Lần đầu môn giáo dục công dân có nội dung chống bạo lực

02/05/2023 07:36 GMT+7

Ở cấp THCS đang thực hiện hai chương trình giáo dục song song. Các giáo viên đã chỉ ra thực trạng của môn giáo dục công dân, được cho là giáo dục đạo đức cho học sinh.


CHƯƠNG TRÌNH CŨ NỘI DUNG KHÔNG THEO KỊP THỰC TẾ

Thầy Trần Tuấn Anh, Trường THCS Colette (Q.3, TP.HCM), nhận xét: "Ở chương trình hiện hành (học sinh - HS lớp 8, 9 đang học-PV), sách giáo khoa (SGK) môn giáo dục công dân (GDCD) có hình thức xấu nhất trong tất cả môn học. Nếu như với các môn âm nhạc, lịch sử, địa lý còn có màu sắc thì sách môn GDCD chỉ là trắng đen".

Lần đầu môn GDCD có nội dung chống bạo lực - Ảnh 1.

Một tiết học môn GDCD của học sinh Trường THCS Colette (Q.3, TP.HCM)

ĐÀO NGỌC THẠCH

Còn nội dung, theo thầy Tuấn Anh, đã không còn theo kịp sự thay đổi của đời sống xã hội. Nội dung chương trình nghiêng về đạo đức, pháp luật, trong đó phần đạo đức thì nói về lòng biết ơn, tiết kiệm, lễ độ; còn về pháp luật là quyền trẻ em, bảo vệ môi trường, bộ máy nhà nước… Trong khi bây giờ HS cần kỹ năng sống, về kinh tế hoặc những nội dung phù hợp với thời đại internet, 4.0…

Tương tự, một giáo viên (GV) ở Q.Bình Thạnh cho rằng chương trình cũ, có những kiến thức không phù hợp như ở lớp 7 mà đưa vào giảng dạy kiến thức về nhà nước rất khô khan và không phù hợp với HS.

CHƯƠNG TRÌNH MỚI TIỆM CẬN VỚI SỰ PHÁT TRIỂN CỦA XÃ HỘI

Trong 2 năm trở lại đây, khi Chương trình GDPT 2018 áp dụng vào bậc THCS với lớp 6 và lớp 7 thì theo GV Trần Dương Thùy Linh, Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh), các chủ đề bài học gắn với thực tế hơn.

Ví dụ chương trình có các bài liên quan bạo lực học đường, tệ nạn xã hội (lớp 7), phù hợp với đặc điểm, xu hướng tâm lý phát triển lứa tuổi bậc THCS. Chương trình mới còn có chủ đề phòng chống, phát hiện, xử lý căng thẳng cho HS. Khi dạy, GV cũng hứng thú. "Rõ ràng nội dung chương trình giảng dạy bây giờ đã bám sát được với sự phát triển của xã hội, đời sống, diễn biến thực tế tâm lý lứa tuổi của HS", cô Linh nhận xét.

Cũng theo thầy Tuấn Anh, SGK và nội dung chương trình giảng dạy của môn GDCD của Chương trình GDPT 2018 đã thay đổi. Hình thức sinh động và nội dung cũng đã tiệm cận với sự phát triển của xã hội, thực tế phát triển trong môi trường học đường, đời sống của học trò. Đặc biệt lần đầu tiên môn GDCD ở Chương trình GDPT mới đã xuất hiện nội dung về phòng chống bạo lực trong sách lớp 7. Vào năm học mới, với SGK lớp 8, HS sẽ được học về bạo lực gia đình.

Thầy Tuấn Anh và cô Thùy Linh đều cho biết với sách chương trình cũ, muốn dạy HS nội dung về bạo lực học đường thì GV phải lồng ghép vào các nội dung khác như bài xây dựng tình bạn trong sáng, còn về bạo lực gia đình lồng ghép trong bài quyền và nghĩa vụ công dân trong gia đình.

Lần đầu môn giáo dục công dân có nội dung chống bạo lực - Ảnh 2.

Thầy Trần Tuấn Anh, Trường THCS Colette (Q.3, TP.HCM), cùng học sinh trong những buổi dạy về phòng chống bạo lực học đường

NVCC

ĐỪNG XEM LÀ MÔN PHỤ

Tuy nhiên, theo thầy Trần Tuấn Anh, dù chương trình mới và sách có hay đến đâu đi chăng nữa thì cũng không qua được vai trò của GV.

Chẳng hạn chương trình mới buộc phải soạn đề thi theo cách mới. Đề kiểm tra trên mạng có rất nhiều nhưng có những GV còn biên soạn đề kiểm tra một cách dễ dãi. "Khi làm những bài kiểm tra đó, HS sẽ cho rằng môn này không cần học, "chém gió" cũng có điểm. Rồi có những GV lạm dụng về câu hỏi trắc nghiệm", GV Tuấn Anh nhận xét.

Khi đề cập thực trạng về giảng dạy môn GDCD trong trường hiện nay, GV của Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh) chia sẻ: "Đôi khi cảm thấy tủi thân. Cứ nói bộ môn GDCD rất là quan trọng, giáo dục đạo đức cho học trò nhưng với một tiết/tuần thực sự rất là khó, không thể nào giáo dục đạo đức HS trong 45 phút. Thêm vào đó, tư tưởng xem đây là môn phụ còn rất nặng nề, kể cả phụ huynh, HS và trong nhà trường. Cứ nói đến môn GDCD là nói thôi kệ nó đi, có gì đâu mà làm, không cần học cũng có thể điểm cao, cũng qua. Điều này khiến GV bộ môn cũng buồn".

Tuy nhiên, một GV dạy GDCD tại Q.3 (TP.HCM) nhìn nhận, ít nhiều tâm thế của GV chính môn học này cũng không mặn mà và không coi trọng môn dạy của mình. "Có GV khi thấy tôi in hình ảnh để chuẩn bị cho tiết dạy đã từng hỏi "Em in làm chi vậy?", tôi trả lời "Em in để HS thích học môn mình". Và tôi nhận được câu nói: "Thích môn mình để làm chi vậy, ban giám hiệu coi trọng đâu, phụ huynh có coi trọng đâu!". Tự nhiên tôi khựng lại một nhịp", GV này kể.

Tuy nhiên, để giáo dục đạo đức cho HS, theo các GV, cần sự chung tay của GV tất cả các môn. Mỗi thầy cô đều có thể giáo dục đạo đức cho HS của mình. Cô Thùy Linh lấy ví dụ như vào trong lớp thầy cô chỉnh đốn tác phong cũng là rèn luyện đạo đức cho HS hoặc nhắc nhở các con khi trả lời câu hỏi thì dạ thưa lễ phép cũng là giáo dục đạo đức.

Thầy Tuấn Anh cũng đề nghị: "Tất cả GV cùng chung tay giáo dục đạo đức cho HS, đừng để GV GDCD cô đơn".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.