Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT, quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập. Nội dung thông tư có nhiều điểm mới so với quy định hiện hành, để phù hợp với luật Giáo dục đại học sửa đổi (ban hành từ cuối năm 2018). Thông tư có hiệu lực từ ngày 12.12.2020.
Giảng viên phải có bằng thạc sĩ trở lên
Một trong những điểm mới đáng chú ý của thông tư là lần đầu tiên Bộ GD-ĐT đưa vào trường đại học chức danh trợ giảng. Đây là một trong 4 chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập, gồm: trợ giảng (hạng 3), mã số V.07.01.23; giảng viên (hạng 3), mã số V.07.01.03; giảng viên chính (hạng 2), mã số V.07.01.02; giảng viên cao cấp (hạng 1), mã số V.07.01.01.
Trợ giảng có nhiệm vụ hỗ trợ giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp trong các hoạt động giảng dạy, bao gồm: chuẩn bị bài giảng, phụ đạo, hướng dẫn bài tập, thảo luận, thí nghiệm, thực hành, thực tập, chấm bài. Yêu cầu về trình độ đào tạo của trợ giảng là có bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với vị trí việc làm, ngành hoặc chuyên ngành giảng dạy. Đây là trình độ giống như với chức danh giảng viên theo quy định hiện hành (sắp hết hiệu lực).
Viên chức giữ chức danh trợ giảng nếu đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh nghề nghiệp giảng viên (hạng 3), có vị trí việc làm và yêu cầu nhiệm vụ phù hợp thì sẽ được thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học xem xét và bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giảng viên.
Điểm mới khác của thông tư là yêu cầu về trình độ đào tạo tối thiểu của chức danh giảng viên là phải có bằng thạc sĩ trở lên (quy định hiện hành thì chỉ yêu cầu có bằng đại học trở lên với chức danh này). Quy định này được đưa ra nhằm phù hợp với luật Giáo dục đại học sửa đổi, “có bằng thạc sĩ đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học; có bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ”.
Không yêu cầu giảng viên phải có các chứng chỉ sư phạm, ngoại ngữ, tin học
Một điểm nổi bật nữa là thông tư không yêu cầu giảng viên phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, nhưng yêu cầu phải có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp tương ứng với các chức danh giảng viên (hạng 3), giảng viên chính (hạng 2), giảng viên cao cấp (hạng 1).
Yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên (hạng 3) chỉ áp dụng đối với viên chức được tuyển dụng sau ngày thông tư này có hiệu lực thi hành.
Thông tư cũng không yêu cầu giảng viên đại học (kể cả các trợ giảng) phải có các chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, mà chỉ quy định “có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng ngoại ngữ trong thực hiện các nhiệm vụ” phù hợp với từng chức danh.
Nguyên tắc bổ nhiệm và xếp lương
Việc bổ nhiệm và xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong trường đại học công lập phải căn cứ vào vị trí việc làm, chức trách, nhiệm vụ, năng lực, chuyên môn nghiệp vụ đang đảm nhận của viên chức và theo quy định của pháp luật (còn việc bổ nhiệm và xếp lương của viên chức giảng dạy có chức danh PGS, GS được thực hiện theo một số văn bản pháp quy khác Chính phủ đã ban hành).
Cơ sở giáo dục đại học không được kết hợp nâng bậc lương hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, trừ trường hợp viên chức giảng dạy được công nhận hoặc được bổ nhiệm chức danh GS, PGS theo quy định của luật chuyên ngành.
Cách xếp lương cho các chức danh như sau: giảng viên cao cấp (hạng 1) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1, từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00; : giảng viên chính (hạng 2) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1, từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78; giảng viên (hạng 3) và trợ giảng (hạng 3) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.
Bình luận (0)