Lấn biển với các siêu dự án độc, lạ và không tưởng như Dubai

01/05/2021 16:58 GMT+7

Chiến lược lấn biển của Dubai, không đơn giản chỉ là kinh tế. Họ muốn chứng minh cho thế giới thấy rằng, với tầm nhìn và ý chí kiên cường, bất cứ quốc gia nào cũng có thể làm những điều không tưởng.

 

Hòn đảo nhân tạo trên biển lớn nhất thế giới

Nếu có dịp đến với Dubai thuộc Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên khi được chiêm ngưỡng các công trình nhân tạo trên biển thuộc loại không tưởng trên thế giới.
Quốc gia thuộc vùng Trung Đông này mấy chục năm trước còn rất nghèo, đa phần người dân sống trong đói khổ. Họ chỉ bắt đầu khá lên từ khi bắt đầu ngành công nghiệp dầu mỏ. Nhưng nói đến Dubai ngày hôm nay, dầu đã là quá khứ (chỉ chiếm 1% GDP). Nó đã trở thành trung tâm tài chính, kinh tế của thế giới và là địa điểm ăn chơi xa xỉ bậc nhất hành tinh, điểm đến của giới thượng lưu toàn cầu.
Tôi cũng đã nhiều lần được tới Dubai, trải nghiệm và chứng kiến các dự án lấn biển. Trên thế giới có rất nhiều công trình tương tự như: nhà hàng Ithaa Undersea (Maldives), Resort Manta (Tanzania), nhà hàng Subsix, Resort World Sentosa (Singapore), nhà hàng Sea (Maldives)… Tuy nhiên, khách sạn dưới biển ở Dubai Water Discus lại thu hút sự chú ý hơn cả bởi những nét độc đáo chưa từng thấy ở bất kỳ nơi nào. Khách mô phỏng một con tàu vũ trụ có kích thước lớn nửa chìm nửa nổi. Chúng ta có thể ngủ với cá trong lòng đại dương và thậm chí ngắm những cơn bão khủng khiếp nhất trên biển mà công trình này có thể chống chịu.

Palm jumeirah bao gồm một loạt các khách sạn lớn, sang trọng

Ảnh Anh Vũ

Nhưng nhắc tới Dubai, đương nhiên đầu tiên phải là Palm Jumeirah - hòn đảo nhân tạo trên biển lớn nhất thế giới, có hình dáng giống một cây cọ với thân vây và 17 cành. Nó thể hiện ý chí, tầm nhìn, tài năng và trí tuệ của lãnh đạo UAE. Palm Jumeirah được xây dựng vào đầu thế kỷ 21, phần lớn được tài trợ từ nguồn thu nhập đáng kể từ dầu mỏ của Dubai. Nhà phát triển Palm Jumeirah là Nakheel, một công ty bất động sản hiện thuộc sở hữu của chính phủ Dubai.
Nó độc và lạ khi không dùng bê tông cũng như sắt thép. Các hòn đảo nhỏ được tạo ra chủ yếu từ cát được nạo vét từ đáy của Vịnh Ba Tư, phần bên của lưỡi liềm tiếp xúc với biển khơi được bồi đắp bằng đá và tảng từ đất liền. Công việc bắt đầu vào năm 2001, đất đai và cơ sở hạ tầng cơ bản đã được hoàn thành vào năm 2004. Việc xây dựng các tòa nhà bắt đầu vào năm 2006 và những cư dân đầu tiên đến vào năm 2007.
Các căn hộ, cơ sở bán lẻ và một vài khách sạn nằm trên thân cây. Các biệt thự san sát nhau tạo thành những hàng rào dài, trong khi hầu hết các khách sạn và khu nghỉ dưỡng đều nằm trên hình lưỡi liềm. Trong thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21, ít nhất 10.000 người sống ở Palm Jumeirah. Palm Jumeirah là nơi có một số khu nghỉ dưỡng sang trọng nhất của Dubai, bao gồm Atlantis The Palm, Jumeirah Zabeel Saray , One&Only The Palm và nhiều hơn nữa.
Dĩ nhiên, để sở hữu một căn biệt thự siêu sang như vậy, người ta phải bỏ ra ít nhất 5,5 triệu USD. Đây có thể là nơi nghỉ dưỡng cho gia đình, bạn bè, nhưng cũng có thể là nguồn tạo ra thu nhập. Những khi không sử dụng, chủ nhà có thể ký hợp đồng cho thuê.

Ảnh panorama chụp từ khách sạn Fairmont ở Palm Jumeirah. Cuối 2019 Dubai xây dựng thêm bãi biển nhân tạo gắn liền với cánh ngoài của resort.

Ảnh Xuân Phương

Cát, biển chính là vàng ròng

Cùng với Palm Jumeirah, quần đảo The World là một quần đảo nhân tạo được tạo ra từ 300 hòn đảo lớn nhỏ khác nhau được xây dựng dựa theo hình dạng thô của một bản đồ thế giới, nằm trong vùng biển vịnh Ba Tư cách bờ biển Dubai 4 km.
Theo dự kiến, The World bao gồm các đảo cát nhân tạo chủ yếu được lấy từ các vùng ven biển của Dubai, đánh dấu sự phát triển của việc xây dựng các hòn đảo nhân tạo ở Dubai. Nhà phát triển quần đảo Thế giới là Nakheel Properties, và dự án ban đầu đã được hình thành bởi Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum, Tiểu vương Dubai.
Tuy nhiên, việc xây dựng 300 hòn đảo bắt đầu vào năm 2003 và bị dừng lại do cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Mặc dù 60% đảo đã được bán cho các nhà thầu tư nhân trong năm 2008, nhưng sự phát triển trên hầu hết các đảo này đã không thành công.
Song, giới chức Dubai vẫn không khuất phục và họ đang có kế hoạch khởi động lại dự án này trong năm tới. Và nó đang được định hình là những dự án bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp tạo nên thanh danh cho Dubai. Không giống như Singapore lấn biển để tạo thêm đất sống cho người dân, Dubai không chịu sức ép về đất chật người đông. Nhưng xây dựng đảo nhân tạo là chiến lược phát triển kinh tế biển của thành phố vùng Vịnh này.

Các toà nhà chọc trời mọc ngay trên biển

Ảnh Xuân Phương

Dubai coi trọng mỗi mét vuông bờ biển là mỗi khối vàng. Điều khác biệt ở chỗ, chính quyền thành phố hướng đến làm kinh tế biển không chỉ đơn giản là xây một số khu nghỉ dưỡng hay một số trò chơi biển mà phải sáng tạo hơn thế. Chính bởi vậy, tuy chi phí xây dựng không phải là bài toán dễ dàng nhưng Dubai chấp nhận cuộc chơi để gây dựng hình ảnh dựa trên những ý tưởng táo bạo. Dubai bắt đầu khai thác dầu mỏ từ năm 1969 nhưng đến nay, thu nhập từ nguồn khai thác này chỉ chiếm chưa đến 1% GDP trong khi du lịch chiếm đến 20%. Con số đó phần nào giải thích cho việc vì sao thành phố cần phải có nền kinh tế năng động và đa dạng.
Người ta hy vọng, các siêu dự án đảo nhân tạo sẽ mang lại tiềm năng kinh tế rất lớn, đồng thời như gói bảo hiểm giúp Dubai có thể trụ vững trước những biến động của vàng đen. Và đúng như Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum, Tiểu vương Dubai đã từng khẳng định, một quốc gia dù nghèo, xuất phát điểm thấp nhưng bằng ý chí, tầm nhìn và sự kiên định chắc chắn sẽ tạo nên được những kỳ tích và bắt kịp các quốc gia phát triển khác trên thế giới.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.