Bảo Trâm, một nhân viên văn phòng ở thành phố Thủ Đức (TP.HCM), sử dụng xe đạp để đi làm hằng ngày trên quãng đường dài 8 km từ nhà đến công ty. Công việc bận rộn, ít có thời gian dành cho thể dục thể thao nên cô xem việc đạp xe đi làm hằng ngày như dịp để rèn luyện sức khỏe. Tuy nhiên, cô không biết liệu mình có thể duy trì thói quen này được bao lâu khi đường phố ngày càng đông xe và nắng nóng, bụi bẩn nhiều lần khiến cô nản lòng.
Còn với các VĐV xe đạp chuyên nghiệp, có làn riêng cho xe đạp là điều họ đã mong mỏi nhiều năm qua. Cựu tay đua Đinh Quốc Việt - người từng vô địch nhiều giải xe đạp trong nước lẫn quốc tế, cho biết mô hình giao thông với làn riêng xe đạp đã được nhiều nơi áp dụng. Ở các giải đua trong nước anh từng tham dự, có những giải đua chặn cả con đường để thi đấu nhưng cũng có những giải VĐV lưu thông cùng vô vàn phương tiện cơ giới khác. Các chấn thương, tai nạn nghiêm trọng cả trong tập luyện lẫn thi đấu anh đã chứng kiến rất nhiều trong những năm qua.
Khuyến khích người dân sử dụng xe đạp đang là xu hướng chung trên toàn thế giới trong nỗ lực chống ùn tắc giao thông và giảm thiểu phát thải nhà kính. Nhưng ở Việt Nam, những nỗ lực này mới dừng ở mức sơ khai và thí điểm nhỏ lẻ. Theo anh Peter Nguyễn - thành viên ban chấp hành Liên đoàn Triathlon Việt Nam; Liên đoàn Xe đạp - Mô tô thể thao TP.HCM; một phần nguyên nhân đến từ khí hậu nắng nóng ở Việt Nam và phần lớn nữa đến từ cơ sở hạ tầng không thân thiện với loại hình giao thông này.
Để khuyến khích văn hóa đạp xe, điều đầu tiên là phải tạo ra môi trường phù hợp cho người đi xe đạp. Xe đạp không có lợi thế về tốc độ, về độ tiện lợi so với xe máy, ô tô hay xe buýt. Xe đạp chỉ có ưu điểm là rèn luyện được sức khỏe và thân thiện với môi trường. Từ thập niên 1990 đến nay, số lượng người đi xe đạp của Việt Nam giảm dần đều. Tỷ lệ người đi xe đạp ở nước ta chưa đến 3% và chủ yếu là nhóm tuổi học sinh trong khi tỷ lệ số vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe đạp và xe thô sơ là khoảng 5%. .
Trong tranh cãi liệu có nên mở làn đường riêng cho xe đạp, cũng có nhiều ý kiến cho rằng số lượng người đi xe đạp ở các đô thị hiện nay là quá ít, liệu việc mở làn riêng trên quy mô lớn có thực sự cần thiết?
Theo anh Peter Nguyễn , đây cũng lại là một vấn đề muôn thuở “quả trứng có trước hay con gà có trước”. Khi có cơ sở hạ tầng thân thiện rồi thì mới hy vọng người dân dịch chuyển nhu cầu sử dụng phương tiện công cộng thân thiện với môi trường.
Để xây dựng cơ sở hạ tầng thân thiện với xe đạp không phải là điều dễ. Không chỉ là việc mở rộng đường hay chia làn, kẻ vạch, sơn màu,... cần phải có những giải pháp đồng bộ từ việc cho thuê xe đạp, bãi trông giữ xe và phương tiện kết nối người đi xe đạp với các phương tiện công cộng khác,... thì mới có thể hy vọng hình thành được văn hóa đạp xe phổ biến ở đô thị lớn tại Việt Nam.
Bình luận (0)