Lan man... gió

19/06/2016 05:00 GMT+7

Suốt ngày đêm, ai cũng 'đi' cùng với gió, dù chẳng hề lưu ý? Bởi vì, ta đang đứng - nằm - ngồi trên hành tinh này (không hề dừng quay). Quay thì tạo ra gió, khoa học đã nói thế, chẳng lẽ sai.

Ai cũng ở giữa… bốn phương. Đông thuộc Mộc, có gió mùa xuân êm đềm: gió đông. Tây thuộc Kim, có gió tây, về mùa thu. Mùa hè có gió nồm, thuộc Hỏa. Phương bắc thuộc Thủy nên gió mùa đông gọi là gió bấc.
Nơi có gió nhiều nhất là… thơ ca. Gió mùa thu trong thơ Trương Tịch gợi lòng nhớ quê: Lạc Dương thành lí kiến thu phong/Dục tác gia thư ý vạn trùng (Ngọn gió thu chợt thổi qua thành Lạc Dương/Gợi nên bao nỗi ngổn ngang trong lá thư viết gửi thăm quê nhà). Dân gian Việt thì cụ thể: Gió bấc hiu hiu/sếu kêu thì rét...
Còn giới thiên văn cũng rất chi là... mộng mơ thi sĩ, khi họ có một cụm từ rất thơ: cấu trúc của gió. Hay là, sau nhiều thí nghiệm, họ kết luận: Mọi sự vật tồn tại là do nhiều nguyên nhân hợp thành và tất cả đều thay đổi (GS Rhys Davids): Kết luận này không khác “lời xưa” của các thánh nhân; hoặc như thơ Đỗ Phủ: Trên trời mây nhẹ giống áo trắng/Hốt nhiên biến thành hình chó xanh. Vì gió thổi. Vậy, gió “thay mặt” cho sự biến đổi. Vì vậy, tính tình của gió cũng như người. Đối với người bình dân Việt, gió được so sánh với những kẻ... bất khả tin: Nói thì như mây như gió/Cho thì những vỏ cùng xơ.
Nhưng dù luôn thay đổi, gió lại là... cây cầu nối. Nguyễn Trãi thấy gió lay mà liên tưởng bao điều lớn của thiên nhiên - con người: Tây phong hám thụ hưởng đề tranh (Gió tây lay cây, âm vang vang). Thôi Hộ từ 1.300 năm trước đã gây sầu, làm cho nàng thiếu nữ tương tư mà mệnh yểu vì… gió: Nhân diện bất tri hà xứ khứ/Đào hoa y cựu tiếu đông phong (Trước sau nào thấy bóng người/ Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông - Nguyễn Du dịch).
Sự ra đi được “quy lỗi” cho gió, trong thơ Trần Ngọc Lan: Chồng ra chốn biên cương phía tây, thiếp thì ở phía đông/Gió tây làm thiếp lạnh, xui nhớ thương chồng). Nhưng may thay, gió cũng là sự trở về: Và gió thổi quanh em tóc rối/Những bông hoa đã mất vụt bay về (Hoa tầm xuân - Lưu Quang Vũ)…
Giờ đây, loài người đã có nhiều phép “thần thông” để “tóm cổ” cái đối tượng vô hình này, biến gió thành năng lượng phục vụ cho cuộc sống bên cạnh sức nước.
Nhưng... nếu lan man mãi thì gió vẫn mãi thổi! Nên xin nhắc đến một vật bé xinh, với hy vọng cái chuông gió này (là giai điệu của thiên nhiên, là vật dụng mang đến sự may mắn) sẽ làm vui lòng cả bàn dân thiên hạ. Cho lòng cứ lan man... lời gió, mùa gió ngân nga..
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.