Làn sóng rút dự trữ vàng sau các lệnh cấm vận Nga

11/07/2023 07:00 GMT+7

Các lệnh cấm vận của phương Tây nhằm vào Nga đang khiến ngân hàng trung ương nhiều nước rút dự trữ vàng ở nước ngoài.

Hãng Reuters ngày 10.7 dẫn nghiên cứu vừa công bố của Công ty Quản lý đầu tư Invesco (Mỹ) cho thấy ngày càng có nhiều nước đưa dự trữ vàng từ nước ngoài trở về nhằm tránh những nguy cơ tương tự việc phương Tây đóng băng dự trữ vàng và ngoại hối của Nga. Sự xáo trộn của thị trường tài chính hồi năm ngoái gây thiệt hại rộng lớn, khiến những nhà quản lý quỹ đầu tư quốc gia phải suy nghĩ lại các chiến lược khi cân nhắc khả năng lạm phát cao hơn và căng thẳng địa chính trị tiếp diễn.

Làn sóng rút dự trữ vàng sau các lệnh cấm vận Nga - Ảnh 1.

Những thỏi vàng 1 kg của nhà sản xuất Argor-Heraeus ở Thụy Sĩ

Reuters

Điều chỉnh chiến lược

Hơn 85% đơn vị tham gia khảo sát của Invesco cho rằng trong thập niên tới, lạm phát sẽ còn cao hơn thập niên vừa qua. Vàng và trái phiếu thị trường mới nổi được xem là những khoản đầu tư tốt trong môi trường này. Tuy nhiên, việc phương Tây đóng băng gần một nửa trong 640 tỉ USD dự trữ vàng và ngoại hối của Nga hồi năm ngoái sau xung đột tại Ukraine đã dẫn đến làn sóng thay đổi, khi ngân hàng trung ương nhiều nước muốn lấy tài sản ở nước ngoài về.

Các ngân hàng trung ương đưa dự trữ vàng về nước sau lệnh cấm vận Nga

Khảo sát được thực hiện với sự tham gia của 85 quỹ đầu tư quốc gia và 57 ngân hàng trung ương, với phần lớn các ngân hàng trung ương lo ngại về tiền lệ nói trên. Gần 60% các bên tham gia khảo sát cho biết vàng đã trở nên hấp dẫn hơn, trong khi 68% đang dự trữ vàng trong nước, so với tỷ lệ 50% vào năm 2020. Ông Rod Ringrow, người giám sát báo cáo của Invesco, cho biết việc đưa dự trữ vàng về nước là quan điểm chung của nhiều bên từ năm ngoái. Không chỉ đưa dự trữ vàng về, nhiều nước còn mua thêm để tăng mức dự trữ. Theo số liệu mới nhất của Hội đồng Vàng thế giới, ngân hàng trung ương tại ít nhất 8 nước đã tăng dự trữ vàng trong tháng 5 với tổng cộng 50 tấn, trang Schiffgold mới đây đưa tin. Các nước mua thêm đáng kể gồm Ba Lan, Trung Quốc, Singapore, Nga, Ấn Độ, Cộng hòa Czech, Iraq và Kyrgyzstan.

Đa dạng hóa

Mặt khác, những lo ngại địa chính trị, cùng với cơ hội tại các thị trường mới nổi đang khuyến khích một số ngân hàng trung ương đa dạng hóa đầu tư khỏi USD. Khoảng 7% trong số 142 tổ chức tham gia khảo sát cho rằng nợ công Mỹ gia tăng gây ảnh hưởng tiêu cực đến USD, dù hầu hết vẫn chưa thấy lựa chọn thay thế. Số người coi nhân dân tệ của Trung Quốc là ứng viên tiềm năng đã giảm từ 29% vào năm ngoái xuống còn 18% trong năm nay.

Mỹ ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO

Tờ The New York Times ngày 10.7 đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ "mong muốn chào đón Thụy Điển gia nhập NATO trong thời gian sớm nhất". Ông nêu quan điểm trong cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary đã ngăn cản Thụy Điển vào NATO, trong khi quá trình gia nhập cần sự chấp thuận của tất cả các thành viên. Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Erdogan nói rằng Thụy Điển đã có những bước đi theo đúng hướng để Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận, ám chỉ luật chống khủng bố. Tuy nhiên, ông cho rằng những bước đi đó chưa hữu ích do những người ủng hộ đảng Công nhân người Kurd (PKK), vốn bị Ankara xem là khủng bố, tiếp tục tổ chức biểu tình ở Thụy Điển.

Xem nhanh: Chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine ngày 501 có diễn biến gì nóng?

Gần 80% các tổ chức tham gia khảo sát cho rằng căng thẳng địa chính trị là nguy cơ lớn nhất trong thập niên tới, trong khi 83% lo ngại về lạm phát trong 12 tháng tới. Cơ sở hạ tầng giờ đây được xem là nhóm tài sản hấp dẫn nhất, đặc biệt là các dự án năng lượng tái tạo. Ấn Độ tiếp tục là một trong những điểm đến đầu tư thu hút nhất trong năm thứ hai liên tiếp, trong khi xu hướng đầu tư "gần bờ" (xây nhà máy gần nơi bán sản phẩm) đang thúc đẩy các nước như Mexico, Indonesia và Brazil.

Cũng như Trung Quốc, Anh và Ý bị xem là kém hấp dẫn hơn, trong khi lãi suất tăng cùng với thói quen làm việc tại nhà và mua sắm trực tuyến đã hình thành trong đợt bùng phát Covid-19 khiến bất động sản hiện là tài sản cá nhân kém hấp dẫn nhất. Chuyên gia Ringrow cho rằng những quỹ đầu tư hoạt động tốt trong năm ngoái là những bên đã nhận thấy rủi ro bởi giá tài sản tăng cao và sẵn sàng thay đổi đáng kể danh mục đầu tư trong xu hướng dự kiến còn tiếp diễn. "Các quỹ đầu tư và ngân hàng trung ương giờ đây đang cố gắng đối phó lạm phát cao hơn", theo ông Ringrow.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.