Đến TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), nhắc đến ông Nguyễn Văn Lực, người dân và nhiều cán bộ đều biết đó là người "đầu tàu" nêu gương hoạt động công tác xã hội. Từ khi còn làm Chủ tịch Hội Nhà báo Lâm Đồng, sau đó làm Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Lâm Đồng và hiện là Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo - người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Lâm Đồng, ông luôn quan tâm đến việc làm từ thiện giúp những hoàn cảnh khó khăn, người tàn tật, bệnh nhân nghèo, đặc biệt với học sinh, trẻ em nghèo.
Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo - người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Lâm Đồng đi vào hoạt động được vài tháng thì ông Lực bị suy thận nặng, trước đó vào năm 2006 ông đã phải cắt bỏ 1 quả thận. Các bác sĩ khuyến cáo ông ghép thận mới có thể kéo dài sự sống. Nhờ sự trợ giúp của y, bác sĩ và các nhà hảo tâm, tháng 6.2012, tại Bệnh viện T.Ư Huế, ông Lực được ghép thận.
Ông Lực chia sẻ: "Tôi không hề biết tên và địa chỉ người cho tôi quả thận để tôi được sống đến hôm nay. Dù không được gặp, tôi vẫn hứa với người ấy rằng tôi mong khỏe để giúp cho những người cơ khổ, không phụ người đã hiến tặng thận cho mình".
Thực hiện đúng tâm nguyện, hơn 12 năm qua, dường như tháng nào ông Lực và Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo cũng có chương trình công tác xã hội. Nổi bật nhất là chương trình mổ tim miễn phí cho trẻ em, người nghèo và đã kết nối với các bệnh viện, tổ chức từ thiện xã hội trong và ngoài nước mổ tim miễn phí cho trên 1.150 người, từ sơ sinh đến 21 tuổi. Hội còn vận động trao tặng trên 5.000 xe lăn, xe lắc cho người tàn tật; phối hợp với các bệnh viện, tổ chức nhân đạo khám sàng lọc và phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo cho trên 7.000 bệnh nhân nghèo và người cao tuổi; hỗ trợ phẫu thuật hàng trăm trường hợp sứt môi, hở hàm ếch hoặc dị tật cơ xương khớp; trao tặng trên 60 nhà tình thương…
Hội phối hợp với các bệnh viện, tổ chức thiện nguyện khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tài trợ chi phí siêu âm, xét nghiệm, chụp X-quang, chụp CT Scanner cho trên 16.000 lượt bệnh nhân nghèo, trẻ khuyết tật… Hỗ trợ hàng ngàn người có hoàn cảnh khó khăn mua bảo hiểm y tế, nấu ăn phục vụ miễn phí bệnh nhân ở các bệnh viện...
Ông Lực cho biết thêm hội có chủ trương giúp các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và người yếu thế vượt qua số phận, có nhà ở mới, có vốn khởi nghiệp, có sổ tiết kiệm để chữa bệnh và nuôi con ăn học. Cụ thể có 46 hoàn cảnh khó khăn đã được hội và các nhà hảo tâm trợ giúp từ 100 - 490 triệu đồng/trường hợp để hỗ trợ sinh kế. Ngoài ra, có 30 tân sinh viên mồ côi và sinh viên nghèo được tặng laptop, được hội hỗ trợ chi phí năm đầu khi các em bước vào trường đại học; trao trên 700 chiếc xe đạp cho học sinh nghèo vùng sâu…
Có lúc đang đi trao tặng quà cho người nghèo, ông Lực bị đuối sức phải cấp cứu. Nhiều người ái ngại vì thêm tuổi thì sức khỏe của ông yếu hơn, nhưng ông chia sẻ: "Làm từ thiện xã hội không có tuổi hưu, tôi chỉ mong có sức khỏe để trả ơn cho đời".
Ngoài những hoạt động của hội, gia đình ông Lực còn cưu mang 33 cụ già neo đơn, bệnh tật không nơi nương tựa. Hằng tháng, mỗi cụ được trợ giúp 800.000 đồng gồm tiền mặt, gạo, sữa, nhu yếu phẩm, thuốc men. Để có tiền, vợ chồng ông Lực dành trọn 10 triệu đồng tiền cho thuê mặt bằng, và trích thêm 1/2 tiền lương hưu, số còn thiếu ông vận động bạn bè, người thân hỗ trợ.
Mời tham gia cuộc thi viết và ảnh 'Công tác xã hội trong trái tim tôi'
Báo Thanh Niên và Trung tâm công tác xã hội thanh thiếu niên Việt Nam phát động cuộc thi viết và thi ảnh "Công tác xã hội trong trái tim tôi".
Nội dung bài dự thi: Bài viết, hình ảnh mang tính biểu dương, tuyên truyền về ngành công tác xã hội tại Việt Nam nói chung; những tấm gương đang công tác tại các cơ sở bảo trợ xã hội, trung tâm công tác xã hội và các nhân viên công tác xã hội tại cộng đồng có hoạt động, việc làm thiết thực, mô hình hiệu quả trong trợ giúp, cung cấp các dịch vụ công tác xã hội cho đối tượng yếu thế trên cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài (nếu có). Các bài viết, hình ảnh thể hiện góc nhìn đa chiều của tác giả về ngành công tác xã hội hoặc các khoảnh khắc đẹp liên quan đến quá trình làm công tác xã hội.
Đối với tác phẩm thi viết: Tác phẩm dự thi được viết bằng tiếng Việt không quá 1.000 chữ, khuyến khích đính kèm ảnh minh họa của chính tác giả hoặc ảnh có bản quyền do tác giả cung cấp.
Tác phẩm dự thi phải là sáng tác mới của chính tác giả, không được sao chép trên mạng hay sao chép từ người khác.
Tấm gương được nêu trong bài dự thi phải là người thật, việc thật, có địa chỉ rõ ràng, có sức lan tỏa, có ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng, xã hội được cơ quan, đơn vị, chính quyền ghi nhận.
Mỗi tác giả, nhóm tác giả được gửi nhiều tác phẩm tham dự cuộc thi phù hợp với yêu cầu và điều kiện đã nêu.
Đối với thi ảnh: Tác phẩm dự thi thể hiện góc nhìn đa chiều của tác giả về ngành công tác xã hội hoặc các khoảnh khắc đẹp liên quan đến quá trình làm công tác xã hội.
Ảnh dự thi là ảnh màu hoặc trắng đen, được chụp bằng máy ảnh, điện thoại di động hoặc các thiết bị kỹ thuật số khác. Ảnh được quyền chỉnh sửa cơ bản về ánh sáng và màu sắc nhưng không được cắt, ghép làm sai sự thật (trường hợp cần thiết, Ban tổ chức sẽ yêu cầu tác giả nộp file gốc để kiểm chứng thông tin).
Ảnh được chụp trong khoảng thời gian từ ngày 1.1 - 31.7.2024 (thời hạn cuối nhận tác phẩm dự thi) và phải ghi rõ bối cảnh, thời gian, tiêu đề.
Mỗi bức ảnh gửi dự thi phải kèm theo một tiêu đề giới thiệu cho nội dung bức ảnh.
Tác phẩm dự thi phải là ảnh mới của chính tác giả, không được sao chép trên mạng hay sao chép từ người khác.
Thời hạn gửi bài dự thi: Từ ngày 12.4 - 31.7.2024.
Cách thức gửi bài dự thi: Gửi qua email của chương trình: [email protected]
Giải thưởng
Cuộc thi viết: 1 giải nhất (15 triệu đồng); 2 giải nhì (8 triệu đồng/giải); 3 giải ba (6 triệu đồng/giải); 5 giải khuyến khích (3 triệu đồng/giải); 1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (gồm lượt xem và lượt thích trên nền tảng thanhnien.vn): 5 triệu đồng.
Cuộc thi ảnh: 1 giải nhất (15 triệu đồng); 1 giải nhì (8 triệu đồng); 1 giải ba (6 triệu đồng); 3 giải khuyến khích (3 triệu đồng/giải); 1 giải ảnh dự thi được bạn đọc yêu thích (gồm lượt xem và lượt thích trên nền tảng thanhnien.vn): 5 triệu đồng.
Bình luận (0)