Lần đầu tiên ở phía Nam có trường đại học đào tạo ngành tôn giáo học

13/03/2021 15:27 GMT+7

Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM vừa công bố tuyển sinh ngành tôn giáo học, một ngành học quen thuộc tại các trường ĐH ở nước ngoài nhưng vẫn khá mới tại Việt Nam.

PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) vừa ký quyết định thành lập Bộ môn Nhân học - Tôn giáo, thuộc Khoa Nhân học và chính thức tuyển sinh ngành Tôn giáo học
Bộ môn Nhân học - Tôn giáo dự kiến mỗi năm sẽ tuyển 60 sinh viên, tối thiểu 30 sinh viên. Ngành này xét tuyển các tổ hợp môn: Toán - ngữ văn - tiếng Anh, ngữ văn - lịch sử - tiếng Anh, ngữ văn - địa lý - tiếng Anh. Sinh viên theo học ngành này trong thời gian từ 3,5 - 4 năm và được cấp bằng cử nhân tôn giáo học. 
Theo tiến sĩ Dương Hoàng Lộc, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tôn giáo nhà trường, Trưởng Bộ môn Nhân học - Tôn giáo, mục tiêu đào tạo của ngành tôn giáo học là cung cấp cho người học những kiến thức liên ngành toàn diện và chuyên sâu về tôn giáo, tín ngưỡng trong nước và trên thế giới; hình thành các kỹ năng vận dụng các hệ giá trị tôn giáo vào trong đời sống cá nhân và xã hội... 

Về giảng viên của ngành này, tiến sĩ Lộc cho biết ngoài giảng viên cơ hữu của trường, sẽ có những giảng viên thỉnh giảng là tiến sĩ, thạc sĩ đang công tác thực tiễn tại Ban Dân vận, Ban tôn giáo...

Đặc biệt, sinh viên học ngành này sẽ trải nghiệm những nội dung điền dã rất phong phú: Khảo sát tình hình thực tế về tôn giáo ở một địa bàn hay cộng đồng cư dân, khảo sát sự hình thành và phát triển của một giáo phái tại Việt Nam, tìm hiểu một chứng tích tôn giáo đang hoặc cần được bảo tồn...

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành tôn giáo học có thể đảm nhận các vị trí như giảng dạy tôn giáo, nghiên cứu tôn giáo tại các trường, viện, các trung tâm, tổ chức phi chính phủ, các tổ chức tôn giáo; chuyên trách công tác tôn giáo ở các quận, huyện, sở, các ban ngành trung ương. Ngoài ra, người học ngành này có thể công tác tại các cơ quan báo chí chuyên môn về tôn giáo, công tác tại các công ty du lịch liên quan văn hóa tâm linh… Sinh viên ra trường cũng có thể học lên cao hơn về tôn giáo trong và ngoài nước, học cao học về Việt Nam học, Văn hóa học, Quản lý nhà nước, Nhân học... Trường cũng đang xây dựng cao học về ngành tôn giáo học. 

Cũng theo tiến sĩ Lộc, một phần rất quan trọng mà sinh viên học ngành tôn giáo học ở nước ngoài rất thích thú tìm hiểu, nghiên cứu là lịch sử tôn giáo thế giới cũng sẽ được chú trọng giảng dạy cho sinh viên học ngành này. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.