>>> Lằn ranh sinh tử: Áp lực lớn nhất là sợ không đủ thời gian cứu người
Một sản phụ (35 tuổi) sinh mổ, vừa mổ bắt được con thì ngưng tim trên bàn mổ. Loa báo hỗ trợ cấp cứu toàn viện vang lên, bác sĩ và nhân viên khoa Hồi sức tích cực cùng các bác sĩ ở các khoa lập tức di chuyển về phòng mổ.
Sau hồi sức tim phổi, người bệnh có tim trở lại và được nhanh chóng chuyển đến khoa Hồi sức tích cực để tiếp tục hồi sức với chẩn đoán là thuyên tắc ối, băng huyết sau sinh do đông máu nội mạch lan tỏa.

Monitor theo dõi tình hình sức khỏe bệnh nhân trong phòng hồi sức
ẢNH: NHẬT THỊNH
"Thời điểm đó, người bệnh sốc nặng, suy hô hấp, suy tuần hoàn, máu âm đạo liên tục chảy, nguy cơ tử vong cận kề. Mọi việc rất khẩn cấp, một số lượng lớn máu được huy động cho bệnh nhân", tiến sĩ - bác sĩ Bùi Thị Hạnh Duyên (Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) cho hay.
"Lấy máu về truyền", "Tiêm thuốc cho bệnh nhân", "Thực hiện xét nghiệm cho bệnh nhân"... y lệnh của các bác sĩ hồi sức liên tục vang lên. Mỗi người một việc trong tinh thần khẩn trương chạy đua với thời gian.
Một cuộc hội chẩn liên chuyên khoa khẩn tìm giải pháp tối ưu để cứu người bệnh. Các quyết định đều được cân nhắc kỹ lưỡng vì mỗi giải pháp đều có ưu và khuyết. Ê kíp đồng thuận chuyển bệnh nhân lên phòng chụp mạch máu số hóa xóa nền (DSA) để thuyên tắc mạch máu tử cung cầm máu trước, sau đó cân nhắc sẽ thực hiện lấy huyết khối mạch máu trong phổi.
"Người bệnh sẽ có nguy cơ cao ngưng tim lại trên đường vận chuyển cũng như thực hiện thủ thuật nên đội ngũ thực hiện ô xy hóa qua màng ngoài cơ thể (ECMO) và các trang thiết bị cần thiết được vận chuyển theo cùng để thực hiện kịp thời nếu xảy ra sự cố. Nhân lực tập trung tại phòng DSA rất đông với nhiều chuyên khoa như Hồi sức, Gây mê, Can thiệp mạch tạng, Tim mạch can thiệp và Sản khoa", bác sĩ Duyên nhớ lại

Bác sĩ Duyên trao đổi thông tin bệnh án bệnh nhân
ẢNH: NHẬT THỊNH
Trong khi bác sĩ phòng thủ thuật tập trung tắc mạch để cầm máu, những nhân viên y tế khác nín thở, căng thẳng dõi theo màn hình kết quả. Từng phút giây trôi qua nặng nề cho đến khi hình ảnh hiển thị tín hiệu thành công, mạch máu đã được tắc hoàn toàn, dòng máu ngừng chảy.
Ê kíp can thiệp mạch rút lui, ê kíp tim mạch can thiệp tiếp nối công việc, thực hiện lấy máu đông trong mạch máu phổi. Riêng ê kíp hồi sức gồm 4 bác sĩ và các điều dưỡng vẫn túc trực tại chỗ theo dõi sát hô hấp và tuần hoàn của bệnh nhân để hồi sức và can thiệp ECMO kịp thời. Từng dây máu đông được kéo ra khỏi người bệnh.
"Huyết động và hô hấp người bệnh ổn định hơn, ê kíp quyết định trì hoãn thực hiện ECMO, nhưng đêm đó bệnh lại trở nặng hơn. Nhân lực lại được hỗ trợ trong đêm để thực hiện ECMO. Những đêm trắng theo dõi sát từng sinh hiệu bệnh nhân, những tiếng beep nghe như dài vô tận... Sau nhiều ngày nỗ lực giành giật sự sống, sản phụ đã tỉnh lại và trở về với con mình. Một hành trình gian nan nhưng đầy cảm xúc và tự hào của những y bác sĩ, nhân viên y tế", bác sĩ Duyên tâm sự.
'Không chỉ là công việc mà còn là sứ mệnh'
Bác sĩ Duyên cho biết, trường hợp sản phụ trên là một trong số những tình huống cấp cứu mà các bác sĩ và điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực từng đối mặt. Có rất nhiều áp lực trong công việc hồi sức, khi lằn ranh giữa cái sống và chết rất mong manh. Đôi lúc bệnh trở nặng ngoài dự đoán hay bệnh trở nặng liên tục.

Các bác sĩ, điều dưỡng luôn nỗ lực để giành sự sống cho bệnh nhân
ẢNH: NHẬT THỊNH
"Đối với nữ giới làm hồi sức thì áp lực và cường độ công việc cao, nhất là trực đêm, thường không có thời gian để lo lắng chăm chút cho con cái nhiều như những phụ nữ khác. Nhiều khi con bệnh cũng để con ở nhà cho người thân chăm, còn bản thân phải đi trực lo cho những bệnh nhân khác. Do đó, đây không chỉ là công việc mà còn là sứ mệnh khi lựa chọn dấn thân với nghề", bác sĩ Duyên bày tỏ.
Theo bác sĩ Duyên, nghề y là học suốt đời, vì luôn phải cập nhật các kiến thức mới. Nếu các bạn trẻ không đam mê theo nghề y thì cha mẹ đừng ép các con học, bởi con đường học dài và cực.
"Theo nghề y phải có sự yêu thích và đam mê, xác định sẽ phải đầu tư nhiều thời gian và công sức. Và khi là một bác sĩ giỏi nghề, tâm huyết chúng ta sẽ góp sức để cứu được nhiều người bệnh hơn", bác sĩ Duyên nhắn nhủ.
Tiến sĩ - bác sĩ Bùi Thị Hạnh Duyên chia sẻ: Không chỉ với bác sĩ, những điều dưỡng viên làm việc trong phòng hồi sức cũng luôn phải đối mặt với vô vàn khó khăn và áp lực. Khối lượng công việc khổng lồ và căng thẳng, từ việc lấy máu xét nghiệm, điều chỉnh máy móc, thực hiện thuốc, liên tục cập nhật tình trạng của từng bệnh nhân đến khâu ăn uống, vệ sinh tắm rửa, thay tả cho người bệnh. Sự mệt mỏi về thể chất và tinh thần là điều khó tránh khỏi. Họ là những người hùng thầm lặng.
Bình luận (0)