Lần đầu tiên, nhóm tình nguyện viên Mỹ Chương trình Hòa bình đến TP.HCM dạy tiếng Anh

28/12/2023 18:26 GMT+7

Trong trang phục áo dài truyền thống Việt Nam, 9 công dân Mỹ tuyên thệ dạy tiếng Anh ở TP.HCM với sự tôn trọng văn hóa và cởi mở hết mình trong 2 năm tới, theo khuôn khổ của Chương trình Hòa bình.

10 tuần tập huấn chuyên sâu

Sáng 28.12, 9 tình nguyện viên Mỹ của Chương trình Hòa bình (Peace Corps), một cơ quan độc lập thuộc chính phủ Mỹ, thực hiện lễ tuyên thệ tại TP.HCM. Đây là nhóm tình nguyện viên đầu tiên đến TP.HCM và là nhóm thứ hai đến Việt Nam. Nhiệm vụ của họ là cùng dạy tiếng Anh với giáo viên và tham gia các hoạt động giáo dục khác tại 9 trường THPT công lập trong 2 năm tới.

Trước đại diện các cơ quan chính phủ Việt Nam, Mỹ cùng ban giám hiệu các trường, nhóm tình nguyện viên hứa sẽ chia sẻ nền văn hóa của mình với tinh thần cởi mở cũng như hết lòng tìm hiểu về con người Việt Nam. "Với sự sáng tạo, tôn trọng và nhạy cảm văn hóa, chúng tôi sẽ đối mặt các thử thách đặt ra trong quá trình tình nguyện với sự kiên nhẫn và quyết tâm", các tình nguyện viên tuyên thệ dưới sự dẫn dắt của ông Mikel Herrington, Giám đốc quốc gia Peace Corps tại Việt Nam.

Một vấn đề đặt ra là bối cảnh giáo dục tại Mỹ khác Việt Nam, nơi mỗi lớp ở trường công thường có rất đông học sinh với nhiều cá tính riêng biệt. Vậy làm sao để tình nguyện viên có thể thích nghi và hoàn thành tốt công việc? Trả lời Thanh Niên, ông Herrington cho biết chương trình luôn đề cao vấn đề này và đã tập huấn chuyên sâu trong 10 tuần cho các bạn trước khi lễ tuyên thệ diễn ra.

Lần đầu tiên, nhóm tình nguyện viên Mỹ Chương trình Hòa bình đến TP.HCM dạy tiếng Anh- Ảnh 1.

Anh Alexander và chị Christine phát biểu bằng tiếng Việt đại diện cho nhóm tình nguyện viên

NGỌC LONG

"Về đội ngũ đứng lớp, chúng tôi có một nữ giáo viên người Việt sở hữu bằng tiến sĩ lẫn chứng chỉ dạy tiếng Anh, và cô ấy giúp tình nguyện viên hiểu cách quản lý lớp học tại Việt Nam cũng như cách làm việc với giáo viên bản xứ. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là các tình nguyện viên đã được tạo điều kiện đến trường thực tập sư phạm trong một tuần để có hiểu biết và kinh nghiệm thực tiễn", ông Herrington chia sẻ.

Lần đầu tiên, nhóm tình nguyện viên Mỹ Chương trình Hòa bình đến TP.HCM dạy tiếng Anh- Ảnh 2.

Đại diện Mỹ và Việt Nam thực hiện nghi thức đánh cồng chiêng. Từ trái qua: Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM Susan Burns, Giám đốc quốc gia Peace Corps tại Việt Nam Mikel Herrington, Phó cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Nguyễn Tiến Dũng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Thụy Mỵ Châu

NGỌC LONG

Tại lễ tuyên thệ, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD-ĐT), bày tỏ cảm kích đến các tình nguyện viên. Theo ông Dũng, phần mềm dịch thuật tuy ngày càng phổ biến nhưng không thể thay thế hoạt động dạy và học ngôn ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. "Giao tiếp ngôn ngữ còn thể hiện ở cả mặt văn hóa và quan hệ xã hội, thế nên sự có mặt của các bạn là vô cùng ý nghĩa", ông Dũng nhận định.

Nhiều cơ hội cho cả hai bên

Là một trong 9 đơn vị tiếp nhận tình nguyện viên, bà Hoàng Thị Hảo, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây (TP.Thủ Đức, TP.HCM), nói rằng tình nguyện viên không chỉ hỗ trợ ở các lớp tiếng Anh mà còn có thể tham gia những môn khác như khoa học tự nhiên để lý giải kiến thức bằng ngôn ngữ, văn hóa Mỹ cho học trò. "Điều này nhằm nâng cao năng lực giao tiếp tiếng Anh lẫn các kỹ năng khác cho học sinh. Các tình nguyện viên cũng sẵn lòng giúp các thầy cô giáo nói tiếng Anh tốt hơn", bà Hảo chia sẻ.

Trao đổi với báo chí, các tình nguyện viên người Mỹ cũng bày tỏ hào hứng trước hành trình 2 năm sắp tới. Như ông Scott, một trong hai tình nguyện viên cao tuổi nhất, đã mong được trở thành tình nguyện viên cho Peace Corps suốt 46 năm qua. Đến khi nghỉ hưu, ông Scott với mái tóc hoa râm quyết định tham gia chương trình và chọn Việt Nam làm điểm đến.

Chị Christine và anh Kevin, hai tình nguyện viên người Mỹ gốc Việt, thì kỳ vọng sẽ biết thêm nhiều điều mới mẻ về quê hương. "Trước kia, tôi chỉ có 3 dịp đến Việt Nam du lịch cùng gia đình, mỗi lần một tháng. Lần trở lại này, tôi muốn hiểu thêm về bản thân cũng như về các di sản tại Việt Nam, đồng thời trở thành cầu nối giúp phát triển hơn nữa quan hệ Việt Nam - Mỹ", anh Kevin cho hay.

Lần đầu tiên, nhóm tình nguyện viên Mỹ Chương trình Hòa bình đến TP.HCM dạy tiếng Anh- Ảnh 3.

9 tình nguyện viên người Mỹ thực hiện nghi thức tuyên thệ trong buổi lễ

NGỌC LONG

Còn tình nguyện viên Alexander chia sẻ anh đã có dịp đến Việt Nam du lịch, nhưng đây là lần đầu anh ở lại lâu nhất, tận 2 năm. Sau quá trình thực tập, anh bày tỏ sự biết ơn đến các giáo viên đã hỗ trợ mình. "Thầy cô có sự thông thái mà tôi cần phải học hỏi thêm, cũng như rất tốt bụng", anh Alexander bộc bạch.

"Ngoài công việc giảng dạy, trong 2 năm tới, tôi cũng muốn cải thiện năng lực tiếng Việt của mình và chia sẻ văn hóa Mỹ đến mọi người. Tôi mong có thể sinh sống và trở thành một phần của cộng đồng bản địa, kết bạn với nhiều người và từ đó được học hỏi lẫn nhau. Đây chắc chắn là một trong những chuyến phiêu lưu tuyệt vời nhất cuộc đời tôi", anh Alexander nói. Và anh nói thêm bằng tiếng Việt: "Việt Nam đẹp quá. Người Việt vui và tốt bụng".

Peace Corps được thành lập tại Mỹ năm 1961 bởi Tổng thống Mỹ John F. Kennedy, đến nay đã có lịch sử hơn 60 năm, quy tụ hơn 240.000 tình nguyện viên là công dân Mỹ phục vụ trên 142 quốc gia trên thế giới. Việt Nam là nước thứ 143 tiếp nhận tình nguyện viên Peace Corps và chính thức đón đoàn tình nguyện viên đầu tiên đến dạy tiếng Anh vào tháng 10.2022.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.