Xuất khẩu đến 63 quốc gia
Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển nhanh chóng và được ứng dụng ngày càng nhiều vào mọi mặt của đời sống. Doanh nghiệp khai thác AI để cải thiện quy trình sản xuất, tối ưu hóa phân tích số liệu... Chính phủ nhiều nơi ứng dụng AI để kiểm soát hạ tầng giao thông, năng lượng...
Công nghệ giám sát bằng AI đang lan rộng với tốc độ nhanh đến mức các chuyên gia theo dõi vấn đề này phải kinh ngạc. Theo báo cáo mới đây của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế - CEIP (trụ sở Washington D.C, Mỹ), khoảng 176 quốc gia trên toàn cầu đang tích cực ứng dụng AI vào khu vực hành chính công, trong đó có ít nhất 75 nước dùng công nghệ này cho mục đích giám sát an ninh và nhân dạng công dân. Trong đó, phần lớn công nghệ các nước trên đang dùng được nhập khẩu từ Trung Quốc.
Báo cáo mang tên “The Global Expansion of AI Surveillance” (tạm dịch “Sự phát triển toàn cầu của công nghệ giám sát AI”) của CEIP cho hay các công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc như Huawei, Hikvision, Dahua hay ZTE đã xuất khẩu công nghệ giám sát bằng trí tuệ nhân tạo tới 63 quốc gia. Trong đó, Huawei có thị phần lớn nhất, với khoảng 50 nước, bất chấp việc đang là tâm điểm trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Ưu đãi đáng ngờ
Báo cáo của CEIP được công bố trong bối cảnh thế giới đang lo ngại về việc chính phủ một số nước đang tăng cường sức mạnh công nghệ để giám sát an ninh một cách mất kiểm soát và những dữ liệu này có nguy cơ bị gửi lại cho phía Trung Quốc. Tổ chức CEIP cáo buộc các công ty cung cấp công nghệ giám sát hiện đại như Huawei, Hikvision, Dahua hay ZTE có liên hệ mật thiết với chính phủ Trung Quốc.
CEIP cũng chỉ ra trong số 63 nước nhập khẩu công nghệ giám sát AI từ Trung Quốc, 36 nước đã có tham gia vào Sáng kiến vành đai - con đường (BRI) của Trung Quốc. Trong khi đó, nhiều nhà phê bình cáo buộc rằng BRI - một dự án cơ sở hạ tầng xuyên biên giới đặc trưng dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, có thể đưa các nước châu Á, châu Phi và châu Âu tiến sâu hơn vào vùng ảnh hưởng kinh tế của Bắc Kinh.
Cũng theo báo cáo của CEIP, những gói sản phẩm công nghệ giám sát do công ty Trung Quốc bán ra thường đi kèm với những khoản vay ưu đãi được cho là có nguồn gốc từ chính phủ nước này, nhằm khuyến khích các nước mua thiết bị của Bắc Kinh. Điều này làm dấy lên nghi vấn về mối quan hệ đặc biệt giữa công ty và chính phủ Trung Quốc khi sẵn sàng trợ cấp giá các công nghệ giám sát tinh vi có thể nhằm thu thập dữ liệu.
Bình luận (0)