Lần theo dấu vết kinh đô 'mất tích' của triều Tây Sơn

23/01/2021 10:00 GMT+7

Triều đại Tây Sơn đã để lại những âm hưởng hào hùng trong bản hùng ca dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tuy nhiên, mọi thành tựu xây dựng của triều Tây Sơn lại bị nhà Nguyễn xóa bỏ, kinh đô Hoàng Đế cũng không ngoại lệ.

Trong những năm qua, khảo cổ học đã khai quật bóc tách, diện mạo kiến trúc kinh đô Hoàng Đế của vua Thái Đức - Nguyễn Nhạc triều đại Tây Sơn dần được phát lộ.

Từ kinh đô của Vương quốc Champa

Sau những biến động lịch sử vào cuối thế kỷ thứ 10, đầu thế kỷ 11 người Chăm dời đô từ Indrapura (Đồng Dương, Quảng Nam) về thành Đồ Bàn thuộc châu Vijaya (vùng Bình Định ngày nay). Kinh đô mới do Chiêm vương Ngô Nhật Hoan xây dựng, văn bia Chăm gọi là kinh đô Vijaya, sử Việt thời Lê gọi là thành Chà Bàn, một số sử liệu về sau gọi là thành Đồ Bàn.

Bản vẽ ký họa của nhà khảo cổ Pháp H.Parmentier khi khảo sát thành Chà Bàn 

ẢNH: TƯ LIỆU DO NGUYỄN THANH QUANG CHỤP LẠI

Trong năm thế kỷ (11 - 15), thành Đồ Bàn là trung tâm chính trị, quân sự, văn hóa, tôn giáo, kinh tế phồn thịnh của Vương quốc Champa. Tòa thành nhiều lần bị chiến tranh chà xát như cuộc xâm lược của người Khmer, của quân Nguyên Mông; nhưng bằng sự nỗ lực của cả tộc người, người Chăm đã bảo vệ được độc lập và kinh đô Đồ Bàn lộng lẫy, kiên cố.
Đã có thời kỳ Đế quốc Khmer bị người Chăm đô hộ. Sau khi vị vua hùng mạnh cuối cùng của Vương quốc Champa là Chế Bồng Nga trên đường tấn công Thăng Long của Đại Việt bị tử trận trong trận thủy chiến tại sông Luộc (ngày nay thuộc tỉnh Thái Bình) đất nước Champa suy yếu. Năm 1471, vua Lê Thánh Tông đánh chiếm Vijaya, vùng đất này sáp nhập vào Đại Việt, lập phủ Hoài Nhơn thuộc đạo Quảng Nam thừa tuyên xứ.

Đến kinh đô của vương triều Tây Sơn

Năm 1776, Nguyễn Nhạc cho xây dựng mở rộng thành Đồ Bàn làm sở chỉ huy của nghĩa quân, năm 1778 đổi tên là thành Hoàng Đế. Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Nhạc tiếm xưng Trung ương Hoàng đế, niên hiệu Thái Đức, xây thêm thành cũ Chà Bàn của Chiêm Thành để ở, gọi là Hoàng Đế thành”.
Đầu năm 1785, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy, xuất phát từ thành Hoàng Đế vượt biển vào Gia Định đánh tan 5 vạn quân Xiêm, lập nên chiến công vang dội ở Rạch Gầm - Xoài Mút.
Dù tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi, nhưng thành Hoàng Đế vừa là đại bản doanh của nghĩa quân Tây Sơn gắn liền với quá trình phát triển thắng lợi của phong trào Tây Sơn trong giai đoạn đầu, vừa giữ vai trò kinh đô đầu tiên của vương triều nhà Tây Sơn trong lịch sử.
Sau khi vương triều Tây Sơn thất bại, mọi thành tựu của nhà Tây Sơn xây dựng đều bị nhà Nguyễn xóa bỏ, những tư liệu, bia ký, kiến trúc của nhà Tây Sơn bị hủy hoại. Về kiến trúc, thành Hoàng Đế - kinh đô đầu tiên của vương triều Tây Sơn, là di tích duy nhất còn lại dấu tích tường thành sau khi bị nhà Nguyễn phá dỡ san bằng.

Mô hình thành Hoàng Đế (theo sử liệu của giáo sư Phan Huy Lê)

ẢNH: NGUYỄN THANH QUANG CHỤP LẠI

Căn cứ sách Nguyễn Thị Tây Sơn ký của Hoàng giáp Nguyễn Văn Hiển - Đốc học tỉnh Bình Định, mượn tích chép về thành Đồ Bàn để gửi gắm nỗi niềm thế sự về kinh đô của một vương triều quá khứ - kinh đô Hoàng Đế: “Dã sử chép: Tây Sơn Nguyễn Nhạc xây thêm thành Xà Bàn để trú đóng, rồi mệnh danh là thành Hoàng Đế… Đến thời nhà Lê năm Bính Thân (1776), tức niên hiệu Cảnh Hưng thứ 37 và Tây Sơn Nguyễn Nhạc năm thứ 4, bèn nhân đó mà đóng đô, mở rộng cửa Đông kéo dài tới 15 dặm, tường thành được đắp cao rồi xây bằng đá ong, bề cao tới 1 trượng 4 thước, bề dày 2 trượng mở thêm một cửa, thành ra 5 cửa; riêng phía trước có 2 cửa, bên tả là cửa Tân Khai, bên hữu là cửa Vệ Môn, tức là cửa Nam xưa của Chiêm Thành mà ông Nhạc vẫn để như cũ, sau vì xét thấy cửa tả hơi lệch về phía hữu, vả lại ở trước mặt cung thất không tiện cho sự vận chuyển, bèn mở thêm một cửa ở phía tả gọi là cửa Khai Môn, còn cửa bên hữu vẫn để nguyên… Phía tây nam có đàn Nam Giao để tế trời đất; chính giữa thành có điện Bát Giác, nay là mộ của Võ Tánh, phía sau điện Chánh Tẩm, trước điện có lầu Bát Giác, hai bên lập hai nhà từ đường, bên tả thờ tổ phụ ông Nhạc, bên hữu thờ tổ phụ bà Nhạc, trước lầu là cung Quyển Bồng, hai bên cung Quyển Bồng là hai dãy hành lang nơi các quan chầu, trước cung mở cửa Tam Quan, cũng gọi là cửa Quyển Bồng…”.
Trước khi những cuộc điều tra khảo sát, khai quật khảo cổ được tiến hành, thành Hoàng Đế chỉ biết qua tư liệu ghi chép. Các cuộc khai quật khảo cổ học những năm 2004, 2005, 2006, 2007 và 2012 đã bóc tách làm xuất lộ những công trình kiến trúc cung đình cùng cấu trúc kinh thành xưa trong khu vực Hoàng cung (nơi hành cung, thiết triều và nơi nghỉ của nhà vua) của Tử Thành như: điện Bát Giác, Thủy hồ, cung Quyển Bồng, đàn Nam Giao, tường thành khu Hoàng cung… Hiện vật khảo cổ thu được khá phong phú và đa dạng: đá, gạch ngói, gốm sứ của Champa; đá, gạch ngói, đôn đá ngọc, trâm đồng, đạn đá, đạn sắt, đạn chì nhiều cỡ của nhà Tây Sơn; gạch, ngói của nhà Nguyễn…
Mặc dù, hiện nay thành Hoàng Đế vẫn còn những tồn nghi về cấu trúc 3 vòng thành. Tuy nhiên, với dấu tích đã phát hiện trong khu Hoàng cung, có cơ sở khoa học để tiến hành khoanh vùng bảo vệ và trùng tu phục hồi một số công trình kiến trúc cung đình. Quan trọng nhất là phục hồi hệ thống tường bao khuôn viên Hoàng cung để thấy được quy mô không gian cung đình bề thế của vương triều Tây Sơn đầu tiên - vương triều Thái Đức - Nguyễn Nhạc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.