Dù có bao nhiêu con thì người mẹ cũng sẽ thương các con như nhau. Nhưng rõ ràng khi mang thai lần đầu, niềm vui, niềm hạnh phúc, lo âu và cả thử thách với người mẹ bao giờ cũng nhiều hơn những lần sinh sau, bởi khi sinh con đầu lòng, họ chưa có chút kinh nghiệm nào.
|
Trước tiên là lo lắng bắt nguồn từ những dặn dò phải kiêng cữ thứ này thứ khác của những người mẹ, người bà có kinh nghiệm về chuyện sinh đẻ. Nói chung là đủ thứ: không được bước qua dây, không đứng ở cửa ra vào, không ngồi đầu ghế, không nếm thử thức ăn trong bếp... Hỏi vì sao kiêng nhiều vậy thì được trả lời “không nên”. Vậy thôi. Tuy nhiên, ngẫm ra phần lớn những kiêng cữ tưởng như nhuốm màu mê tín nói trên đều... có lý, nhưng cách giải thích lại vô lý. Yêu cầu thai phụ lúc nào cũng phải cẩn thận, hết sức cẩn thận lại hoàn toàn đúng. Bởi bước qua dây dễ bị vấp ngã (chứ không phải bị dây rốn quấn quanh cổ đứa trẻ như lời giải thích); đứng ở cửa ra vào dễ bị người va đụng (chứ không phải sau này sinh khó); ngồi đầu ghế dễ bị chổng ghế, nguy hiểm...
Hơn chín tháng chờ đợi, hi vọng trong hạnh phúc và lo lắng: Liệu sinh có mau không? Có được “mẹ tròn con vuông” không? Đứa trẻ sẽ giống ai...? Đó là những câu hỏi thường trực trong đầu người mẹ.
Rồi đến ngày sắp sinh con, các bà mẹ lại có lo lắng khác: làm sao biết bé đói để cho bú, khát để cho uống, nóng quạt cho mát, lạnh ấp cho ấm trong khi ngôn ngữ duy nhất của trẻ chỉ là tiếng khóc. Tôi cũng từng lo lắng bời bời như vậy. Hỏi mẹ, mẹ chỉ bảo: “Tới hồi đó tự nhiên sẽ biết”. Nỗi lo này thật sự theo các bà mẹ cho đến ngày đứa bé lọt lòng. Để rồi sau đó người mẹ trẻ “tự nhiên sẽ biết" thật. Bằng tình yêu thiêng liêng của người mẹ, họ “nghe” tất cả ngôn ngữ của con mình “nói” bằng tiếng khóc: tiếng khóc nào con đòi bú, tiếng khóc nào cho biết con bị nóng, lạnh. Mỗi tiếng khóc mang một “thông điệp” khác nhau mà chỉ có người mẹ mới cảm nhận được nhờ có tình yêu thương và thiên chức làm mẹ rất đặc biệt.
Và khi đứa con ra đời, các bà mẹ chưa chắc đã nghĩ họ phải trải qua và sắp đi một con đường gian nan đến mức ấy. Nói cách khác, việc chăm sóc con cái gian nan và đầy thử thách hơn người mẹ trẻ tưởng rất nhiều.
Đứa con bé bỏng ngốn hết thời gian của bà mẹ trẻ. Sách, báo, phim, ảnh, Internet... là niềm vui và những thứ giải trí thường ngày trước kia, giờ dường như là "thế giới xa lạ" đối với các bà mẹ có con mọn. Chưa kể, người mẹ trẻ lại thay đổi toàn bộ mối quan hệ với chồng và mọi người xung quanh, bạn bè gặp nhau cũng hiếm có thời gian tâm sự. Không ít gia đình lình xình vì khi có con, người vợ không còn thời gian chăm lo cho chồng chu đáo như trước, thậm chí lơ là cả việc sửa soạn cho bản thân khiến người chồng dù yêu vợ, yêu con đến mấy vẫn có cảm giác như mình bị... bỏ rơi.
Còn với người mẹ, niềm vui lớn nhất vẫn là đứa con. Vài ba tháng sau khi sinh ra, đứa trẻ biết cười - nụ cười có ý nghĩa lần đầu tiên (chứ không phải cười vô thức do "bà mụ” dạy trong tháng đầu), thì tất cả mọi lo toan, mệt mỏi của người mẹ dường như tan biến, cảm giác vui lâng lâng xuất hiện. Những tưởng chỉ đơn giản thế thôi, công sinh thành của mình (mà hình như đâu có người mẹ nào cần đến) đã được đứa con đáp đền.
Với tình yêu thương của người mẹ, tất cả những lo lắng, gian nan, thử thách, những lúng túng về tâm lý và sinh hoạt rồi sẽ qua đi. Niềm vui đến từ những đứa con thì không có gì thay thế. Đến một lúc nào đó, người mẹ sẽ không hình dung được cuộc sống sẽ ra sao nếu thiếu vắng những đứa con.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)