Lận đận chiếc áo dài nam

18/08/2016 20:57 GMT+7

Ra đời trước áo dài nữ, áo dài nam từng là trang phục truyền thống của đàn ông Việt. Trải nhiều sóng gió, áo dài nữ không ngừng được cải tiến thành trang phục độc đáo của phái đẹp Việt Nam. Nhưng áo dài nam vẫn lận đận…

Hình ảnh khiến tôi ấn tượng nhất trong tuần qua là cặp đôi rước dâu bằng xe bò ở Bình Thuận. Không phải vì cô dâu chú rể đẹp đôi và rạng ngời hạnh phúc. Cũng chưa hẳn bởi xe rước dâu gần gũi, mộc mạc và chưa đụng hàng. Mà bởi hình ảnh chú rể và cô dâu đều mặc áo dài, trang phục truyền thống thuần Việt. Càng đáng quí bởi chú rể là Mattais Alexander Wihlnorg, người Thụy Điển; còn cô dâu là Hoàng Cơ Đại, dân Lagi, Bình Thuận. Trước đó, vào ngày 5.5, cặp đôi Võ Quan Đỗ và Đinh Mỹ Thanh Dung ở Tây Ninh cũng gây ấn tượng với màn rước dâu bằng xe đạp. Cả cô dâu, chú rể và phù rể, phù dâu đều mặc áo dài thuần Việt.
Tôi muốn nói đến chiếc áo dài nam. Ra đời trước áo dài nữ, từng là trang phục truyền thống. Cả hai cùng một thời bị lãng quên. Trải nhiều sóng gió, áo dài nữ không ngừng được cải tiến và phá cách, trở thành trang phục độc đáo của phái đẹp và du lịch Việt Nam. So với trang phục nữ của thế giới, kể cả xường xám Trung Quốc và váy châu Âu, áo dài nữ Việt Nam ăn đứt. Từ kiểu dáng, độ sexy, cách lột tả những đường cong mê hoặc… Áo dài nữ trở thành món quà đặc trưng không thể thiếu của du khách nước ngoài, đặc biệt ở Hội An (Quảng Nam) với nhiều tiệm cắt may tại chỗ.
Tôi nhớ, dịp Caravan Việt Nam - Campuchia - Thái Lan do Sở Du Lịch thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Tổng cục Du lịch Thái Lan và Bộ Du lịch Campuchia tổ chức vào cuối nằm 2004. Đoàn tới đâu cũng được chào đón nồng nhiệt. Về cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh), đoàn được hàng trăm sinh viên chào đón, trong đó hơn nửa là áo dài tung bay và rợp trời quyến rũ. Ngày hôm sau, các đại biểu nữ đoàn Thái Lan nằng nặc đòi ra chợ An Đông mua áo dài may sẵn và mặc ngay. Khổ nỗi, áo dài may sẵn thường không được đẹp vì ni tấc và số đo 3 vòng mỗi người mỗi khác. Nhìn họ mãn nguyện trong chiếc áo dài xúng xính, trông vừa buồn cười vừa ngộ nghĩnh dễ thương.
Áo dài nữ độc đáo như vậy mà sao nhiều bạn gái Việt Nam vẫn quay lưng. Áo dài gần như vắng bóng vào các dịp lễ hội truyền thống, đặc biệt là dịp rước dâu trong lễ cưới?
Áo dài bằng gấm của Việt Nam là trang phục chính của lãnh đạo APEC trong cuộc họp năm 2006 - Ảnh: TL
Từ trang phục truyền thống thuần Việt, áo dài bị khép tội và lên án là “tàn dư phong kiến và tư sản, rườm rà, vướng víu, tốn vải…”. May thay, đất nước kịp đổi mới, áo dài nữ cũng hồi sinh, còn áo dài nam vẫn lận đận. Mấy lần bạn bè nước ngoài hỏi “Quốc phục của các bạn là gì, sao không thấy mặc?” mà không biết phải trả lời ra sao. Đi qua mấy nước chung quanh, nước nào cũng có quốc phục, nhìn là biết ngay người nước nào.
Ở miền Nam, trước 1975, các lãnh đạo đều áo dài trang trọng trong những dịp đại lễ như quốc khánh, giỗ tổ…Tôi mê nhất là hình ảnh nhà bác học Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898), một trong 18 học giả lừng danh của thế giới thế kỷ XIX. Dù làm việc cho chính quyền thuộc địa Pháp nhưng lúc nào cũng áo dài khăn đóng truyền thống Việt Nam.
Chưa bàn đến việc đẹp xấu và sự tiện lợi, áo dài nam là trang phục truyền thống thuần Việt của cha ông để lại. Không ai tẩy chay áo vest nhưng phải khuyến khích áo dài nam, nhất là trong các dịp lễ quốc gia và trong các nghi thức truyền thống. Trong lễ cưới của người Việt với người nước ngoài, kể cả ở hải ngoại, áo dài luôn luôn là trang phục đặc trưng, cả cô dâu lẫn chú rể. Với các dâu rể người nước ngoài, mặc áo dài là niềm tự hào, là ISO của sự khẳng định gia nhập cộng đồng văn hóa Việt.
Tôi được mời dự khá nhiều đám cưới Việt với dâu, rể nước ngoài. Bên nước ngoài, ai cũng xúng xính áo dài Việt, từ dâu, rể, cha mẹ đến người thân. Ngược lại, bên Việt Nam vẫn đa phần veston và váy. Hiện nay, nhiều bạn trẻ, trong đó có khá đông nghệ sĩ đã tiên phong mặc trang phục áo dài trong các dịp lễ hội. Áo dài nam đã xuất hiện và sánh vai với áo dài nữ trong lễ hội áo dài Việt Nam, dù còn khiêm tốn.
Nhiều quý ông cũng may sẵn áo dài nhưng chưa dám diện vì người này chờ người kia, sợ diện một mình lập dị? Nếu ngại, sao không rủ nhau? Với lại, mặc áo dài là chuyện nhỏ mà còn ngán ngại thì nhụt chí nam nhi quá. Tôi tin chắc, áo dài nam sẽ có vị trí xứng đáng, kiêu hãnh sánh vai cùng áo dài nữ trong cuộc sống hội nhập. Điều này tùy thuộc một phần vào bản lĩnh và cả lòng tự trọng của cánh đàn ông Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.