Làm việc không công, bảo vệ người tiêu dùng kém hiệu quả!

15/03/2022 14:41 GMT+7

Hiện nay, vẫn còn 9 tỉnh, thành phố chưa có tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng . Có hai tỉnh đã thành lập và đi vào hoạt động, nhưng do khó khăn nhiều mặt, trong đó có vấn đề kinh phí, đã phải xin giải thể.

Xu hướng lừa đảo trên các kênh thương mại điện tử gia tăng khiến cho yêu cầu bảo vệ người tiêu dùng cần được đẩy mạnh hơn nữa

đào ngọc thạch

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cho biết: Trong bối cảnh dịch Covid-19, số người sử dụng internet tham gia mua sắm trực tuyến tăng rất mạnh trong 2 năm gần đây. Sự phát triển của các kênh thương mại điện tử đã mang đến nhiều tiện lợi song cũng bộc lộ những mặt trái. Các quy định về thương mại điện tử, nghị định hướng dẫn không “phủ sóng” hết. Trong khi đó, những đối tượng kinh doanh gian lận cũng ngày một phát triển với các phương thức lừa đảo người tiêu dùng rất tinh vi.

Đưa ra dẫn chứng cụ thể, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay, có tình trạng hàng hóa bán trên các trang mạng xã hội chưa được cấp phép hoặc không có pháp nhân tại Việt Nam; không kiểm tra được thông tin người bán hoặc thông tin về giá cả, chất lượng, nguồn gốc hàng hóa… Điều này dẫn đến việc người mua nhận phải hàng kém chất lượng, không có hóa đơn, chứng từ. Ngoài ra, còn có tình trạng các đối tượng khởi tạo gian hàng trên kênh thương mại điện tử và chỉ chạy trong một đợt, với nhiều chương trình giảm giá đặc biệt như giá 1.000 đồng, giá 0 đồng…, bán những sản phẩm chất lượng kém rồi biến mất. Nhiều người tiêu dùng đã bị thiệt hại do những hành vi lợi dụng giao dịch trên không gian ảo để lừa dối, trục lợi.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thời gian qua đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng, nhưng quyền lợi người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm nghiêm trọng. Ngoài nguyên nhân chủ quan trong công tác thực thi pháp luật, việc thi hành pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng phát sinh những vướng mắc, khó khăn, bất cập. Đơn cử, đến nay, vẫn còn 9 tỉnh, thành phố chưa có tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Có hai tỉnh đã thành lập và đi vào hoạt động, nhưng do khó khăn nhiều mặt, trong đó có vấn đề kinh phí, đã phải xin giải thể.

Lợi dụng tình hình dịch bệnh, trên thị trường bùng phát các sản phẩm vật tư y tế kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ

quang thuần

Nhân ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15.3), Báo Công thương đã tổ chức tọa đàm “Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng”.

Tại tọa đàm, ông Vũ Văn Trung, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết: Có 2 khó khăn lớn nhất trong hoạt động của tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện nay là hành lang pháp lý và kinh phí hoạt động. Theo quy định hiện tại, Hội chỉ đóng vai trò tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hướng dẫn, tư vấn, giúp đỡ người tiêu dùng khi có yêu cầu, chứ không thể chủ động ghi nhận, thu thập giám định chứng cứ, tìm hiểu thông tin hay tổ chức khởi kiện tập thể. Người tiêu dùng Việt Nam hiện nay có tâm lý e ngại đụng chạm, nhẫn nhịn, thậm chí có một số trường hợp bị đe dọa, khủng bố khi có ý định khiếu nại. Trong khi đó, Hội không có chi phí hoạt động, tất cả chúng tôi đều đang làm việc không lương. Khi muốn tổ chức một sự kiện hay hoạt động nào đó thì phải vận động quyên góp tài trợ của các đơn vị, cá nhân hảo tâm. Ở nhiều địa phương, do hạn chế về nhân lực và tài chính nên hoạt động bảo vệ người tiêu dùng mới chỉ lồng ghép trong các hoạt động chuyên môn.

Ông Hồ Tùng Bách, Phó trưởng phòng Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) thông tin: Hiện nay các bộ, ngành đang soạn thảo văn bản sửa đổi một số điều luật mới nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội thực hiện công tác bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.