Sáng 24.2, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 (Hà Nội) công bố phẫu thuật thành công ca ghép chi thể đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, cũng là ca ghép chi thể đầu tiên trên thế giới được nhận chi hiến từ người cho sống.
Người được ghép chi (1/3 dưới cẳng tay đến bàn tay trái) là bệnh nhân (BN) Phạm Văn Vương (31 tuổi, ngụ H.Thanh Trì, Hà Nội). 4 năm trước, anh Vương bị tai nạn do máy đột dập khiến 1/3 dưới cẳng tay và bàn tay trái dập nát, biến dạng hoàn toàn, phải cắt cụt từ 1/3 dưới cẳng tay trái.
Hiến tay ghép cho anh Vương là BN 51 tuổi bị chấn thương phức tạp do băng chuyền của máy tải gạch cuốn và đè ép trực tiếp lên cánh trái từ vùng 1/3 dưới cẳng tay lên đến sát nách. BN này đã được các bác sĩ nỗ lực điều trị trong 3 tuần, trải qua 3 lần phẫu thuật, nhưng tình trạng đứt hoàn toàn dây thần kinh, hoại tử vùng khuỷu tay và cơ, nhiễm trùng nặng có nguy cơ lan đến toàn thân không cứu vãn được đe dọa tính mạng, nên có chỉ định phẫu thuật bỏ cánh tay trái này. Tuy nhiên, 1/3 dưới cánh tay bỏ đi có thể "tái sử dụng" để ghép cho anh Vương là trường hợp bị mất đúng phần cánh tay này.
BN 51 tuổi đã đồng ý tặng phần tay còn lại ghép cho anh Vương. BN Vương được ghép tay trái (1/3 cẳng tay dưới cẳng tay đến bàn tay) hôm 21.1. Ca ghép thành công sau 8 giờ phẫu thuật.
Theo GS-TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện (BV) T.Ư Quân đội 108, trước đây, việc nối chi thể đứt rời tự thân của người bệnh đã được thực hiện thường quy tại BV này. Còn ca ghép bàn tay trái cho BN Vương từ người hiến sống là ca ghép đầu tiên tại BV và cũng là ca đầu tiên trên thế giới.
GS Nguyễn Thế Hoàng, Phó giám đốc BV T.Ư Quân đội 108, người phẫu thuật chính của ca ghép, cho biết ghép chi thể là dạng phẫu thuật đỉnh cao, hết sức phức tạp với 89 ca thực hiện trong 22 năm qua trên thế giới, nhưng đều là ghép từ người hiến chết não. Ghép chi thể khó khăn hơn ghép tạng (thận, tim) do mức độ thải ghép rất cao, cùng lúc phải ghép nối nhiều phần: da, dây thần kinh, mạch máu, cơ, gân… và mức độ thải ghép rất mạnh, đặc biệt là thải ghép da. Với BN Vương, nguy cơ thải ghép được kiểm soát tốt. Bàn tay ghép được nuôi dưỡng tốt; đã có cảm giác, cầm nắm được. Sau ghép, BN Vương tiếp tục được tập phục hồi chức năng trong 6 tháng.
Bình luận (0)