Lần đầu mất ghế quốc hội sau 53 năm, sự nghiệp của 'huyền thoại' Mahathir có chấm dứt?

21/11/2022 07:30 GMT+7

Nhà lãnh đạo kỳ cựu của Malaysia là cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad đã lần đầu tiên mất ghế trong quốc hội sau 53 năm.

Cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad của Malaysia trong cuộc phỏng vấn với Reuters ngày 8.11

reuters

Theo Reuters, cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad của Malaysia ngày 19.11 đã mất ghế trong quốc hội khi chỉ xếp thứ tư trong cuộc đua có 5 ứng viên trên đảo Langkawi. Chiếc ghế này đã thuộc về ứng viên Mohd Suhaimi Abdullah từ liên minh Perikatan Nasional (PN) do cựu Thủ tướng Muhyiddin Yassin đứng đầu.

Đây là lần đầu tiên ông Mahathir (97 tuổi) thất cử kể từ năm 1969. Thất bại này có thể đánh dấu sự kết thúc sự nghiệp chính trị kéo dài 7 thập niên của ông Mahathir, người hai lần giữ chức thủ tướng Malaysia trong hơn hai thập niên.

Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters vào tháng này, ông Mahathir nói sẽ rút lui khỏi chính trường nếu thua cuộc. "Tôi nghĩ mình sẽ hoạt động chính trị cho đến khi 100 tuổi. Điều quan trọng nhất là truyền kinh nghiệm của tôi cho các nhà lãnh đạo trẻ hơn của đảng", ông Mahathir cho biết.

Nhà lãnh đạo kỳ cựu

Ông Mahathir Mohamad là cái tên đứng đầu chính trường Malaysia trong nhiều thập niên. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Mahathir đã giữ chức thủ tướng Malaysia trong 22 năm, từ 1981 đến 2003. Theo BBC, nhà lãnh đạo này được xem là người đứng sau sự phát triển và chuyển đổi kinh tế nhanh chóng của Malaysia từ những năm 1980.

Năm 2018, ông Mahathir quay lại chính trường khi đang nghỉ hưu để nỗ lực lật đổ cựu Thủ tướng Najib Razak, người bị cáo buộc biển thủ hàng trăm triệu USD tiền công quỹ.

Với sự giúp đỡ của cựu Phó thủ tướng Anwar Ibrahim, người từng là đối thủ của mình, ông Mahathir một lần nữa được bầu làm thủ tướng Malaysia. Cựu Thủ tướng Najib bị buộc tội và cuối cùng bị bỏ tù vì tội rửa tiền và lạm dụng quyền lực.

Tuy nhiên, liên minh Pakatan Harapan cầm quyền của ông Mahathir và ông Ibrahim đã sụp đổ vì các cuộc đấu đá nội bộ. Tháng 2.2020, ông Mahathir từ chức. Dù vậy, ông Mahathir vẫn là một nhân vật có sức ảnh hưởng ở Malaysia.

Bước vào chính trường

Ông Mahathir sinh ngày 10.07.1925 tại bang Kedah của Malaysia và là con út trong gia đình có 9 người con. Ở tuổi 21, ông Mahathir tham gia đảng chính trị Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất (UMNO) rồi nhập học tại Đại học Y khoa King Edward VII ở Singapore năm 1947.

Sau khi tốt nghiệp, ông Mahathir hành nghề y trong 7 năm tại quê nhà Kedah. Năm 1956, ông Mahathir kết hôn với bác sĩ Siti Hasmah Mohd Ali, bạn đại học. Hai người sinh được ba con trai và hai con gái.

Năm 1964, ông Mahathir thắng cử và lần đầu trở thành nghị sĩ trong quốc hội. Tuy nhiên, ông Mahathir năm 1969 mất ghế và bị khai trừ khỏi đảng sau khi viết một bức thư ngỏ công kích Thủ tướng lúc đó là ông Tunku Abdul Rahman.

Ông Mahathir sau đó đã viết một cuốn sách gây tranh cãi có nhan đề Thế tiến thoái lưỡng nan của người Mã Lai. Tác phẩm gây được thiện cảm với các nhà lãnh đạo trẻ tuổi của UMNO. Ông Mahathir được mời trở lại đảng, tái đắc cử vào quốc hội năm 1974 và được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Giáo dục. Trong 4 năm sau đó, ông Mahathir giành được vị trí phó chủ tịch UMNO và. Đến năm 1981, ông trở thành thủ tướng ở tuổi 56.

BBC nhận định dưới sự lãnh đạo của ông Mahathir, Malaysia đã trở thành một trong những con hổ châu Á của thập niên 1990. Những dự án danh tiếng như Tháp đôi Petronas đã cho thấy các tham vọng của nhà lãnh đạo này.

Tuy nhiên, ông Mahathir cũng gây tranh cãi khi đưa ra Đạo luật An ninh Nội bộ, khiến các chính trị gia đối lập phải ngồi tù mà không cần qua xét xử.

Một trong số đó là phó thủ tướng của ông Mahathir, ông Anwar Ibrahim. Ông Ibrahim đã bị sa thải, bị buộc tội tham nhũng và kê gian. Ông Ibrahim sau đó bị bỏ tù vì tội danh thứ hai.

Quay lại vị trí lãnh đạo

Dù nghỉ hưu năm 2003, ông Mahathir chưa bao giờ thực sự rời khỏi chính trường.

Nhà lãnh đạo này công khai chỉ trích người kế nhiệm là Abdullah Badawi. Sau khi liên minh cầm quyền thất bại trong việc giành đa số ghế trong cuộc bầu cử năm 2008, ông Mahathir đã rời đảng UMNO. Nhiều người cho rằng đây là cách để gây áp lực buộc ông Abdullah phải ra đi.

Hành động của ông Mahathir dọn đường cho cựu Thủ tướng Najib lên nắm quyền. Sau đó, ông Mahathir đã quay lại đảng UMNO.

Tuy nhiên, sự ủng hộ của ông Mahathir dành cho ông Najib đã thay đổi sau khi cựu Thủ tướng Najib đối mặt với nhiều cáo buộc tham nhũng chống lại liên quan đến một quỹ đầu tư nhà nước mắc nợ nặng nề có tên là 1Malaysia Development Berhad (1MDB).

Ông Mahathir đã huy động được những người ủng hộ trong UMNO để gây sức ép chống lại ông Najib từ bên trong đảng và chính phủ. Tuy nhiên, khi việc này không đi đến đâu, ông Mahathir và một số người ủng hộ cấp cao đã rời UMNO và lập ra đảng Đoàn kết Bản địa Malaysia (BERSATU) vào năm 2016. Một năm sau đó, BERSATU gia nhập liên minh đối lập Pakatan Harapan.

Tháng 1.2018, ông Mahathir tuyên bố ý định tranh cử ở tuổi 92. Đến ngày 9.5, ông Mahathir đã giành được chiến thắng lịch sử và quay lại làm thủ tướng.

Liên minh Pakatan Harapan lãnh đạo Malaysia trong 2 năm cho đến khi ông Mahathir khiến nền chính trị đất nước rơi vào tình trạng hỗn loạn vào cuối tháng 2.2020 sau tuyên bố từ chức, phá vỡ liên minh với ông Anwar.

Sau đó, ông Mahathir và ông Anwar nói họ đã “làm lành” và một lần nữa nhận được sự ủng hộ của đa số. Tuy nhiên, quốc vương Sultan Abdullah Sultan Ahmad Shah, người có tiếng nói cuối cùng về việc ai sẽ thành lập chính phủ, đã chọn ông Muhyiddin làm thủ tướng.

Dù vậy, ông Muhyiddin cũng không nắm quyền lâu. Cựu Thủ tướng Muhyiddin từ chức vào tháng 8.2021 chỉ sau 17 tháng nắm quyền và nhường vị trí của mình cho đương kim Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob vì ông đã mất sự ủng hộ của đa số nghị sĩ trong quốc hội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.