>> Vatican cải cách hoạt động kinh tế
>> Cuộc cách mạng ở Vatican
|
Ngay trước khi diễn ra Thượng Hội đồng giám mục từ ngày 5 - 19.10, Giáo hoàng Francis kêu gọi các hồng y, giám mục, linh mục tham gia hội nghị đặc biệt này hãy lắng nghe “tiếng gọi của công chúng”, theo tờ La Vie.
|
Ông nói thêm: “Chúng ta sẵn sàng cho một cuộc thảo luận chân thành, cởi mở và xem xét một cách có trách nhiệm những khúc mắc từ sự thay đổi thời cuộc”. Một lần nữa, Giáo hoàng Francis cho thấy ông muốn mang lại “làn gió mới” cho Giáo hội Công giáo. Vì vậy, nhiều vấn đề rất “nhạy cảm” về gia đình sẽ được phân tích tại Thượng Hội đồng giám mục lần này: ly hôn, tái hôn, ngừa thai, người đồng tính… Một điểm đáng chú ý là khác với trước đây, các bài phát biểu tại hội nghị sẽ được giữ kín để các giáo sĩ của Vatican có thể phát biểu tâm tư suy nghĩ một cách không e dè.
Lắng nghe “tế bào của xã hội”
Ngoài thành phần chính là các giám mục, hồng y, trong số 253 người tham dự hội nghị này còn có 16 chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực, 38 khách mời dự thính (trong đó có 13 cặp vợ chồng)... Nội dung của 2 tuần họp sẽ được tập hợp thành tài liệu để giáo hoàng tham khảo nếu cần thực hiện những cải cách trong thời gian sắp tới.
Theo La Vie, để đi sát thực tế, điểm đặc biệt của hội nghị đang diễn ra ở Vatican là mở đầu mỗi buổi làm việc sẽ là lời chứng của một cặp vợ chồng được mời dự thính, như vào ngày 6.10 là ông bà Ron và Mavis Pirola đến từ Úc. Họ kết hôn đã 55 năm, rất hạnh phúc, rất xem trọng đức tin và có cuộc sống tuyệt đối tuân thủ giáo luật của Công giáo. Tuy nhiên, họ vẫn cảm thấy phân vân khi chứng kiến một số trường hợp “đau lòng” từ những người thân quen.
Ông bà Pirola kể: “Chúng tôi có một người bạn đã ly dị chồng, bà ấy vẫn đi nhà thờ đều đặn nhưng rất cô độc vì bị những giáo dân khác xa lánh, cô lập. Hoặc một gia đình khác, ngay vào lúc họ chuẩn bị lễ Giáng sinh ở nhà thì cậu con trai ở riêng bảo muốn về dự tiệc với… bạn trai. Họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận vì đó là con trai họ. Bản thân chúng tôi dù sống hạnh phúc nhưng cũng đã trải qua những thời điểm khó khăn của đời sống vợ chồng. Nhờ những trải nghiệm này mà chúng tôi có cái nhìn thông cảm hơn với những tình huống vốn bị xem là đi ngược với giáo luật như vừa kể”. Việc mời giáo dân đến trình bày về cuộc sống gia đình họ cho thấy Giáo hoàng Francis muốn Vatican “mở cửa” hơn, gần gũi hơn với tín hữu, không ngại mổ xẻ những khác biệt để kết nối với xã hội vốn đang thay đổi từng ngày.
Những điều cấm kỵ
Vatican gặp nhiều thách thức khi muốn đẩy mạnh truyền giáo ở thế kỷ 21. Một trong những thách thức đó là vấn đề ly dị ở các nước phương Tây. Tại một số nước Âu Mỹ, tỷ lệ các cặp vợ chồng chấm dứt hôn nhân có thể lên đến hơn 50%. Theo Công giáo, những cặp vợ chồng đã được ban bí tích hôn phối là do Thiên Chúa kết hợp, không được phép chia lìa. Những người làm trái sẽ bị xem là phạm tội trọng, không được tiếp tục tham gia những nghi thức thiêng liêng của đạo này. Từ vài thập niên gần đây, đã có nhiều tiếng nói trong Giáo hội Công giáo cho rằng nên nới lỏng những “quy định” liên quan đến ly dị, mở đường cho người từng có hôn nhân tan vỡ có thể theo đạo bình thường.
Đây thật sự là một chủ đề “nhạy cảm” và đã gây nhiều tranh cãi giữa các chuyên gia thần học. Giáo hoàng Francis, người nổi tiếng là cởi mở, tuy vẫn bảo vệ nguyên tắc “vợ chồng không chia ly” xuyên suốt hơn 2.000 năm của Giáo hội Công giáo nhưng cho thấy ông vẫn lắng nghe những ý kiến đề xuất về sự “bao dung, tha thứ”. Điều rõ ràng nhất là ông đã mời Hồng y người Đức Walter Kasper có bài phát biểu mở màn phiên họp hồi tháng 2 nhằm chuẩn bị cho Thượng Hội đồng giám mục về gia đình đang diễn ra.
Theo tờ La Croix, Hồng y Kasper nổi tiếng là người ủng hộ việc “tạo cơ hội cho những người đã ly hôn”. Tại phiên họp nói trên, Hồng y Kasper nhắc lại việc vào thuở ban đầu mới thành lập, Giáo hội Công giáo cũng phải đối diện với những quan điểm về gia đình rất khác biệt với những gì được Chúa Jesus truyền dạy nhưng vẫn tạo cơ hội cho những người đã trải qua một cuộc hôn nhân có thể theo đạo. Chính vì thế, ông cho rằng giáo hội ngày nay cũng cần “mềm mỏng”, uyển chuyển hơn.
Cụ thể, Hồng y Kasper đề xuất một số điều kiện để “tha thứ” cho những người đã ly dị và tái hôn, chẳng hạn như nêu rõ những vấn đề ở cuộc hôn nhân trước và cho thấy không thể cứu vãn, cuộc hôn nhân mới tốt đẹp hơn và tiếp tục giáo dục con cái theo giáo lý của Công giáo… Bên cạnh đó, một giải pháp được ông đề cập là nới lỏng hơn các quy định về “vô hiệu hóa” một cuộc hôn nhân (chẳng hạn trong trường hợp bị vợ/chồng bỏ rơi để lấy người khác, hoặc vợ/chồng không có khả năng sinh lý).
Quan điểm của Hồng y Kasper gặp rất nhiều phản đối. Thậm chí, ngay trước khi diễn ra Thượng Hội đồng giám mục, có 5 hồng y đã cùng viết một cuốn sách để bảo vệ các nguyên tắc truyền thống của Công giáo. Tuy nhiên, kỳ hội nghị lần này vẫn hứa hẹn sẽ là một tiền đề quan trọng để thực hiện những cải cách mang tính bước ngoặt ở Vatican trong những năm sắp tới.
Xét xử sứ thần Tòa thánh
Hồi cuối tháng 9, Giáo hoàng Francis đã ra quyết định quản thúc tại gia cựu Tổng giám mục người Ba Lan Jozef Wesolowski (66 tuổi) vì liên quan đến nghi án ấu dâm khi ông này còn là Sứ thần tòa thánh ở CH Dominican trong giai đoạn 2008 - 2013. Theo tờ Le Monde, ông Wesolowski bị một số nhân chứng cáo buộc đã “thường xuyên qua lại” khu Zona Colonial ở thủ đô Saint Domingue của CH Dominican và trả tiền để được quan hệ với trẻ vị thành niên. Ông này bị triệu hồi về Rome vào tháng 6 vừa qua và bị buộc hồi tục. Sau đó, lần đầu tiên trong lịch sử, tòa thánh đã mở cuộc điều tra tiền tố tụng về ấu dâm đối với vị cựu sứ thần. Hiện ông Wesolowski đã mất quyền miễn trừ ngoại giao nhưng vẫn còn giữ quốc tịch Vatican. Gần như chắc chắn ông sẽ bị xét xử ở tòa thánh chứ không được dẫn độ về Ba Lan. |
Nguyễn Ngọc Lan Chi
>> Vatican phong thánh hai giáo hoàng
>> LHQ lên án Vatican bưng bít ấu dâm
>> Vatican bác tin tấn phong nữ hồng y
Bình luận (0)