'Làm xiếc' cả chục ngàn tỉ đồng để qua mặt Quốc hội

07/08/2020 07:00 GMT+7

Bộ Công thương, Tập đoàn dầu khí Việt Nam đã “bớt” hàng chục ngàn tỉ đồng tổng mức đầu tư tại dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 để tự mình ra quyết định đầu tư, không phải trình ra Quốc hội.

Thanh tra Chính phủ xác định Bộ Công thương, Tập đoàn dầu khí Việt Nam đã “bớt” hàng chục ngàn tỉ đồng tổng mức đầu tư tại dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 để tự mình ra quyết định đầu tư, không phải trình ra Quốc hội.
Ngày 6.8, Thanh tra Chính phủ (TTCP) công bố kết luận thanh tra đối với dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 (NMNĐ Thái Bình 2) và khu “đất vàng” tại số 69 Nguyễn Du, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đây là cuộc thanh tra theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện từ đầu tháng 4.

Tự “giảm” rồi tự tăng vốn hàng chục ngàn tỉ đồng

Theo kết luận thanh tra, dự án NMNĐ Thái Bình 2 được Thủ tướng Chính phủ giao Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) làm đầu mối đầu tư. Tại Quyết định số 5844/QĐ-DKVN ngày 2.7.2010, Hội đồng quản trị PVN phê duyệt dự án có tổng mức đầu tư (TMĐT) theo mặt bằng giá quý II/2010 là 31.505 tỉ đồng (vốn chủ sở hữu 30%, vốn vay 70%), chủ đầu tư là Tổng công ty điện lực dầu khí Việt Nam (PVPower). Đến tháng 3.2011, dự án chuyển sang PVN làm chủ đầu tư.
Theo TTCP, tại thời điểm phê duyệt TMĐT quy mô 31.505 tỉ đồng thì dự án NMNĐ Thái Bình 2 phải do Quốc hội ra quyết định đầu tư (những dự án có vốn đầu tư trên 20.000 tỉ đồng). Từ đầu năm 2010, PVN trong quá trình chuẩn bị dự án cũng đã tính toán mức đầu tư phải trên dưới 30.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, tháng 3.2010, Bộ Công thương có Văn bản số 2952 báo cáo Thủ tướng Chính phủ với nội dung “nếu dự toán được lập quanh thời điểm 2006 thì sẽ nhỏ hơn 20.000 tỉ đồng” và đề nghị “xử lý theo hướng Chính phủ không phải trình ra Quốc hội”.
Ngày 28.4.2010, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo ý kiến kết luận của Phó thủ tướng với nội dung Bộ Công thương hướng dẫn PVN tính toán quy đổi dự án về mặt bằng giá năm 2006. Đến tháng 5.2010, Bộ Công thương có Văn bản số 4658 gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả tính toán TMĐT dự án là 18.459 tỉ đồng. Ngày 18.5, Phó thủ tướng có Văn bản số 800 gửi Bộ Công thương và PVN với nội dung Thủ tướng đồng ý cho PVN phê duyệt dự án đầu tư theo mặt bằng giá tại thời điểm phê duyệt.
“Việc PVN và Bộ Công thương đề xuất Thủ tướng Chính phủ quy đổi TMĐT dự án về mặt bằng giá năm 2006 là 18.495,5 tỉ đồng để không trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Hội đồng quản trị PVN quyết định đầu tư dự án là không đúng Nghị quyết của Quốc hội”, kết luận TTCP nêu và chỉ rõ trách nhiệm thuộc về PVN, Bộ Công thương, các cơ quan, đơn vị và cá nhân tham mưu, đề xuất, chỉ đạo đối với chủ trương đầu tư dự án.
Dự án NMNĐ Thái Bình 2 trong quá trình triển khai thực hiện đã 2 lần điều chỉnh tăng TMĐT. Ngày 26.5.2011, Hội đồng thành viên PVN có Quyết định số 4626/QĐ-DKVN phê duyệt điều chỉnh TMĐT thành 34.295 tỉ đồng. Đến tháng 10.2016, HĐTV PVN tiếp tục điều chỉnh TMĐT dự án lần 2 với giá trị là 41.799 tỉ đồng. Theo TTCP, cả 2 lần điều chỉnh này đều có sai phạm. Lần 1, PVN tự ý điều chỉnh mà không báo cáo Thủ tướng. Lần 2, PVN điều chỉnh căn cứ theo văn bản đồng ý của Phó thủ tướng nhưng việc điều chỉnh này trái pháp luật.

Doanh nghiệp xây công trình dân dụng được chỉ định tổng thầu dự án tỉ USD

Dự án NMNĐ Thái Bình 2 được chủ đầu tư chỉ định cho Tổng công ty CP xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), thời điểm đó do Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch HĐQT, với trị giá hợp đồng trọn gói 1,2 tỉ USD. Theo TTCP, việc chỉ định thầu cho PVC là sai quy định pháp luật về đấu thầu, mặt khác tại thời điểm được chỉ định thầu, PVC chỉ thực hiện xây dựng công trình dân dụng, hạ tầng, tuyến ống dẫn khí... và thi công một số hạng mục của một số nhà máy nhiệt điện..., chưa làm tổng thầu các dự án lớn tương tự. Trên thực tế, sau khi ký kết hợp đồng tổng thầu, PVC đã thực hiện không đúng cam kết là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến dự án chậm tiến độ, phát sinh tăng chi phí, trong đó có chi phí trả lãi tiền vay từ năm 2016 - 2019 là 81,8 triệu USD.
Từ các sai phạm trên, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan theo thẩm quyền tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định pháp luật đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có những vi phạm, khuyết điểm; đồng thời chuyển kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra T.Ư để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm được nêu tại kết luận thanh tra.
Liên quan những sai phạm tại dự án này, năm 2018, ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐTV PVN, đã bị TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên phạt 13 năm tù về tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Trịnh Xuân Thanh bị tuyên án tù chung thân về tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản.
Tối hậu thư cho “đất vàng” 69 Nguyễn Du
Theo kết luận của TTCP, cơ sở nhà, đất tại số 69 Nguyễn Du, Q.Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội có diện tích nhà 655,6 m2, đất 596,7 m2 vốn là tài sản thuộc sở hữu nhà nước do Công ty quản lý và phát triển nhà thuộc Sở Xây dựng Hà Nội quản lý, cho PVN thuê làm văn phòng làm việc và không liên quan đến PVC. Tuy nhiên, năm 2008, PVC, PVN, UBND TP.Hà Nội có văn bản gửi Bộ Tài chính trình Phó thủ tướng Chính phủ cho phép UBND TP.Hà Nội bán chỉ định cơ sở nhà, đất tại số 69 Nguyễn Du cho PVC, với lý do là đơn vị đang thuê, để xây dựng trụ sở làm việc, là không đúng thực tế. Sau khi nhận chuyển nhượng từ TP.Hà Nội với mức giá gần 40 tỉ đồng, cuối năm 2009 PVC đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Công ty cổ phần đầu tư và khoáng sản Hợp Thành với giá trị gần 100 tỉ đồng. TTCP xác định việc chuyển nhượng này là trái pháp luật về đất đai, đấu giá và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP.Hà Nội phối hợp với PVN rà soát để thu hồi và xử lý các phát sinh trong quá trình thu hồi cơ sở nhà đất này; đến thời điểm 31.10.2020 chưa thực hiện được việc thu hồi thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.