Gây sốt cộng đồng mạng
X-Pro, một nhóm hài “không biết là ai, không biết từ đâu”, thời gian gần đây khiến cộng đồng mạng sục sôi tìm kiếm, truyền nhau và chia sẻ link các tiểu phẩm, đặc biệt là Bến vắng. Kịch bản này được lấy ý tưởng từ bộ phim nổi tiếng của Hồng Kông - Bến Thượng Hải. Chỉ hơn một tháng sau khi có mặt trên YouTube, câu chuyện tình trắc trở nhưng hài hước, pha trộn những bài hát lẫn lời thoại đúng kiểu lồng tiếng của phim TVB một thời giữa 3 nhân vật trong tiểu phẩm Văn Cường - Trình Trình - Đình Lực, đã thu hút gần 9 triệu lượt xem, gần 6.000 nhận xét, đa phần đều dành lời khen.
NSƯT Kim Xuân sau khi xem đã nhận xét: “Ít khi nào trên sân khấu lại có một tiết mục náo kịch kinh khủng như vầy. Náo nhưng mà chuẩn xác trong từng chi tiết. Miếng hài ở đâu mà các bạn làm liên tục khiến tôi cười đến nỗi không biết làm sao để dừng lại...”. Còn cư dân mạng thì khoái chí không kém với những bình luận: “Cười không kịp thở”, “Cười không nhặt được mồm”, hay: “Chưa bao giờ tôi bình luận điều gì trên YouTube nhưng lần này không thể không vì… hài không chịu được”.
Sức hấp dẫn, cuốn hút của những tiểu phẩm mà X-Pro mang đến (Nối lại tình xưa, Bí mật ngôi nhà ma ám, Tình nghệ sĩ...) ngoài kịch bản được trau chuốt còn nằm ở sự đa dạng trong các mảng miếng được tung hứng, sự hóm hỉnh một cách… tỉnh bơ giữa các thành viên. 7 chàng trai của nhóm “xuất thân” từ các sân khấu kịch ở TP.HCM như: Phú Nhuận, Idecaf, 5B... mang đến “làn gió mới” cho làng hài, thậm chí NSƯT Hoài Linh, người rất hiếm khi chia sẻ video clip của người khác trên trang cá nhân của mình, cũng thích thú, cập nhật những tiểu phẩm của nhóm cùng những lời động viên, khen ngợi.
Cùng với X-Pro, các nhóm kịch mà tuổi nghề còn trẻ như Buffalo - được biết đến với đặc trưng nhạc kịch, Chuồn Chuồn Giấy - nhóm kịch cổ trang duy nhất ở VN, Đời - được yêu thích từ các sân khấu kịch cà phê, hay các nghệ sĩ hài mới như Nam Thư, Huỳnh Lập, Dương Lâm (Lê Dương Bảo Lâm)… cũng dần tạo được cho mình lượng khán giả hâm mộ nhất định khi xây dựng phong cách diễn riêng, duyên, lạ và ấn tượng.
|
Hài đâu chỉ giả gái, chọc cười dung tục…
Một khán giả nhận xét: “Việc lạm dụng hình thức giả gái, nhại giọng vùng miền, chọc cười bằng những tình huống lố bịch, phản cảm hay diễn hài nhưng chỉ khiến người xem thấy gượng gạo… dường như đã lỗi thời. Bởi, hài kịch đâu phải chỉ quẩn quanh những kiểu “thọc lét” như thế. Cần phải có sự thay đổi từ kịch bản đến diễn xuất”.
Vì vậy, những ai theo dõi các tiểu phẩm của nhóm Buffalo hẳn sẽ cảm nhận được những tiếng cười mà nhóm kịch này mang lại “đọng” lâu hơn sau khi thưởng thức. Các tiểu phẩm của nhóm: Đoàn lô tô Năm Phượng, Tình muộn, Mình ơi, Thương lắm miền Tây, Tôi sẽ trở về... không chỉ tạo ra những tràng cười thiệt đã, mà còn lấy đi những giọt nước mắt của khán giả. Bên cạnh việc đưa những ca khúc ngọt ngào, những điệu múa đặc trưng các vùng miền vào tiểu phẩm, nhóm Buffalo đã sáng tạo nhạc cụ để trình diễn từ những vật liệu đơn giản và gần gũi nhất với người dân VN như gáo dừa, ống đũa, khúc tre, chiếc thúng, guốc mộc...; lồng trong tiếng cười là những câu chuyện thấm đẫm tình quê, hồn quê. Hay với X-Pro, nhóm xác định tiêu chí “hài nhưng tiếng cười không chỉ sảng khoái mà còn có ý nghĩa”. Và minh chứng thuyết phục cho tiêu chí này nằm ở Bí mật ngôi nhà ma ám - tiểu phẩm hài đã khiến người xem có lúc phải rơi nước mắt.
Cũng là khán giả của những nghệ sĩ trẻ này, NSND Hồng Vân chia sẻ: “Sở dĩ các bạn có được sự ủng hộ cao của công chúng là vì lối diễn của các bạn tự nhiên, gần gũi và dễ chịu. Sự dễ chịu trong hài kịch sẽ khiến người ta dễ tiếp nhận, thích thú. Điều quan trọng là, các bạn phải nắm, hiểu được sứ mệnh của mình đối với cộng đồng xung quanh. Tận dụng sức ảnh hưởng của mình để lan tỏa và nếu được, góp phần định hướng trong cảm thụ nghệ thuật của khán giả, chứ không chỉ là giải trí đơn thuần”.
Bình luận (0)