Những ca ghép tim thường lấy tim từ người chết não, tức khi tim vẫn còn đập. Còn lần này, các bác sĩ Mỹ lần đầu tiên lấy tim ngừng đập hoàn toàn từ một người đã chết, lúc ấy khi máu ngừng lưu thông. Sau đó, các bác sĩ đã bơm ô xy, máu và chất điện giải qua tim. Bằng cách này, họ đã hồi sinh trái tim chết, theo Daily Mail.
Khi tim đập trở lại, các bác sĩ đã ghép nó cho một bệnh nhân khác. Đây được xem là quy trình mang tính đột phá. Các chuyên gia tại Đại học Duke (Mỹ) đã lần đầu tiên áp dụng thành công. Nó được kỳ vọng có thể sẽ cứu sống hàng nghìn người cần ghép tạng.
Thế giới hiện đang chứng kiến tình trạng thiếu cơ quan nội tạng cấy ghép. Nhiều cơ quan nội tạng dù đã được hiến nhưng không thể sử dụng vì không kịp xử lý. Tình trạng này khiến các mô nội tạng bị hủy hoại đến mức không thể sử dụng.
Các mô thường sẽ bắt đầu chết ngay khi tim ngừng đập. Trên thực tế, trong nhiều trường hợp, trước khi tim ngừng đập hoàn toàn thì nồng độ ô xy trong máu đã tuột xuống mức thấp. Nó thấp đến mức mà các mô tim đã bắt đầu bị hủy hoại trước cả khi tim ngừng đập hoàn toàn.
Đó là lý do trong hầu hết trường hợp, tim hiến từ người chết não phải được lấy khi chúng vẫn còn đập trong lồng ngực. Cách này sẽ giảm thiểu nguy cơ mô bị hủy hoại, theo Daily Mail.
Một số nguyên nhân khác cũng khiến không thể dùng tạng hiến là do bệnh lý, lối sống hoặc một số loại bệnh nhiễm trùng mà người hiến mắc phải khi còn sống. Tất cả đều làm suy giảm chức năng nội tạng, khiến chúng không còn đủ điều kiện để ghép cho người khác.
Do đó, các bác sĩ phải bảo quản tim ở nhiệt độ rất lạnh. Ngay cả khi có thực hiện như vậy, tim phải ghép vào cơ thể người nhận trong vòng 4 đến 6 giờ sau đó.
Nhưng với phương pháp mới, các bác sĩ đã làm trái tim sống lại và giúp nó tiếp tục đập ngay cả khi đã rời khỏi cơ thể người hiến.
Phương pháp này còn được gọi là truyền máu ấm, được thực hiện lần đầu tiên trên thế giới tại Bệnh viện Hoàng gia Papworth (Anh) vào năm 2015. Trường hợp trên là ca bệnh đầu tiên chỉ mới được áp dụng tại Mỹ.
Ca ghép tim đầu tiên trên thế giới được thực hiện vào năm 1967 ở Nam Phi. Một năm sau, các chuyên gia tại Đại học Stanford đã thực hiện ca ghép tim đầu tiên tại Mỹ. Tính đến năm 2018, tức 50 năm sau, Mỹ đã ghi nhận hơn 3.400 ca ghép tim, theo Daily Mail.
Bình luận (0)