Lần đầu tiên sinh viên chế tạo hệ thống quét 3D

19/02/2019 07:01 GMT+7

Nhóm sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội vừa chế tạo thành công hệ thống quét 3D thuần Việt với giá thành rẻ hơn 20 lần so với nhập ngoại.

Từ thực tiễn máy quét 3D ngày càng được ứng dụng phổ biến trong đo lường hiện đại trên nhiều lĩnh vực, trong khi giá nhập khẩu lên tới 4 - 5 tỉ đồng, nhóm KSV Team đã nảy ra ý tưởng nghiên cứu phương pháp quét từ đó xây dựng hệ thống quét 3D bằng ánh sáng cấu trúc sử dụng dịch pha kết hợp với mã Gray thuần Việt mang tính ứng dụng cao, có độ chính xác, giá thành rẻ. Nhóm đến từ bộ môn cơ khí chính xác và quang học, thuộc Viện Cơ khí (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), gồm: Nguyễn Việt Kiên, Trần Ngọc Sơn, Lê Danh Việt, Đặng Duy Trường và Phí Đình Thành.
Trưởng nhóm Nguyễn Việt Kiên chia sẻ: “Ở VN lĩnh vực này còn khá mới. Các máy đo quét 3D ở VN được nhập từ nước ngoài với giá rất cao, do đó không dễ gì để sở hữu. Nhóm muốn xây dựng một hệ đo “made in VN”, được chế tạo bởi người Việt, dễ sử dụng, đạt độ chính xác cao và thời gian đo quét nhanh. Đặc biệt là giá thành rẻ hơn rất nhiều so với các máy nước ngoài, đi kèm các dịch vụ tiện ích như đo quét thuê, hỗ trợ tư vấn 3D...”.
Do đây là một đề tài hoàn toàn mới tại VN, KSV Team là những người tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu này nên phải mất hơn 1 năm dịch thuật, nghiên cứu phương pháp, đến tháng 2.2018 nhóm mới bắt tay vào thiết kế chế tạo hệ thống quét 3D sử dụng phương pháp ánh sáng cấu trúc dùng dịch pha kết hợp mã Gray với 1 máy chiếu và 1 camera. Đây là phương pháp tối ưu, thu nhiều hình ảnh hơn, qua đó tạo nên sản phẩm là những đám mây điểm có độ chính xác cao, thời gian đo quét nhanh.

Trong năm nay, chúng tôi quyết tâm sẽtạo ra hệ thống nhỏ gọn, chính xác hơn, có thể quét những vật kỳ dị, phức tạp và thương mại hóa, cải thiện phần cơ khí lẫn phần mềm, tiện lợi hơn cho người dùng

Trần Ngọc Sơn

Tháng 6.2018, KSV Team đã ứng dụng sản phẩm vào thực tế bằng việc đo quét thuê cho các đối tượng có nhu cầu. Để tiếp tục phát triển sản phẩm đáp ứng nhu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp hóa, nhóm quyết định tính toán, thiết kế và chế tạo hệ thống quét với 2 camera và 1 máy chiếu.
Nguyễn Việt Kiên cho biết hệ thống đo quét 3D này dễ sử dụng. Kết quả đo đạt độ chính xác cao, máy đo quét ra được đám mây điểm 3D của vật. Từ đó xây dựng bề mặt cho đám mây điểm đó để ra được file hình ảnh mô phỏng vật đạt độ chính xác đến 0,1 mm.
Với thành công bước đầu tạo ra sản phẩm có giá thành 149 triệu đồng, rẻ hơn 20 lần so với các sản phẩm nhập khẩu đang bán trên thị trường, nhóm đã đăng ký tham gia cuộc thi Sáng tạo trẻ Bách khoa 2018. Cuối tháng 1 vừa qua, KSV Team đã giành giải nhất cuộc thi và được ban giám khảo đánh giá là đề tài có tính ứng dụng cao.
Về định hướng cho sản phẩm, Trần Ngọc Sơn cho hay sau cuộc thi nhóm vẫn sẽ tiếp tục nghiên cứu, phát triển sản phẩm hoàn thiện hơn nữa. “Với phương châm muốn đi nhanh đi một mình, muốn đi xa đi cùng nhau, chúng tôi quyết tâm trong năm nay sẽ tạo ra hệ thống nhỏ gọn, chính xác hơn, có thể quét những vật kỳ dị, phức tạp và thương mại hóa, cải thiện phần cơ khí lẫn phần mềm, tiện lợi hơn cho người dùng”, Sơn nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.