'Lớn vậy rồi mà không có giấy khai sinh'
“Lớn vậy rồi mà không có giấy khai sinh”, câu nói đó ám ảnh chị Phan Thị Hồng Nhung (31 tuổi, ngụ H.Củ Chi) không dứt. Chị hiểu có vô vàn khó khăn mà một người gặp phải nếu không có tấm giấy tờ tùy thân "lận lưng”. Và chị không muốn bé N.A (6 tuổi), con gái chị, rơi vào hoàn cảnh như mẹ.
Chị Nhung cho biết sau khi ba mẹ chị ly thân, chị sống với ba và bà nội ở Bình Dương. Lúc này, chị có giấy khai sinh, được học tiểu học. Sau khi bà nội mất, chị sống với ba và trong một lần nhậu say, ba chị đã đốt tất cả giấy tờ. Thấy vậy, ngoại chị đón chị về Bình Phước ở.
|
“Khi lớn rồi tôi muốn đỡ đần ngoại nhưng tôi cũng dần nhận ra mình không thể sống mà thiếu giấy tờ, đi làm ở đâu ai cũng đòi giấy tờ tùy thân, nếu không có mình không được nhận. Tôi muốn mua một chiếc xe để chạy đi làm cũng không được. Đó là chưa nói mình không có CMND, bảo hiểm y tế, tạm trú, tạm vắng... Thành thử, nghề nào không dính líu tới giấy tờ, tôi làm hết. Có lần về lại trường tiểu học cũ để xem còn giấy khai sinh của mình không nhưng trường bảo thất lạc rồi”, chị Nhung bùi ngùi nói.
“Tôi đã nghe nhiều lời như “nhỏ đó không có giấy tờ”, “cô phải có giấy chứng minh chứ không thể nói bằng miệng”, “lớn vậy rồi mà không có giấy khai sinh”... Mấy lần, nửa đêm tôi nằm khóc mãi, cứ đổ cho mình số… con rệp”, chị Nhung nhớ lại.
Chị lấy chồng quê ở H.Củ Chi, cả hai anh chị làm ở vựa ve chai rồi chuyển sang làm phụ hồ, giờ thì chị Nhung nghỉ ở nhà, lãnh ve chai về lựa. Bé A. ra đời, chị lật đật đi làm giấy khai sinh cho con nhưng mãi vẫn không biết làm sao giải quyết được những trục trặc vì không có giấy tờ.
“Chồng tôi đi làm giấy khai sinh nhưng xã nói chưa được vì tôi không có giấy tờ tùy thân, không có đăng ký kết hôn... Nên nếu muốn làm giấy khai sinh cho bé A. phải chứng minh chồng tôi là cha ruột của nó, tức xét nghiệm huyết thống DNA”, chị Nhung kể.
Nghe vậy, chị chỉ biết "thắt lưng buộc bụng" làm việc để dành tiền làm xét nghiệm DNA cho con. “Có lần làm việc quá sức, tôi bệnh nặng, lại không có bảo hiểm y tế nên viện phí tới 10 triệu đồng, chồng tôi phải mượn bạn bè. Vậy là hai vợ chồng vừa trả nợ, vừa đi làm để dành tiền đặng làm xét nghiệm DNA. Nhưng cuối cùng may mắn, tôi được giới thiệu tới Chi hội Bảo trợ trẻ em Hóc Môn khi họ có dự án hỗ trợ kinh phí xét nghiệm. Sau một thời gian bổ sung giấy tờ, bé A. có giấy khai sinh rồi, sẽ được nhập học đàng hoàng”, chị Nhung hồ hởi khoe.
"Tôi mừng lắm! Không chỉ con tôi mà giờ tôi cũng được hỗ trợ làm giấy khai sinh, bao năm rồi, tôi đang chờ tấm giấy của mình, như cuộc đời mới sắp mở ra vậy”, chị Nhung hạnh phúc chia sẻ.
Lần đầu khai sinh của con có tên... mẹ
Chị Nguyễn Thị Thảo (33 tuổi, hiện ngụ Bình Dương) trước đây là trẻ lao động đường phố tại TP.HCM. Mẹ chị cũng là người sống lang thang, hai mẹ con không có giấy tờ tùy thân, sống nhờ lượm ve chai, bán vé số, bán nhang ở các điểm chùa.
Năm 1997, mẹ chị Thảo được đưa về một trung tâm chăm sóc người già tại tỉnh Bình Dương, còn chị Thảo được Cơ sở bảo trợ xã hội Thảo Đàn (Q.3, TP.HCM) tiếp nhận, được làm giấy khai sinh và chuyển sang mái ấm ở. Chừng 5 năm sau, khi mẹ chị về lại Sài Gòn, chị Thảo rời mái ấm đi theo mẹ, tiếp tục sống lang thang cho đến khi lấy chồng vào năm 2009.
|
“Chồng tôi có hộ khẩu ở An Giang. Chúng tôi không cưới hỏi gì, khi sinh hai đứa con đầu, bệnh viện cho tôi lấy giấy chứng sinh nên chồng tôi về quê làm giấy khai sinh cho hai đứa. Nhưng nếu muốn làm được thì phải khai theo diện mẹ bỏ đi vì chúng tôi không có hôn thú và tôi lại không có giấy tờ tùy thân. Tôi đành 'cắn răng' chịu để con mình có giấy tờ đi học”, chị Thảo nói.
“Năm rồi tôi sinh bé thứ 3 thì bệnh viện yêu cầu tôi phải chứng minh nhân thân mới lấy được giấy chứng sinh vì họ sợ những trường hợp trao nhầm con... Tôi buồn, bế tắc lắm. Tự dưng lúc này nghĩ tới cơ sở Thảo Đàn, đánh bạo tới hỏi, ai ngờ các cô vẫn còn giữ giấy khai sinh của tôi, thậm chí còn giúp tôi làm giấy xác nhận tôi là trẻ em đường phố để mang đến bệnh viện thay cho CMND, tôi mới lấy được giấy chứng sinh”, chị Thảo kể tiếp.
Thế nhưng, việc làm giấy khai sinh cho con chị Thảo vẫn tiếp tục gặp khó.
“Lúc này nhà chồng tôi dưới An Giang đã bán nên phải làm khai sinh cho đứa con thứ ba trên này, và điều kiện là tôi và chồng tôi phải chứng minh hôn thú. Đồng thời, chồng tôi phải xét nghiệm DNA để chứng minh huyết thống. Gia đình tôi không có tiền, cuối cùng nhờ dự án 'Trang mới cuộc đời' và bên cơ sở Thảo Đàn hỗ trợ, ứng tiền để chồng tôi giám định DNA. Thủ tục liên miên, kết quả tôi... có tên trong giấy khai sinh của đứa thứ ba”, chị Thảo hồ hởi nói và cho biết thêm dù giờ chị vẫn chưa có giấy CMND, nhưng chị vui hơn hết thảy vì con mình có giấy tờ đầy đủ, được học tại các trường chính quy.
“Cuộc đời tôi lần đầu tiên cầm được giấy khai sinh con có tên mẹ, tôi mừng không thể tưởng tượng nổi, tôi khóc ngay tại phường”, chị Thảo hạnh phúc khoe.
Bà Nguyễn Phương Linh, Giám đốc Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD), Trưởng dự án “Trang mới cuộc đời”, cho hay nhiều trẻ và nhiều người không có giấy khai sinh, điều này đồng nghĩa với việc họ không tiếp cận được những quyền, quyền lợi khác. Pháp luật quy định giá trị pháp lý của giấy khai sinh là hộ tịch gốc của một cá nhân để từ đó người này có thể đi học, làm CMND hay căn cước công dân, tham gia bảo hiểm y tế, ký kết hợp đồng lao động...
|
Bình luận (0)