty tranh này rất cá tính khi kiên trì theo đuổi nguyên tắc, tác phẩm làm ra đảm bảo hai yếu tố: đẹp và độc.
Mỗi tác phẩm, Huyền chỉ nhận làm một bản. Người chơi hoàn toàn có thể yên tâm lưu giữ một tác phẩm theo phong cách không đụng hàng. Bên cạnh các dòng tranh truyền thống, Huyền còn sáng tạo, thiết kế nhiều mẫu tranh mới phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Các nhân vật trong tranh của Huyền luôn có trang phục đẹp mắt và hiện đại, khung cảnh lãng mạn nên được các bạn trẻ đặc biệt ưu chuộng.
Ngoài việc tiếp tục mở rộng thị trường trong nước, chú trọng đến các địa điểm có đông khách tham quan du lịch, Huyền đang xây dựng mạng lưới cộng tác viên là du học sinh để quảng bá sản phẩm, hiện thực hóa giấc mơ xuất khẩu tranh ghép vải made in Việt Nam.
Hoàng Phan
Bình luận (0)