Lân sư rồng Sài Gòn ráo riết 'luyện công', chạy sô ngày Tết
14/02/2018 10:35 GMT+7
Thời điểm cuối năm âm lịch, các đoàn lân sư rồng đều ráo riết tập luyện để chuẩn bị bước vào mùa chạy sô tết dày đặc.
Tự động phát
Những ngày cuối năm ở TP.HCM, chúng ta có thể dễ dàng nghe thấy tiếng trống hội hoặc chập cheng vang vang gần xa.
Video: Các đội lân sư rồng ráo riết tập luyện
|
Ráo riết tập dượt
Theo anh Diệp Gia Hào, trưởng đoàn nghệ thuật lân sư rồng Hào Dũng Đường (Q.6), hiện trên địa bàn TP.HCM có khoảng 20 đoàn lân sư rồng chính thống của những người Việt gốc Hoa và khoảng 80 đoàn hoạt động tại các nhà thiếu nhi, trung tâm văn hóa,… hoặc tự phát. Tất cả đều đang trong giai đoạn “chạy nước rút” luyện tập để chuẩn bị vào “mùa cao điểm”.
|
|
Do có thể gây ảnh hưởng nhà dân, nên các đoàn lân sư rồng cũng bị giới hạn địa điểm tập luyện. Nếu là các đoàn lớn có kinh phí, có thể thuê các điểm trường học hoặc địa điểm phù hợp để tập luyện. Ngược lại, một số đoàn sẽ chọn các công viên rộng lớn làm nơi tập trung.
Các đoàn danh tiếng khác như Hào Dũng Đường, Hải Thiên, Hải Nam Hào Quang Đường, Kim sư Thanh Liên,… lại có nơi sinh hoạt là hội quán Quỳnh Phủ (chùa Bà Hải Nam, Q.5).
|
|
Ông Lâm Chiếu Thích, trưởng đoàn lân sư rồng Hải Thiên (Q.5) cho biết: “Hiện Hải Thiên có trên 20 thành viên, tất cả đều sẽ tham gia “chạy” dịp tết này. Nếu ngày thường chỉ tập 3 buổi/tuần, thì khoảng trước tết Nguyên Đán 2 ngày, phải tăng cường lịch tập vào tất cả các đêm trong tuần. Phải thành thạo mọi bài để hạn chế tối đa sơ suất, đảm bảo gia chủ hài lòng vào những ngày đầu năm”.
|
|
Hiện tại, đêm nào ở khoảnh sân rộng trước chùa Bà Hải Nam cũng rộn ràng tiếng trống lân. 19 giờ 30 phút, các đoàn đã tập trung để chuẩn bị đồ nghề, dựng Mai hoa thung, cột tre và kiểm tra kĩ lưỡng. Sau đó, từng đoàn sẽ thay phiên nhau tập luyện đến hơn 22 giờ mới trở về nghỉ ngơi.
|
|
Thành viên trong các đội lân sư rồng rất đa dạng về ngành nghề, độ tuổi. Có người rất nhỏ tuổi, còn là học sinh, có người làm công nhân, buôn bán,… Nhưng trên mặt bằng chung, trừ các trưởng đoàn luôn phải bám nghề, còn lại không ai xem múa lân là công việc chính.
Anh Diệp Gia Minh, phó đoàn lân sư rồng Hào Dũng Đường cho biết: “Nghề này rất khó sống, nên hầu như thành viên các đoàn đều có nghề khác cả. Thu nhập ổn nhất chỉ có “mùa” tết thôi”.
|
|
Chuẩn bị vào “mùa”
Ngày 30 tết là thời điểm các đoàn lân sư rồng chính thức vào “mùa”. Những địa điểm biểu diễn lớn bao gồm nhà văn hóa, khu vui chơi, khu du lịch, đền miếu, nhưng nhiều nhất vẫn là sự kiện xông đất, cầu tài lộc ở các nhà dân hay doanh nghiệp lớn.
|
Ông Tăng Kỷ Quang, đệ tử của cố võ sư Lâm Minh Hào (đại cao thủ Nam Hồng quyền và là người sáng lập võ đường, đội lân Kim sư Thanh Liên lừng lẫy Chợ Lớn những năm 50), hiện là trưởng đoàn lân sư rồng Hải Nam Hào Quang Đường, cho hay trong bộ môn này có rất nhiều kĩ thuật và bài diễn. Nhưng trong đó có khoảng 10 bài thường xuyên được diễn vào dịp tết.
|
Theo đó, các bài đang được những đội lân sư rồng chuyên nghiệp tập luyện bao gồm: Bát trống báo tin mừng (8 chiếc trống hội thay tiếng pháo tết ngày xưa); Tứ quý hưng long (4 con lân múa cầu 4 mùa đều làm ăn được); Lân hái lộc địa bửu (hái lộc cho gia chủ); Thiên long giáng trần mừng tân xuân (con rồng trên trời xuống mang lộc cho gia chủ); Bộ bộ cao thăng (thường gọi là “Nấc thang vượt bậc”, tức lân lên giàn Mai hoa thung, tượng trưng cho sự đi lên); Lân bổ dưa hấu (màu đỏ của dưa hấu cầu gia chủ “đỏ” cả năm); Cao không hái lộc (thường gọi là “Lân leo cột tre hái lộc trời”, với một cột tre cao 9 mét, lân sẽ leo đến đỉnh hái lá cải - tượng trưng cho lộc trời), sư tử hí cầu,…
|
Ông Quang còn cho biết: “Trong số các bài thì lân lên Mai hoa thung đòi hỏi kĩ thuật cao nhất. Người đầu người đuôi gần như phải ăn khớp từng nhịp thở. Giàn Mai hoa thung có cột thấp nhất 1,2 mét, cao nhất đến 2,5 mét. Các khoảng cách cột xa dần từ 0,7 mét lên đến 1,8 mét. Còn với lân leo cột tre, tuy chỉ có một người cầm đầu lân lên, nhưng độ cao “hái lộc” là 9 mét. Những bài này đòi hỏi người biểu diễn không được phép sơ suất vì độ nguy hiểm rất cao”.
|
Trước khi biểu diễn 1 – 2 ngày, các đoàn lân sư rồng sẽ đến xem xét địa điểm cụ thể để bố trí dụng cụ và dựng bài diễn phù hợp. Anh Diệp Gia Hào cho biết: “Các bài đi lân có thể sẽ thay đổi tùy vào địa điểm, như khoảnh sân nhà chỉ 5 mét vuông thì không thể lên giàn Mai hoa thung được. Ý kiến gia chủ cũng quyết định nhiều thứ, ví dụ đối với Bát trống báo tin mừng là đánh 8 cái trống hội, nhưng gia chủ “hạp” với số 10 thì đoàn sẽ tăng số lượng trống. Tương tự, Tứ quý hưng long là 4 chú lân, nhưng nếu gia chủ cần 2 chú, 5 chú, đoàn vẫn phải đáp ứng”.
Anh Hào cũng cho biết, giá thuê các đoàn lân sư rồng chuyên nghiệp vào dịp tết sẽ khá đắt. Bài cơ bản với khoảng 8 người, gồm vận chuyển, 1 lân, 1 trống, 1 chập cheng, 1 ông địa, có giá 2 triệu đồng và sẽ tăng dần tùy quy mô bài. Giá cao nhất cho buổi diễn kéo dài 1 giờ 30 phút với đầy đủ các bài lên đến 25 triệu đồng.
Bình luận (0)