Lần đầu tiên dùng phương pháp ERCP cứu bệnh nhân có tim nằm bên phải

02/09/2020 09:54 GMT+7

ERCP là phương pháp nội soi mật tụy ngược dòng, nhưng ERCP sẽ trở nên khó khăn đặc biệt là ở bệnh nhân có chứng đảo ngược phủ tạng.

Ngày 2.9, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) cho biết bệnh viện vừa thực hiện can thiệp điều trị thành công cho nam bệnh nhân (61 tuổi, ngụ TP.HCM) bị tắc mật do sỏi ống mật chủ bằng phương pháp nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP), cắt cơ vòng, lấy sỏi qua nội soi. Điều đặc biệt, đây là bệnh nhân bị đảo ngược phủ tạng - một bệnh lý khó thực hiện kỹ thuật ERCP.
Theo Bệnh viện Nhân dân Gia Định, bệnh nhân mắc chứng ngược phủ tạng (tim nằm bên phải, gan bên trái…), tim bẩm sinh thông liên thất, tăng áp lực động mạch phổi, nhưng nhập viện vì đau thượng vị, nôn ói, vàng da và được chẩn đoán tắc mật do sỏi.
Các bác sĩ đã can thiệp ERCP lấy sỏi thành công, sau 24 giờ bệnh nhân xuất viện.
Các bác sĩ cho biết, can thiệp ERCP thành công ở bệnh nhân đảo ngược phủ tạng chưa được ghi nhận theo y văn tại Việt Nam và chỉ có báo cáo các trường hợp lâm sàng riêng lẻ trên thế giới.
Đảo ngược phủ tạng là một chứng bệnh bẩm sinh hiếm gặp với tần suất 1/5.000- 1/20.000. Nguyên nhân do bất thường nhiễm sắc thể di truyền thể lặn, nó có đặc trưng là sự hoán vị từ trái sang phải của các tạng trong cơ thể, giống như hình ảnh “gương soi” đối với cơ thể thông thường.
Có khoảng 70% bệnh nhân đảo ngược phủ tạng sẽ có bất thường bẩm sinh đường tiêu hóa khác như teo ruột non, thiểu sản đường mật… và khoảng 40% có kèm theo các dị tật bẩm sinh ngoài đường tiêu hóa, đặc biệt là các dị tật bẩm sinh tim mạch.
ERCP là gì?
Đây là phương pháp can thiệp kỹ thuật cao, ít xâm lấn hiệu quả trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý mật - tụy. Tuy nhiên, ERCP sẽ trở nên khó khăn ở những bệnh nhân có giải phẫu đường tiêu hóa bất thường vì lý do phẫu thuật hoặc mắc các bệnh bẩm sinh, đặc biệt là ở bệnh nhân có chứng đảo ngược phủ tạng như trên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.