Ở tuổi 85, nhà báo Trần Mạnh Thường xúc động khi những bản phim ông giữ gìn lâu nay đã có thể in ra, tập hợp trong cuốn sách ảnh Nhìn lại cuộc chiến biên giới phía bắc 1979. “Tôi từng lo trước khi nhắm mắt xuôi tay vẫn chưa làm được sách, còn giờ thì tôi rất phấn khởi”, ông vừa nói vừa lật giở từng trang sách.
Những thước phim quay chậm
Nhà báo Trần Mạnh Thường dừng lại ở một trong những bức ảnh khiến ông bị ám ảnh khi bấm máy. Đó là hình ảnh chị Nguyễn Thị Hải và 4 người con ở thôn Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, TX.Cao Bằng, bị giặc giết hại, bên cạnh là hình ảnh anh Nông Văn Ất - chồng chị, đau đớn chia sẻ với các nhà báo nước ngoài. Các con của họ, đứa bé nhất mới 3 tuổi, đứa lớn nhất 10 tuổi, chị Hải lúc đó đang mang thai ở tháng thứ 6. Bức ảnh khiến người xem ớn lạnh, rùng mình khi không phải 5 mà 6 con người đã bị sát hại dã man. “Tôi muốn công bố bức ảnh này để cho thấy tội ác của giặc đã gây ra”, nhà báo Trần Mạnh Thường khẳng định.
Bức ảnh nằm trong phần Tội ác của quân xâm lược của tập sách, 2 phần tiếp theo là Tinh thần đoàn kết chiến đấu anh dũng của quân dân Việt Nam và Thắng lợi vẻ vang. Sau hơn 40 năm, Trần Mạnh Thường vẫn xúc động khi nhìn lại hình ảnh nhiều nhà máy thủy điện bị đánh sập; bệnh viện chỉ còn là đống gạch vụn; nhà trẻ bị san phẳng; cây cầu chỉ còn là đống sắt vụn; hình ảnh thanh niên các dân tộc ở biên giới hăng hái xung phong tòng quân, cha tiễn con lên đường ra trận, bộ đội hành quân truy kích địch, bữa cơm trên đường hành quân ra trận; hình ảnh xe tăng của giặc bị tiêu diệt, tù binh bị đưa về trại giam… Những hình ảnh giống như thước phim quay chậm đưa người xem trở lại với cuộc chiến ác liệt cách đây hơn 40 năm. “Khoảng thời gian 5 năm được nhà nước cử đi Đức học nhiếp ảnh đã dạy tôi ý thức chụp để có được bộ ảnh đầy đủ, tức là phải mô tả được toàn diện về cuộc chiến”, nhà báo Trần Mạnh Thường cho hay.
|
Thế hệ sau cần nhớ về cuộc chiến khốc liệt
Cuốn sách gồm hơn 100 bức ảnh đen trắng, bao gồm những hình ảnh hiếm hoi chụp tại mặt trận Cao Bằng vào sáng 17.2.1979, thời điểm bắt đầu cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc Tổ quốc của quân dân ta.
Trong vai trò phóng viên ảnh của Nhà xuất bản Văn hóa (Bộ VH-TT, nay là Bộ VH-TT-DL), Trần Mạnh Thường nhận nhiệm vụ tăng cường cho vùng biên giới, ghi hình ảnh làm tư liệu. Ông tới Cao Bằng vào tháng 10.1978, lúc ấy Trung Quốc đã công kích ở vùng biên. Sau Tết âm lịch, ông trở lại và linh tính về cuộc chiến. “Tôi mua vé máy bay lên Cao Bằng thì người ta nói không bán vé khứ hồi mà chỉ bán vé 1 chiều”, ông nhớ lại. Đó là ngày 16.2.1979. Sau chuyến bay, ông có mặt ở TX.Cao Bằng vào lúc 11 giờ trưa, rồi theo xe về vùng biên giới nghỉ đêm tại H.Hòa An. “Khoảng 5 - 6 giờ sáng hôm sau (17.2.1979), tôi nghe thấy tiếng súng nổ”, ông kể. Trần Mạnh Thường nói nếu chỉ chậm 1 ngày hay không quyết định đi về vùng biên giới, ông sẽ không thể ghi lại những hình ảnh đầu tiên về cuộc chiến tại mặt trận biên giới Cao Bằng như thế, “bởi địch đã chiếm được vùng ở ngay phía sau”.
|
Nhìn bức ảnh chụp bộ đội ta xung phong, dễ dàng nhận thấy người chụp phải ở vị trí phía trước, tức là gần phía địch hơn. “Mình có thể trúng đạn như bộ đội chứ, nhưng tôi nghĩ cần phải có những hình ảnh rất thật. Lúc chưa có tiếng súng thì còn sợ, chứ khi súng đã nổ, mình không biết sợ nữa”, ông kể và cho hay: “Lực lượng của ta chủ yếu là quân đội địa phương và dân quân tự vệ đã chiến đấu chống lại 60 vạn quân địch được trang bị hiện đại. Tôi muốn đi khắp các mặt trận ở Cao Bằng để mô tả qua những bức ảnh tinh thần chiến đấu của quân dân ta”.
Ở tuổi 85, nhà báo Trần Mạnh Thường vẫn vi vu trên đường với chiếc xe máy, chụp ảnh, dạy học, đi chơi với bạn bè... Ông bảo: “Muốn sống lâu nhưng phải sống khỏe mạnh, có ích”. Mỗi cuốn sách được in giá 200.000 đồng, nhưng cả 300 cuốn sách đã được in, ông đều không bán mà chỉ gửi tặng. Ông nói nếu có nhiều tiền hơn, ông sẽ in thêm nữa. Ông kể tự mình bỏ tiền làm sách, với số lượng sách như vậy cũng tốn tới cả khoảng trăm triệu. Hỏi ông lấy đâu ra số tiền không nhỏ ấy để làm sách, ông cười, kể: “Tôi vừa biên soạn một cuốn sách được trả 150 triệu, nên lấy lại bù vào đây”.
Hơn 100 bức ảnh trong cuốn sách mới chỉ là một phần trong khoảng 600 bức ảnh được ông lưu giữ suốt hơn 40 năm về cuộc chiến, ông hy vọng sẽ có cơ hội tiếp tục đưa đến với công chúng. “Cuốn sách này với tôi rất quý. Không phải quý vì là của mình, hay mình từng cận kề cái chết để chụp, quan trọng là để thế hệ hôm nay và mai sau được nhìn thấy những hình ảnh này, để nhớ rằng chúng ta đã có một cuộc chiến dù ngắn nhưng khốc liệt đến thế nào”, nhà báo Trần Mạnh Thường nói.
Bình luận (0)