Làn sóng ly hương ở quê nghèo: Làm sao để người trẻ sống được ở quê mình?

15/12/2019 14:33 GMT+7

Nhiều làng quê ở Việt Nam vắng bóng người trẻ vì làn sóng ly hương. Họ bám trụ đô thị lớn hay tìm cách ra nước ngoài. Nơi đó nhiều cơ hội hơn vì quê hương chưa thể giúp người trẻ sống được trên mảnh đất của mình?

Tiến sĩ Đoàn Quang Huy (Trường ĐH Kinh tế và quản trị Kinh doanh, ĐH Thái Nguyên) có những chia sẻ với PV Thanh Niên về vấn đề trên. Đồng thời, anh đưa ra những giải pháp về góc độ kinh tế, giúp người trẻ Việt Nam ở các vùng quê, không cần ly hương, có thể tự chủ, có cuộc sống tốt nhất ở ngay quê mình.

Câu chuyện buồn về nhập cảnh bất hợp pháp

"Mới đây câu chuyện 39 người nhập cư bất hợp pháp vào Anh đã bỏ mạng trong chiếc thùng container -25 độ C khiến nhiều người bàng hoàng. Những người nghèo xa xứ ở những vùng quê chấp nhận cuộc đánh đổi, có thể phải bỏ mạng mình ở xứ người, để sang một miền đất hứa hẹn dễ kiếm tiền hơn.

Câu chuyện bàng hoàng về 39 thi thể trong container ở Anh hy vọng không lặp lại

Cảnh sát Essex

Đây thực sự là một sự việc rất đau lòng và để lại cho tôi nhiều suy nghĩ. Dưới góc độ pháp luật thì chúng ta không nên cổ xuý cho việc nhập cảnh bất hợp pháp, nhưng ở góc độ khác, chúng ta cũng cần cảm thông cho họ, vì miếng cơm manh áo và cuộc sống quá nghèo khó, khiến họ phải tìm mọi cách để thoát ra mong đổi đời. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng, kể cả họ có thể sang được Anh, thì cuộc sống bất hợp pháp cũng chưa bao giờ là dễ dàng và đó cũng là cuộc sống mà không ai mong muốn.
Trong suốt gần 10 năm học tập tại nước ngoài, tôi cũng đã từng gặp nhiều trường hợp lưu vong, bất hợp pháp và thấy rằng cuộc sống của họ thực sự rất vất vả với niềm nhớ nhà vô hạn. Khi bạn sống tại một đất nước mà bạn không có bất cứ quyền gì, đất nước họ không chào đón bạn và lúc nào bạn cũng phải lẩn trốn thì thật sự sống không hề dễ dàng. Chính vì thế,  các bạn trẻ hãy nên từ bỏ cách đổi đời này, thay vào đó hãy tập trung học tập và làm việc hết mình, cơ hội sẽ luôn có với những ai cố gắng.
Tiến sĩ Đoàn Quang Huy, 32 tuổi, cựu sinh viên Trường ĐH Kinh tế và quản trị kinh doanh (ĐH Thái Nguyên). Sau thời gian học thạc sĩ tại Trường ĐH Sogang Hàn Quốc, đào tạo ngắn hạn tại Trường Đại học Queensland, Úc anh  làm nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Friedrich-Schiller-Jena, CHLB Đức. Năm 2018 anh trở lại Việt Nam và hiện đang là giảng viên tại Khoa Marketing, Thương mại và Du lịch - Trường ĐH Kinh tế và quản trị Kinh doanh.

Cần riêng một đề án khởi nghiệp cho nông thôn

Làm sao để thanh niên có thể sống tốt ngay trên mảnh đất của mình, không cần ly hương, đây là vấn đề mà mọi nhà nghiên cứu cũng như quản lý đều đang rất đau đầu để tìm giải pháp. Tôi cho rằng, chúng cần phải đẩy mạnh phát triển toàn diện nông thôn, trong đó có thể tập trung vào một số trụ cột chính như công nghiệp nông thôn, công nghiệp làng xã, tín dụng nông thôn, khởi nghiệp nông thôn,...
Về bản chất, người dân tại các vùng quê hẻo lánh nghèo là bởi họ không có việc làm. Do đó, chúng ta cần phải tìm cách tạo công ăn việc làm cho thanh niên các làng quê. Chúng ta có đề án khởi nghiệp quốc gia 844, tôi nghĩ tới đây ta cần có riêng một đề án khởi nghiệp cho khu vực nông thôn.
Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) hiện đang rất hiệu quả, ta cần phải nhân rộng và tập trung vào các ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm địa phương. Đó là vấn đề mà ta có thể làm ngay được. Tôi cùng các thầy cô trong nhóm nghiên cứu cũng đang triển khai thực hiện một đề tài đặt hàng của Uỷ ban Dân tộc Chính phủ về hỗ trợ khởi nghiệp cho đồng bào dân tộc và miền núi. Đây cũng là một giải pháp thiết thực để tạo việc làm và phát triển kinh tế khu vực trung du và miền núi.

Anh Nguyễn Tấn Vũ 27 tuổi, ở Quảng Ngãi,  nuôi thỏ như cách khởi nghiệp  để không còn phải ly hương

Trang Thy

Bên cạnh đó, một vấn đề vô cùng quan trọng khác chúng ta cần phải thực hiện, đó là cung cấp tri thức, định hướng nghề nghiệp ngay từ khi học phổ thông cho người trẻ, đặc biệt tại các vùng quê nghèo.
Để không cần ly hương mưu sinh, người trẻ cần hiểu rõ họ muốn làm gì, có khả năng làm được gì, nghề nghiệp và hướng đi như thế nào phù hợp với hoàn cảnh của bản thân và môi trường sống. Khi đã định hướng một cách chính xác rồi, cần phải tìm các biện pháp để hiện thực hoá điều đó, bổ sung những điểm ta còn thiếu. Hiện nay, người trẻ ở không chỉ khu vực miền núi khó khăn mà cả khu vực thành thị, cũng còn một bộ phận  đang sống thiếu định hướng...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.