70 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2.1955 - 27.2.2025)

Lằn ranh sinh tử: Áp lực lớn nhất là sợ không đủ thời gian cứu người

24/02/2025 04:06 GMT+7

19 giờ, người phụ nữ (60 tuổi, ngụ TP.HCM) được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng khó thở.

Vừa được người nhà dìu đến cửa phòng cấp cứu, người phụ nữ thều thào "nghẹt thở quá không thở nỗi" rồi ngất. Ngay lập tức, bác sĩ Nguyễn Thị Lệ Anh (bác sĩ điều trị, Khoa Hồi sức tích cực - Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn) kiểm tra sinh hiệu người bệnh.

"Rất nặng, ngưng tim ngưng thở, chuẩn bị ép tim, bóp bóng", tiếng bác sĩ Lệ Anh hô vang. Ngay lập tức, kíp cấp cứu với một bác sĩ, 5 điều dưỡng lao vào liên tục ép tim cho bệnh nhân.

Trong lúc vừa ép tim, vừa bóp bóng cho bệnh nhân, y lệnh bác sĩ lại vang lên "tiêm adrenaline, gắn máy sốc điện...".

Không khí căng thẳng bao trùm không gian quánh đặc cuối chiều tại phòng cấp cứu của bệnh viện. 10 phút trôi qua vẫn chưa tiến triển, bác sĩ động viên mọi người tiếp tục ép tim, bóp bóng.

Lằn ranh sinh tử: Áp lực lớn nhất là sợ không đủ thời gian cứu người - Ảnh 1.

Bác sĩ Lệ Anh theo dõi sinh hiệu người bệnh

ẢNH: LÊ CẦM

15 phút sau, giọng bác sĩ mừng rỡ vang lên "Có tim rồi, cố lên". Cả ê kíp vững tinh thần hơn, tập trung cao độ với mục tiêu bệnh nhân sẽ sớm tỉnh lại. 30 phút tiếp sau, bệnh nhân tỉnh lại trong sự thở phào nhẹ nhõm của bác sĩ và ê kíp.

Bệnh nhân nữ trên là một trong 50 ca cấp cứu trong một ca trực cao điểm của bác sĩ. Một ca "siêu gấp" vừa được đẩy đi để tiếp tục hồi sức thì tiếng còi xe cứu thương lại vang lên trước sảnh. Thêm một hoàn cảnh cần đến sự trợ giúp của các y bác sĩ để giành sự sống trước lằn ranh sinh tử trong cuộc đời.

Bác sĩ Lệ Anh cho biết, trung bình một ca trực (từ 16 giờ 30 đến 7 giờ 30 sáng hôm sau), ê kíp tiếp nhận khoảng 20-40 ca cấp cứu, có những ngày cao điểm khoảng 50 ca như đêm trực trên nên rất áp lực. Các mặt bệnh nặng thường chiếm khoảng 10 - 20% ca trực.

"Áp lực lớn nhất là sợ không kịp thời gian để cứu bệnh nhân. Bởi mỗi ca cấp cứu tính từng giây từng phút, nên phải nhanh chóng xử lý", bác sĩ Lệ Anh bày tỏ.

Nhiều trăn trở với nghề

Tiếng máy thở đều đặn xen lẫn những cơn ho khan của bệnh nhân, tạo nên một nhịp điệu nặng nề. Tiếng bước chân dồn dập của bác sĩ và y tá vang lên trên hành lang, gấp gáp như nhịp tim của những người đang giành giật sự sống. Ở bên ngoài, người nhà bệnh nhân thấp thỏm đứng ngồi không yên, ánh mắt đầy lo lắng hướng về cánh cửa phòng cấp cứu, mong ngóng một tia hy vọng.

Lằn ranh sinh tử: Áp lực lớn nhất là sợ không đủ thời gian cứu người - Ảnh 2.

Người bệnh đến với khoa cấp cứu cần sự hỗ trợ kịp thời của y bác sĩ từng phút từng giây

ẢNH: NHẬT THỊNH

"Có những bệnh nhân khi đến không quá nặng nhưng họ rất lo lắng. Tôi luôn động viên tinh thần để họ vững vàng hơn", bác sĩ Lệ Anh chia sẻ.

Theo bác sĩ Lệ Anh, trong 10 năm gắn bó với nghề cấp cứu, nhiều lúc tỏ ra mạnh mẽ để động viên tinh thần cho bệnh nhân nhưng cũng có những phút yếu lòng, bật khóc và nhiều tâm tư trước số mệnh người bệnh.

"Có bệnh nhân đến cấp cứu tỉnh táo tuy nhiên lại ra đi rất nhanh, đột ngột dù đã được chăm sóc, theo dõi sát sao. Ở ngoài người nhà đưa bệnh nhân về nhưng trong phòng tôi ngồi khóc, người cứ bần thần. Tôi tự hỏi liệu có thể làm gì khác được không, có phải lỗi của mình không", bác sĩ Lệ Anh tâm sự.

Không riêng bác sĩ Anh, đây cũng là cảm xúc mà thạc sĩ - bác sĩ Bùi Thị Hạnh Duyên (Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) trải qua trong 20 năm gắn bó với nghề.

"Có đôi lúc, tôi cảm giác bất lực khi không cứu được người bệnh, nhất là những ca bệnh còn trẻ", bác sĩ Hạnh Duyên cho hay.

Mong đủ sức khỏe, tỉnh táo để phục vụ bệnh nhân tốt nhất

Đêm dần trôi, đồng hồ điểm qua ngày mới, tiếng còi cứu thương vẫn vang lên báo động có bệnh nhân. Dù đôi mắt thấm mệt sau nhiều giờ thức trắng, mồ hôi lấm tấm trên trán ê kíp trực vẫn dốc hết sức, không ai cho phép mình dừng lại trước lằn ranh sinh tử của người bệnh.

Lằn ranh sinh tử: Áp lực lớn nhất là sợ không đủ thời gian cứu người - Ảnh 4.

Đồng hồ điểm qua ngày mới, tiếng còi cứu thương vẫn vang lên báo động có bệnh nhân

ẢNH: NHẬT THỊNH

"Công việc phòng cấp cứu đòi hỏi luôn phải tập trung cao độ nên tâm lý mệt mỏi, ám ảnh là điều khó tránh khỏi, nhất là khi người bệnh tử vong. Nhiều lúc về nhà ngủ nhưng tiếng máy thở beep, beep vẫn còn trong đầu. Tuy nhiên ngày hôm sau lại tràn đầy năng lượng khi thấy người bệnh phục hồi chuyển biến tích cực", bác sĩ Lệ Anh bày tỏ và cho biết: "Tôi chỉ mong sao mình đủ khỏe để trực đêm, luôn tỉnh táo để đưa ra những quyết định tốt nhất cho bệnh nhân...".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.