Lần đầu chụp được ảnh cận cảnh ngôi sao bên ngoài dải Ngân hà

21/11/2024 21:42 GMT+7

Các nhà thiên văn học lần đầu ghi lại hình ảnh ngôi sao WOH G64 nằm trong đám mây Magellan lớn, cách trái đất khoảng 160.000 năm ánh sáng và có kích thước lớn hơn mặt trời 2.000 lần

Lần đầu chụp được ảnh cận cảnh ngôi sao bên ngoài dải Ngân hà- Ảnh 1.

Hình ảnh ngôi sao WOH G64 do các nhà thiên văn học vừa ghi lại

ẢNH: ESO

Trang ScienceNews ngày 21.11 dẫn lời các nhà khoa học cho hay họ đã chụp được hình ảnh cận cảnh đầu tiên của một ngôi sao bên ngoài dải Ngân hà. Theo đó, các nhà khoa học ghi lại hình ảnh mờ của ngôi sao đang dần tắt WOH G64, có kích thước lớn hơn mặt trời 2.000 lần.

Cách trái đất khoảng 160.000 năm ánh sáng, ngôi sao WOH G64 nằm trong đám mây Magellan lớn - một thiên hà vệ tinh của dải Ngân hà. Đây là một siêu sao khổng lồ đỏ, là loại sao lớn nhất trong vũ trụ vì chúng mở rộng vào không gian khi gần đến cái chết bùng nổ.

Hình ảnh được chụp bởi một nhóm các nhà nghiên cứu sử dụng một thiết bị mới trên kính viễn vọng VTL của Đài thiên văn Nam Âu (ESO) tại Chile.

Nhà vật lý thiên văn Keiichi Ohnaka tại Đại học quốc gia Andres Bello của Chile dẫn đầu nghiên cứu cho biết "lần đầu tiên, chúng tôi đã thành công trong việc chụp ảnh phóng to một ngôi sao đang tắt".

Hình ảnh cho thấy ngôi sao màu vàng sáng nhưng mờ nằm bên trong một đường viền hình bầu dục. "Chúng tôi phát hiện ra một cái kén hình quả trứng bao quanh sát ngôi sao. Chúng tôi rất phấn khích vì điều này có thể liên quan sự phóng vật chất mạnh mẽ từ ngôi sao đang tắt trước vụ nổ siêu tân tinh", ông Ohnaka cho biết.

Đội ngũ của nhà vật lý thiên văn này đã theo dõi ngôi sao trên được một thời gian. Vào năm 2005 và 2007, họ từng dùng máy giao thoa kế của kính viễn vọng VLT để nghiên cứu ngôi sao này.

Tuy nhiên, việc ghi lại một hình ảnh là điều ngoài tầm với cho đến khi có một công cụ mới mang tên GRAVITY được đưa vào sử dụng gần đây, kết hợp ánh sáng từ 4 kính viễn vọng.

Khi so sánh các kết quả quan sát, họ bất ngờ phát hiện ngôi sao đã mờ hơn trong thập niên qua.

"Ngôi sao này đã trải qua sự thay đổi đáng kể trong 10 năm qua, mang đến cho chúng ta cơ hội hiếm có để chứng kiến cuộc sống của một ngôi sao theo thời gian thực", đồng tác giả nghiên cứu Gerd Weigelt thuộc Viện Thiên văn vô tuyến Max Planck của Đức cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.