Trong khi đảo Guam, lãnh thổ chưa hợp nhất của Mỹ ở Thái Bình Dương, chuẩn bị kỷ niệm 73 năm ngày giải phóng (21.7), các chính trị gia cho rằng đã đến lúc quyết định số phận hòn đảo này trở thành một tiểu bang chính thức hay tách ra thành một quốc gia độc lập. Giới quan sát cho rằng khó có khả năng Mỹ sẽ từ bỏ tiền đồn vô cùng trọng yếu ở Thái Bình Dương này, vì gần 1/3 diện tích đảo hiện là nơi đồn trú của nhiều đơn vị chiến lược.
Công dân hạng hai
Theo AFP, vấn đề độc lập cho đảo Guam vô cùng phức tạp và kéo dài qua 3 thế kỷ kể từ khi chính quyền thực dân Tây Ban Nha đồng ý trao hòn đảo thuộc địa này cho Mỹ vào năm 1898 do thất bại trong cuộc chiến Tây Ban Nha - Mỹ. Trong Thế chiến 2, hòn đảo bị Nhật chiếm đóng trước khi bị Mỹ giành lại trong một trận chiến khốc liệt kéo dài 1 tháng và kết thúc vào ngày 21.7.1944, được lấy làm ngày giải phóng.
Hòn đảo dài khoảng 50 km, nơi rộng nhất chỉ 19 km, đã trở thành một trong những nơi đóng quân lớn nhất của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương và được mệnh danh là “mũi lao” hướng về khu vực thường xảy ra căng thẳng với Trung Quốc, Triều Tiên và Nga. Kể từ năm 1898, cư dân trên đảo được xem là người Mỹ dù họ không có đầy đủ quyền công dân. Khoảng 160.000 người dân tại đây không được tham gia bầu cử tổng thống. Đại diện duy nhất của họ tại quốc hội Mỹ không được bỏ phiếu liên quan đến vấn đề lập pháp.
tin liên quan
Mỹ thử thành công hệ thống đánh chặn tên lửa THAADMỹ ngày 11.7 tuyên bố hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) lần đầu tiên đánh chặn thành công tên lửa đạn đạo tầm trung tương tự với những tên lửa do CHDCND Triều Tiên phát triển.
Nghị sĩ đương nhiệm của Guam là ông Eddie Calvo từ lâu đã tiến hành chiến dịch kêu gọi trưng cầu dân ý về quyền tự quyết, nhằm trao cho cử tri 3 lựa chọn: độc lập, trở thành một bang của Mỹ hoặc duy trì như hiện tại. Ông Calvo cho rằng dù kết quả trưng cầu ra sao đi nữa thì cử tri cũng có tiếng nói về tương lai của họ. “Bất cứ lựa chọn nào cũng tốt hơn hiện trạng. Tôi sẽ vui hơn nếu chúng ta trở thành một tiểu bang. Nhưng tôi vẫn vui hơn hiện tại nếu chúng ta độc lập”, ông phát biểu.
|
Ngưỡng sống được
Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng Guam đã phụ thuộc vào Mỹ quá lâu nên khó có thể trở thành một quốc gia độc lập. Hiện nay, khoảng 44.900 người dân trên đảo vẫn nhận tem phiếu thực phẩm và các chế độ chăm sóc sức khỏe từ chính phủ Mỹ. Ngân sách liên bang và thuế từ quân nhân đóng tại đây cũng góp phần lớn vào ngân sách địa phương, phục vụ xây dựng hạ tầng.
Bà Marites Schwab ở làng Agana Heights cho biết bà rất lo ngại rằng liệu Guam có đủ trưởng thành về chính trị để tự điều hành hay không. “Họ sẽ làm gì để duy trì các dịch vụ do chính quyền liên bang hiện cung cấp. Kế hoạch sắp tới là gì? Tôi cần thấy điều gì thực tế mà chúng ta có thể đạt được”, bà Marites Schwab nêu vấn đề. Cư dân Adrian Cruz cũng kêu gọi duy trì mối quan hệ hiện tại vì việc lệ thuộc tài chính vào Mỹ khiến rất khó thay đổi. “Mỹ đã đặt chúng ta ở một ngưỡng sống được. Có nghĩa là chúng ta không nghèo đến mức phải nổi dậy nhưng không thịnh vượng đến mức không cần họ nữa”, ông nhận định.
Giới phân tích cho rằng tranh cãi về số phận đảo Guam vẫn là thuần túy về lý thuyết, ít nhất là trong giai đoạn trước mắt vì tòa án liên bang Mỹ hồi tháng 3 vừa bác bỏ đề nghị cho khoảng 65.000 người Chamorro bản địa tổ chức bỏ phiếu về quyền tự trị tại Guam. Tòa cho rằng điều này sẽ vi hiến vì mang tính phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, ông Michael Bevacqua chuyên nghiên cứu về văn hóa Chamorro tại Đại học Guam cho rằng người bản địa cần có quyền bỏ phiếu về tương lai của mình sau khi nhiều thế hệ bị bác bỏ các quyền lợi dưới thời thực dân. “Quá trình phi thực dân hóa nhưng lại phải tuân theo quy định của thực dân thì không còn là quá trình phi thực dân hóa. Đó là quá trình thực dân hóa kéo dài”, ông chỉ trích.
Bình luận (0)