Lần đầu tiên Việt Nam có 9 trường vào bảng xếp hạng ĐH tốt nhất thế giới

09/10/2024 12:27 GMT+7

Việt Nam lần đầu có 9 đại diện vào bảng xếp hạng ĐH tốt nhất thế giới, số lượng nhiều nhất từ trước đến nay với phần lớn đơn vị đặt tại TP.HCM.

Lần đầu tiên Việt Nam có 9 trường vào bảng xếp hạng ĐH tốt nhất thế giới- Ảnh 1.

Tòa nhà ĐH Kinh tế TP.HCM (UEH), ngôi trường số 1 Việt Nam theo bảng xếp hạng ĐH tốt nhất thế giới năm học 2024-2025 của THE

ẢNH: UEH

Trường công "áp đảo" trong bảng xếp hạng ĐH

Sáng 9.10, tổ chức Times Higher Education (THE) của Anh công bố bảng xếp hạng ĐH tốt nhất thế giới năm 2025. Sau hai năm liên tiếp chỉ có 6 đại diện, Việt Nam lần đầu có 9 trường được xếp hạng, cũng là thành tích cao nhất mà Việt Nam đạt được trong 3 bảng xếp hạng nổi tiếng toàn cầu của Anh và Trung Quốc. Trong đó, có 3 cái tên mới là ĐH Kinh tế TP.HCM (UEH), Trường ĐH Mở TP.HCM và Trường ĐH Y Hà Nội.

Năm nay, ĐH UEH dù mới lần đầu góp mặt nhưng đã đạt thành tích số 1 Việt Nam trên bảng xếp hạng ĐH tốt nhất thế giới của THE, vị trí 501-600 trong 2.092 ĐH ở 115 quốc gia, vùng lãnh thổ. Theo sau đó, ĐH Duy Tân và Trường ĐH Tôn Đức Thắng giữ nguyên thứ hạng ở nhóm 601-800. Trường ĐH Mở TP.HCM năm trước ở vị trí "dự bị", nay xếp ở vị trí 1.201-1.500, còn Trường ĐH Y Hà Nội ở nhóm 801-1.000.

Còn lại, các gương mặt quen thuộc từ những năm trước là Quốc gia Hà Nội, Quốc gia TP.HCM, Bách khoa Hà Nội, Huế đều giữ nguyên thứ hạng cũ. Chi tiết xếp hạng của các trường ĐH Việt Nam như sau:

Tên trườngThứ hạng năm 2025Thứ hạng năm 2024
ĐH UEH501-600Chưa xếp hạng
ĐH Duy Tân601-800601-800
Trường ĐH Tôn Đức Thắng601-800601-800
Trường ĐH Y Hà Nội801-1.000Chưa xếp hạng
Trường ĐH Mở TP.HCM1.201-1.500Chưa xếp hạng
ĐH Quốc gia Hà Nội1.201-1.5001.201-1.500
ĐH Bách khoa Hà Nội1.501+1.501+
ĐH Huế1.501+1.501+
ĐH Quốc gia TP.HCM1.501+1.501+

Trên thang điểm 100, Trường ĐH Y Hà Nội dẫn đầu Việt Nam về khía cạnh giảng dạy với 33,9 trong khi ĐH UEH, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Duy Tân có thế mạnh ở chất lượng nghiên cứu với 93,2 - 89 - 88,7 điểm, hơn hẳn các đơn vị khác dao động từ 18 (ĐH Huế) đến 66 (Trường ĐH Mở TP.HCM). Về môi trường nghiên cứu, các trường hầu như không chênh lệch nhiều, dao động từ 9,1-26,8 điểm.

Sự chênh lệch không đáng kể diễn ra ở khía cạnh triển vọng quốc tế, với điểm cao nhất thuộc về Trường ĐH Tôn Đức Thắng (60,9) còn thấp nhất lại là ĐH Quốc gia TP.HCM (35,1). Trong khi đó, 3 cái tên đứng đầu chuyển giao công nghệ (industry) là ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH UEH và ĐH Quốc gia TP.HCM với điểm dao động từ 40,5-59,5, thay vì chỉ duy nhất ĐH Bách khoa Hà Nội có sự bứt phá vượt bậc như mọi năm.

Ngoài ra, Trường ĐH Văn Lang ở TP.HCM lần đầu vào bảng xếp hạng ĐH tốt nhất thế giới nhưng với trạng thái "reporter" (nhóm được báo cáo). Điều này đồng nghĩa đơn vị chưa được xếp hạng vì chỉ đạt một số tiêu chí nhất định chứ không đáp ứng đủ yêu cầu. Trên trang thông tin, trường tự giới thiệu mình có thế mạnh nghiên cứu một số lĩnh vực như nhân văn, khoa học xã hội, từ học và vật liệu từ, vật lý hạ nguyên tử, sinh thái học...

Năm 2020, Việt Nam lần đầu có trường vào top ĐH tốt nhất thế giới của THE với 3 ĐH là Bách khoa Hà Nội, Quốc gia Hà Nội và Quốc gia TP.HCM, tất cả đều từ nhóm 801-1.000 trở đi. Đến nay, có thêm các trường khác, với thứ hạng cao nhất từng được ghi nhận thuộc về ĐH Duy Tân và Trường ĐH Tôn Đức Thắng, ở vị trí 401-500 trong năm 2022, 2023.

Tiêu chí xếp hạng ra sao?

Phương pháp xếp hạng các trường ĐH thế giới của THE năm nay vẫn giữ nguyên như năm trước, với 18 tiêu chí xếp hạng chia thành 5 nhóm là môi trường nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, chất lượng nghiên cứu, giảng dạy cùng triển vọng quốc tế. Mỗi tiêu chí chiếm 4-30% trọng số trong kết quả xếp hạng cuối cùng, nhiều nhất ở nhóm chất lượng nghiên cứu.

Dữ liệu xếp hạng các trường ĐH tốt nhất thế giới được dựa trên 157 triệu trích dẫn khoa học, 18 triệu ấn phẩm nghiên cứu và câu trả lời khảo sát từ hơn 93.000 học giả trên toàn cầu, THE nói thêm.

Lần đầu tiên Việt Nam có 9 trường vào bảng xếp hạng ĐH tốt nhất thế giới- Ảnh 2.

Các tiêu chí xếp hạng ĐH của THE

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Năm 2024, top 10 ĐH tốt nhất thế giới vẫn thuộc về các trường của Mỹ và Anh. Trừ ĐH Oxford (Anh) tiếp tục dẫn đầu năm thứ 9, Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) đã soán ngôi thứ 2 từng thuộc về ĐH Stanford, đẩy trường này xuống hạng 6. ĐH Harvard (Mỹ) và ĐH Princeton (Mỹ) lần lượt tăng 1 và 2 bậc lên hạng 3 và 4. Còn ĐH Cambridge (Anh) vẫn giữ nguyên vị trí thứ 5 như năm trước.

THE là một trong các tổ chức xếp hạng ĐH có uy tín, nhiều năm kinh nghiệm và sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới bên cạnh bảng xếp hạng của QS (Anh) và Shanghai Ranking Consultancy (Trung Quốc). Tổ chức này xếp hạng ĐH từ năm 2004 cùng QS, 1 năm sau khi thế giới lần đầu có bảng xếp hạng ĐH toàn cầu do ĐH Giao thông Thượng Hải (sau này là Shanghai Ranking Consultancy) công bố.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.