'Lan Lăng Vương nhập trận khúc' - Tươi mới và chỉn chu

09/07/2022 06:47 GMT+7

Thật sự lâu rồi mới xem được một vở cải lương tuồng cổ tươi mới và chỉn chu như vở Lan Lăng Vương nhập trận khúc (tác giả Yến Ngân, đạo diễn Chí Linh) do “ông bầu” Hoàng Hải tổ chức tại rạp Hưng Đạo, chính thức công diễn vào đêm 9.7.

Nghệ sĩ Hoàng Hải thuộc biên chế của Nhà hát Trần Hữu Trang, nhưng anh vừa thành lập công ty biểu diễn, và vở đầu tiên là Lan Lăng Vương nhập trận khúc. Sân khấu hiện nay đã có khá nhiều tác phẩm nổi tiếng như Xử án Phi Giao, Mạnh Lệ Quân, Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, Thần nữ dâng ngũ linh kỳ… được tái dựng liên tục, thì một vở mới như thế liệu có “cạnh tranh” nổi? Thế nhưng, khán giả đã bất ngờ, suốt 3 tiếng rưỡi đồng hồ bị vở diễn chinh phục hoàn toàn.

Nói vở diễn là mới bởi hiện nay sân khấu cải lương hầu như chỉ dựng lại vở cũ thì “ông bầu” Hoàng Hải dám đặt hàng vở mới, tạo được sự nôn nao cho khán giả. Quả thật sân khấu cần tác phẩm mới như thế để bớt đi sự cũ mòn. Khán giả đã thú vị vô cùng khi được thưởng thức câu chuyện mới, nhân vật mới, đầy cảm xúc mới.

Hoàng Hải (phải) vai Lan Lăng Vương, Lâm Minh Nghiêm vai Chu Vương

H.K

Và nói vở diễn rất “tươi” bởi một dàn diễn viên tỏa ra sức thanh xuân khiến trái tim người xem rung động. Xuất hiện anh kép trẻ quá đẹp là Lâm Minh Nghiêm với chất giọng nam tính, ấm áp, dự báo một tài năng. Cô đào xinh xắn Phương Cẩm Ngọc tuy đã diễn một số vở nhưng vẫn là “rất mới”, duyên dáng dễ thương. Hoàng Hải ca hay diễn giỏi, gương mặt sáng đẹp vào vai chính Lan Lăng Vương hoàn toàn hợp lý. Nguyễn Văn Mẹo cũng tươi tắn trong vai Ngũ vương gia. Và Võ Minh Lâm, Tú Sương, Thy Trang tuy đã nổi tiếng nhưng vẫn còn trong độ trẻ, vẫn rất thanh xuân, cuốn hút. Như vậy trừ hai nghệ sĩ tiền bối là Chí Linh, Vân Hà, còn lại đều là diễn viên trẻ đúng như định hướng của “ông bầu” Hoàng Hải, tạo được sự sinh động, hấp dẫn cho sân khấu.

Cuối cùng là sự chỉn chu đáng khen, gây cảm tình ngay cả với người khó tính. Câu chuyện có thật kể về một vị tướng giỏi và rất đẹp tên Cao Trường Cung, biệt hiệu Lan Lăng Vương đã phụng sự Tề quốc, chịu đựng án oan, nhưng vẫn trung nghĩa vẹn toàn. Bi kịch của nhân tài hình như thời nào cũng có, nếu như gặp phải hôn quân thì họ sẽ bị ghen ghét, đố kỵ và bị hãm hại. Ánh sáng tỏa ra từ Lan Lăng Vương đã khiến toàn dân ngưỡng mộ, nhưng vua Tề thì khó chịu, và vua đã sử dụng hoàng hậu lẫn cung nữ như những con cờ để triệt hạ Lan Lăng Vương. May mắn, ông đã được cứu thoát từ những người cũng trung nghĩa như ông, và ông quay trở lại cứu vua Tề, chứng minh thêm một lần nữa hai chữ trung nghĩa. Ngay cả tình bạn giữa Lan Lăng Vương và Chu Vương cũng khiến người ta cảm động. Cả vở diễn toát lên tinh thần Nhân - lễ - nghĩa - trí - tín rất quen thuộc của cải lương.

Nhưng điều đáng nói là kịch bản đã thiết kế rất nhiều chi tiết hấp dẫn, tiết tấu nhanh, gọn. Thông thường cải lương tuồng cổ hay “đẻ thêm” tình tiết, ca, thoại cho diễn viên thi thố khả năng và cũng để câu khách, đôi khi rơi vào sự lê thê, giỡn hớt, phá hỏng đường dây kịch bản. Nhưng trong Lan Lăng Vương nhập trận khúc không có tình trạng đó, khiến người xem vô cùng dễ chịu. Nhân vật nào ra nhân vật ấy, tâm lý, tính cách rõ ràng, xúc động, lời ca lời thoại cũng đầy chất văn học, bảo đảm chất tuồng cổ, không lai căng ngôn ngữ hiện đại. Kho tàng cải lương rất cần những kịch bản như thế.

Thêm một tín hiệu mừng cho cải lương khi có thêm những nhà sản xuất, những nghệ sĩ trẻ, những kịch bản mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.