Làn sóng giảm lãi suất huy động tiếp diễn, lãi vay vẫn cao

03/05/2023 06:27 GMT+7

Số ngân hàng tham gia vào xu hướng giảm lãi suất huy động vẫn tiếp tục gia tăng. Tuy nhiên, lãi suất cho vay vẫn chưa theo kịp đang gây khó khăn cho khách hàng có nhu cầu.

LÃI SUẤT NGẮN HẠN CAO HƠN DÀI HẠN

Quan sát thị trường vốn thời gian gần đây có thể thấy, lãi suất (LS) huy động tiết kiệm tiền đồng của một số ngân hàng (NH) tiếp tục giảm từ 0,1 - 0,9%/năm tùy kỳ hạn. Đặc biệt, xuất hiện hiện tượng LS huy động kỳ hạn dài thấp hơn ngắn. Cụ thể, VPBank thay đổi LS huy động tiết kiệm giảm 0,1 - 0,2%/năm so với mức đầu tháng 4. Tiết kiệm online 6 tháng còn 7,9 - 8%/năm, 12 và 13 tháng từ 8,1 - 8,2%/năm. Thế nhưng từ 15 tháng trở đi, LS chỉ còn 7,3 - 7,4%/năm. 

Tương tự, là NH có lượng tiền gửi không kỳ hạn ở mức cao, MB mới đây cũng đã điều chỉnh LS tiết kiệm đi xuống khá thấp so với hồi tháng 3. Hiện LS huy động không kỳ hạn của nhà băng này ở mức 0,3%/năm; 1 đến 5 tháng từ 5,2 - 5,3%/năm; 6 - 11 tháng từ 6,5 - 6,6%/năm; 12 - 24 tháng từ 7,2 - 7,3%/năm. Thế nhưng từ 36 tháng trở lên lại quay đầu còn 7%/năm…

Làn sóng giảm lãi suất huy động tiếp diễn, lãi vay vẫn cao - Ảnh 1.

Ngân hàng cần giảm thêm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng

NGỌC THẠCH

Đáng chú ý, một số NH vẫn còn duy trì mức LS huy động 9%/năm. Chẳng hạn, ABBANK huy động LS 9%/năm đối với kỳ hạn từ 18 tháng trở lên; OCB cũng có mức LS lên 9,1%/năm đối với tiết kiệm online từ 13 tháng trở lên. Đối với các kỳ hạn khác, nhà băng này cũng đưa ra mức LS khá cao như 6 tháng là 8,5%/năm (trong khi 3 tháng chỉ 5,45%/năm), 12 tháng là 8,8%/năm…

Dù gì, các NH cũng nên điều chỉnh giảm lãi vay để nền kinh tế có thể hấp thụ được vốn giá rẻ, đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra. Hiện nay, tốc độ giảm LS cho vay của các NH chưa theo kịp huy động.

Ông Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM

Trên thị trường liên NH, LS giao dịch giữa các NH cũng giảm từ 1 - 2%/năm so với cách đây 2 tuần. LS bình quân liên NH ngày 27.4 kỳ hạn qua đêm còn 4,12%/năm, 1 tuần 4,75%/năm nhưng 2 tuần chỉ 4,35%/năm, 1 tháng 5,39%/năm, 3 tháng 6,15%/năm, 6 tháng 8,87%/năm… Dù vậy, so với cách đây 1 tháng, mức LS này hiện cao hơn ở những kỳ hạn ngắn từ 1 - 3%/năm; từ kỳ hạn 3 - 9 tháng ngược lại giảm 0,4 - 0,9%/năm. 

Cùng với sự đi xuống của LS liên NH, LS trúng thầu trái phiếu Chính phủ có xu hướng giảm dần ở hầu hết các kỳ hạn sau mỗi đợt đấu thầu và giảm mạnh trong những phiên đấu thầu cuối tháng 3, sau khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện giảm một số LS điều hành.

Trong khi LS huy động của các NH giảm mạnh từ 2 - 3%/năm so với thời đỉnh điểm hồi tháng 1 thì LS cho vay vẫn giảm chậm. Theo Ngân hàng Nhà nước, LS cho vay mới phát sinh đối với nền kinh tế đã giảm 0,6% so với cuối năm 2022 và tiếp tục có xu hướng giảm trong thời gian tới. Thị trường xuất hiện LS vay mới ngắn hạn từ 7 - 8%/năm. Tuy nhiên, đối với những khoản vay cũ, nhiều khách hàng vẫn đang bị "mắc kẹt" ở mức cao từ 10 - 15,5%/năm. Ví dụ như ngày 1.5, chị Phan Kim (Q.10, TP.HCM) nhận được tin nhắn từ NH thông báo số dư nợ hiện còn hơn 2,2 tỉ đồng, gốc trả mỗi tháng 20,55 triệu đồng nhưng tiền lãi tính ra gần 24 triệu đồng (tương ứng mức LS khoảng 13%/năm). Tiền lãi này bằng với thời điểm cách đây 5 năm chị Phan Kim vay NH số tiền 3,7 tỉ đồng, LS khoảng 8%/năm. 

"Nợ gốc trả hơn 1,5 tỉ đồng nhưng tiền lãi cứ tăng lên do lãi vay cao. Trả nợ 5 năm nay mà tháng nào cũng phải xoay xở tiền, số tiền đóng không giảm chút nào, nhất là trong bối cảnh làm ăn kinh doanh khó khăn như hiện nay, thu nhập đang giảm sút nên cảm thấy gánh nặng", chị Phan Kim than phiền.

LÃI SUẤT "GIẰNG CO" ĐI XUỐNG

Lý giải về hiện tượng LS huy động tiết kiệm của một số NH kỳ hạn dài thấp hơn ngắn, ông Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng do các nhà băng nhận định LS trong thời gian dài sẽ giảm nên đưa mức LS kỳ hạn dài thấp đón đầu. Còn hiện tại, có thể NH đó đang cần vốn nên đẩy LS kỳ hạn ngắn lên cao hơn để hút vốn. Riêng LS trái phiếu Chính phủ có xu hướng giảm là do nhu cầu trên thị trường đang tăng lên do dòng vốn chảy từ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cũng như các quỹ đầu tư, NH đang chuyển vốn vào trái phiếu Chính phủ nhiều hơn trước. Nếu như 2 kỳ hạn trái phiếu Chính phủ là 5 năm và 7 năm trong năm 2022 phát hành không thành công thì nay nhà đầu tư đã tham gia trở lại. Với đà giảm LS trái phiếu Chính phủ hiện nay, cộng với nhu cầu nắm giữ tăng lên thì cũng có thể xảy ra hiện tượng đường cong LS ngược trong thời gian tới. 

"Tuy nhiên, thị trường Việt Nam hoàn toàn khác với các nước, đặc biệt là Mỹ, để có thể đánh giá kinh tế đi vào suy thoái khi dựa vào yếu tố này. Đối với thị trường Mỹ, chính sách tích tụ nhiều năm, chẳng hạn như LS tăng liên tục từ năm ngoái đến nay lên khoảng 5%, hay như trước đó LS liên tục giảm nhiều năm xuống gần 0%. Khi đường cong LS đảo ngược, trái phiếu kỳ hạn dài 10 năm thấp hơn 2 năm thì kinh tế xuất hiện suy thoái. Còn ở Việt Nam, LS liên tục thay đổi từ trạng thái tăng nhanh sang quay đầu giảm mạnh trong vòng vài tháng nên khó có thể dựa theo LS đảo ngược để đánh giá kinh tế có suy thoái hay không", ông Huân phân tích.

Cũng theo ông Huân, một điểm bất lợi trong việc giảm LS của hệ thống NH trong nước hiện nay là LS trên thị trường quốc tế vẫn đang tăng. Ngày 2.5, Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) đột ngột công bố quyết định tăng LS từ 3,6% lên 3,85%, đánh dấu đợt tăng LS lần thứ 11 của NH này trong vòng 1 năm. Trong tuần này, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và NH Trung ương châu Âu (ECB) sẽ có cuộc họp quyết định việc tăng LS. Thị trường dự báo Fed và ECB sẽ tăng LS thêm 0,25%. 

Ông Nguyễn Hữu Huân cho rằng yếu tố này sẽ khiến LS điều hành của Việt Nam khó giảm xuống trong thời gian tới. Vì thế, cần quan sát thêm tỷ giá và cán cân thương mại của Việt Nam có hỗ trợ cho việc điều chỉnh LS điều hành nữa hay không. Trong trường hợp ổn định, LS điều hành đi xuống, có thể điều chỉnh ở mức 0,25 - 0,5%/năm thay vì 1% như 2 đợt trước. "Dù gì, các NH cũng nên điều chỉnh giảm lãi vay để nền kinh tế có thể hấp thụ được vốn giá rẻ, đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra. Hiện nay, tốc độ giảm LS cho vay của các NH chưa theo kịp huy động. Chính sách tiền tệ thường có độ trễ 2 quý, nếu chờ đến quý 3 mới giảm thì e rằng khó đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế đã đề ra", ông Nguyễn Hữu Huân dự báo.

Kho bạc Nhà nước mới đây tiến hành gọi thầu tổng cộng 10.500 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ ở các kỳ hạn 5 năm (4.500 tỉ đồng), 10 năm (3.000 tỉ đồng) và 15 năm (3.000 tỉ đồng). Tổng khối lượng trái phiếu trúng thầu đạt tỷ lệ 100%. LS trúng thầu kỳ hạn 5 năm, 10 năm và 15 năm giảm lần lượt 0,3%, 0,6% và 0,7% xuống mức 2,75%, 3,22% và 3,33%. So với cuối năm 2022, Chính phủ cũng đã huy động nguồn vốn với LS thấp hơn khoảng 1,5%/năm. Tổng giá trị trái phiếu Chính phủ phát hành từ đầu năm tới nay đạt 139.683 tỉ đồng (tương ứng đạt 35% kế hoạch năm 400.000 tỉ đồng).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.