Lần đầu tiên Việt Nam có phòng thí nghiệm hàng không hiện đại trong trường đại học

26/02/2019 21:02 GMT+7

Trường đại học Việt Pháp vừa khai trương phòng thí nghiệm hàng không với tổng số vốn đầu tư 700.000 USD (tương đương 16 tỉ đồng). Đây là phòng thí nghiệm hàng không hiện đại đầu tiên ở ta do một trường đại học đầu tư.

Chiều nay, 26.2, Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội - USTH (còn gọi là Trường đại học Việt Pháp) đã tổ chức lễ khánh thành và khai trương phòng thí nghiệm hàng không tại trường.
Theo PGS Đinh Thị Mai Thanh, quyền Hiệu trưởng USTH, kinh phí đầu tư cho phòng thí nghiệm thực hành cơ bản hàng không tại USTH khoảng 700.000 USD, tức khoảng 16 tỉ đồng. Khoản đầu tư này được lấy từ nguồn thu học phí và nguồn vay vốn của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB). Quy trình tiếp nhận thiết bị cho phòng thí nghiệm hàng không được tiến hành theo 3 đợt. Hiện tại đợt 1 đã hoàn tất và được lắp đặt tại trường. Đợt 2 sẽ được thực hiện vào tháng 8, và đợt cuối cùng sẽ được thực hiện vào cuối quý 1/2020. Các sinh viên theo học hàng không sẽ được học những bài thực hành cơ bản tại phòng thí nghiệm này với sự hướng dẫn của các giảng Pháp và Việt Nam.
Với những bài thực hành chuyên sâu, các sinh viên sẽ thực hiện tại Công ty TNHH Kỹ thuật máy bay VAECO theo hợp đồng ký kết giữa USTH và VAECO. PGS Đinh Thị Mai Thanh khẳng định: “Với số tiền đầu tư lớn như vậy, phòng thí nghiệm hàng không sẽ được trang bị máy móc và thiết bị hiện đại theo chuẩn của các trường đào tạo hàng không quốc tế”.
Trao đổi với Thanh Niên bên lề lễ khai trương, ông Trần Trí Dũng, Phó giám đốc nhân sự Vietnam Airline, cho biết USTH là cơ sở đào tạo đầu tiên ở Việt Nam đào tạo ngành kỹ thuật hàng không theo tiêu chuẩn quốc tế và là điểm tham chiếu về đào tạo hàng không, đặc biệt trong lĩnh vực bảo trì và điều hành tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Để đạt được kỳ vọng này, việc có một phòng thí nghiệm hiện đại phục vụ quá trình đào tạo là một yêu cầu bắt buộc.
Ông Dũng cho biết: "Ở Việt Nam cũng có trường đào tạo ngành hàng không, nhưng các em chỉ được học "chay". Nên sinh viên trường này học xong muốn được các đơn vị kỹ thuật hàng không tuyển dụng là phải tiếp tục kỳ thực tập 6 tháng ở Pháp, nhưng cũng chỉ một số ít trong số các em này được tuyển chọn đi Pháp thực tập. Còn với chương trình đào tạo mà USTH đang thực hiện, sinh viên chỉ cần học tại Việt Nam là cũng đủ để đạt trình độ cao về kỹ thuật hàng không, vì thế mà chúng tôi xem đây là cơ sở tạo nguồn cho Vietnam Airline".   
Các chương trình đào tạo kỹ thuật hàng không và quản trị vận tải hàng không quốc tế của USTH ra đời dựa trên sự hỗ trợ tài chính rất lớn của Tập đoàn Airbus (khoảng 2,5 triệu USD) cùng với sự hợp tác toàn diện với 2 doanh nghiệp hàng không hàng đầu Việt Nam và 2 cơ sở đào tạo hàng không hàng đầu châu Âu, gồm: Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Công ty TNHH Kỹ thuật máy bay (VAECO), Trường Hàng không dân dụng quốc gia Pháp (ENAC) và Viện Hàng không Vũ trụ Pháp (IAS).
Đáng chú ý, Vietnam Airlines đã cam kết với trường sẽ tuyển dụng sinh viên 5 khóa học đầu sau khi các em ra trường, mỗi khóa 30 sinh viên.
Năm học 2018 - 2019, USTH đã chính thức tuyển sinh khóa 1 ngành đào tạo kỹ thuật viên bảo dưỡng máy bay hệ cử nhân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.