Lan tỏa mục tiêu phát triển bền vững của LHQ thông qua các hội thảo và bài giảng đại chúng

31/08/2023 21:42 GMT+7

Thông qua các sự kiện hội thảo, tọa đàm, bài giảng đại chúng được Quỹ VINIF và Trung tâm Toán học UNESCO tổ chức liên tục từ năm 2022 đến nay, hàng trăm ngàn người đã được phổ biến, tiếp cận, hiểu rõ hơn về các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc (SDG).

Tháng 9.2015, Chương trình Nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG) đã được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) thông qua nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo sự thịnh vượng cho tất cả mọi người vào năm 2030. Các mục tiêu này được xác định bởi 169 mục tiêu cụ thể. 

Việt Nam là một trong những quốc gia đóng góp tích cực cho việc xây dựng và triển khai nội dung Chương trình nghị sự 2030. Minh chứng là Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế thúc đẩy: Kế hoạch hành động quốc gia vào năm 2017; Quyết định số 681/QĐ-TTg về lộ trình thực hiện đến năm 2030 vào ngày 4.6.2019; và Nghị quyết số 136/NQ-CP về phát triển bền vững được ban hành ngày 25.9.2020. Theo Báo cáo năm 2020, Việt Nam có khả năng đạt được 5 trong số 17 mục tiêu SDG đến năm 2030, gồm 1, 2, 4, 13 và 17.

Lan tỏa các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ thông qua các hội thảo và bài giảng đại chúng - Ảnh 1.

17 mục tiêu phát triển bền vững của LHQ

VINIF

Một trong những yếu tố then chốt để triển khai các SDG tại Việt Nam là chính phủ, các cơ quan, tổ chức, những cá nhân có ảnh hưởng… cần truyền tải, phổ biến những mục tiêu của LHQ cũng như UNESCO về phát triển bền vững đến toàn xã hội. Đối với giới học thuật, bao gồm cả khoa học tự nhiên và nghiên cứu xã hội…, những đóng góp trong các lĩnh vực khai phá, phát triển khoa học công nghệ (KHCN), bồi đắp văn hóa, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục có vai trò quan trọng đối với xã hội trong việc phát triển kinh tế, cải thiện mức sống.

Theo Phó giáo sư Phan Thị Hà Dương, Trưởng Ban tổ chức chuỗi sự kiện hưởng ứng tinh thần phát triển bền vững của UNESCO: "Trung tâm Quốc tế Đào tạo và Nghiên cứu Toán học UNESCO (ICRTM), Viện Toán học - VAST và Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF) đã, đang và sẽ phối hợp trong việc tổ chức các sự kiện, có sức lan tỏa để hưởng ứng tinh thần của UNESCO. Bắt đầu từ năm 2022, các bên đã có nhiều hoạt động trong việc mời các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, nghệ thuật có uy tín trong xã hội đóng góp trong nhiều hội thảo, tọa đàm, bài giảng đại chúng, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về 17 mục tiêu SDG. Mỗi sự kiện sẽ đi sâu về một chủ đề, trong đó nhấn mạnh đến các nội dung về phổ biến tri thức, năng liệu sạch và tiếp cận được, công bằng giới, ứng phó biến đổi khí hậu, nâng cao sức khỏe nhờ tiến bộ KHCN, đổi mới giáo dục và cải thiện mức sống."

Lan tỏa các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ thông qua các hội thảo và bài giảng đại chúng - Ảnh 2.

Các diễn giả trong sự kiện "Các bài giảng đại chúng về Phát triển bền vững"

VINIF

Chuỗi sự kiện lý thú

Cụ thể, ngày 14.3.2022, ICRTM, Viện Toán học -VAST và Quỹ VINIF đồng tổ chức ngày Toán học quốc tế 2022 với chủ đề: "Toán học kết nối chúng ta", trong đó có bài giảng đại chúng "Toán học trong nghiên cứu Khí hậu và Biến đổi Khí hậu quy mô khu vực". Bài giảng do Phó giáo sư Ngô Đức Thành, Trường Đại học KH&CN Hà Nội chủ trì, đã đề cập một số ứng dụng cơ bản của toán học trong nghiên cứu khí hậu và biến đổi khí hậu quy mô khu vực, với nỗ lực giải đáp các câu hỏi thiết yếu của khí tượng học: Nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tăng lên bao nhiêu vào cuối thế kỷ 21? Mực nước biển liệu có tiếp tục sẽ dâng trong hàng trăm năm nữa? Các kết quả dự tính khí hậu tương lai nhận được như thế nào và liệu chúng có đáng tin cậy? Sự kiện mang đến cho công chúng kiến thức rõ ràng và sâu sắc hơn về việc ứng dụng các thành tựu KHCN để giải quyết các mục tiêu số 4 và 13 trong SDG.

Tọa đàm "Khoa học và công nghệ bảo vệ môi trường" nhân ngày KHCN Việt Nam diễn ra vào ngày 14.5.2022, do Viện Toán học và Viện Vật lý - VAST đồng tổ chức cũng là một sự kiện nâng cao nhận thức về phát triển bền vững. Sự kiện đồng thời hưởng ứng "Năm quốc tế khoa học cơ bản về phát triển bền vững" do LHQ công bố, nhấn mạnh các ứng dụng của khoa học cơ bản đóng vai trò vô cùng quan trọng trong những tiến bộ của y học, công nghiệp, nông nghiệp, tài nguyên nước, quy hoạch năng lượng, môi trường, truyền thông và văn hóa. Các công nghệ đột phá từ khoa học cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân loại bằng cách cung cấp quyền truy cập thông tin và tăng cường phúc lợi xã hội, thúc đẩy hòa bình thông qua hợp tác cải thiện hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. 

Tại tọa đàm, nhận thức về việc bảo vệ môi trường và tầm quan trọng của KHCN trong vấn đề này được phát triển sâu và rộng hơn, thông qua việc phổ biến các kiến thức từ khoa học đến thực tiễn. Sự kiện có sự đóng góp của các nhà khoa học lý thuyết cũng như các chuyên gia đầu ngành về đo lường các chỉ số môi trường, vật liệu mới, khu sinh quyển, mạng lưới không khí sạch của Việt Nam.

Một sự kiện quan trọng khác là tọa đàm "Phát triển đô thị và những nguy cơ mới" diễn ra tại Viện Toán học vào sáng ngày 10.6.2022, nằm trong chuỗi sự kiện "(Những) Thành phố bền vững" được Viện Pháp tại Việt Nam, ICRTM, VINIF và Viện Nghiên cứu vì sự phát triển (Pháp) tại châu Á (IRD in Asia) đồng tổ chức. 

Lan tỏa các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ thông qua các hội thảo và bài giảng đại chúng - Ảnh 3.

Tọa đàm "Phát triển đô thị và những nguy cơ mới"

VINIF

Tại tọa đàm, các diễn giả là các nhà nghiên cứu đầu ngành đã giới thiệu 3 dự án cụ thể về mô hình hóa mô phỏng các nguy cơ ở đô thị; những phương pháp mô hình hóa này dựa vào việc xây dựng và mô phỏng thế giới nhân tạo, nơi hành vi của các tác nhân và môi trường xung quanh được thể hiện một cách chi tiết, và đang dần trở thành một công cụ thiết yếu để bàn về các vấn đề xã hội - môi trường cũng như để nghiên cứu, xây dựng các kịch bản ứng phó với những hạn chế, đôi khi là mâu thuẫn nhau, của các bên liên quan.

Hội thảo "Khoa học mở dưới các góc nhìn" nhân ngày KHCN Việt Nam 18.5.2023 với các bài giảng đại chúng về khoa học và dữ liệu mở, cùng tọa đàm với nhiều chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, đã có những đóng góp tích cực cho việc lan tỏa các mục tiêu 4, 9 và 17.

Mới đây, ngày 24.8.2023, tiếp nối các sự kiện có chủ đề phát triển bền vững, ICRTM, Viện Toán học - VAST và VINIF, đã đồng tổ chức sự kiện "Các bài giảng đại chúng về Phát triển bền vững". Sự kiện thu hút nhiều nhà khoa học, học viên, nghiên cứu sinh, các bạn trẻ quan tâm đến phát triển bền vững, cùng nhiều lãnh đạo các Bộ, Học viện, Viện nghiên cứu, Trường đại học tới tham dự. Hai bài giảng trong sự kiện đề cập đến lĩnh vực vật liệu tiên tiến và văn hóa xã hội - những vấn đề quan trọng cho sự phát triển bền vững của xã hội hiện đại.

Lan tỏa các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ thông qua các hội thảo và bài giảng đại chúng - Ảnh 4.

Sự kiện "Các bài giảng đại chúng về Phát triển bền vững"

VINIF

Giáo sư Phan Mạnh Hưởng, Khoa Vật lý, Đại học Nam Florida, Hoa Kỳ, là chuyên gia uy tín thế giới trong phát triển các vật liệu nhiệt từ và kháng từ cho các công nghệ cảm biến thông minh và làm lạnh nhiệt từ. Gần đây, nhóm nghiên cứu của anh khám phá ra hiệu ứng sắt từ ở nhiệt độ phòng trong các vật liệu Van der Waals lớp mỏng cấp nguyên tử, có tiềm năng tạo ra các thay đổi đột phá trong các lĩnh vực như điện tử học spin (spintronics), nhiệt điện tử học spin quang (opto-spin-caloritronics), điện tử học vùng trũng (valleytronics), và tính toán lượng tử (quantum computation).

Trong bài giảng "Thời cơ cho vật liệu nano từ sinh học - Từ liệu pháp tăng thân nhiệt đến vận chuyển thuốc và theo dõi sức khỏe", diễn giả đã chỉ rõ tầm quan trọng của khoa học vật liệu đối với phát triển bền vững: Vật liệu nano với đặc tính siêu thuận từ rất hứa hẹn cho các ứng dụng y sinh, từ liệu pháp thân nhiệt cao đến vận chuyển thuốc hướng đích, chụp ảnh cộng hưởng từ, cảm biến sinh học. Diễn giả chia sẻ góc nhìn về những cơ hội đang nổi lên và cả những thách thức hiện tại trong lĩnh vực nghiên cứu liên ngành, đồng thời đề xuất các chiến lược mới để vượt qua các thách thức đó. 

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu của anh đang và sẽ tập trung vào những phát triển mới nhất trên nền tảng cảm biến từ không tiếp xúc, không xâm nhập trong việc chẩn đoán, theo dõi, điều trị COVID-19 và những bệnh đường hô hấp khác thông qua khai thác từ trường và máy học. Công nghệ này có thể ứng dụng trong các cơ sở và hệ thống chăm sóc sức khỏe tại điểm hoặc từ xa, có tiềm năng nâng cấp hệ thống chăm sóc sức khỏe tổng thể và thúc đẩy các nỗ lực đo đạc sức khỏe cộng đồng hiệu quả hơn để đối phó với các dịch bệnh tương lai.

Theo Phó giáo sư Đoàn Đình Phương, Viện trưởng Viện KH&CN Vật liệu, bài giảng của diễn giả đã mở thêm tri thức mới về nghiên cứu vật liệu từ, vật liệu nano y sinh. Giáo sư Đặng Diễm Hồng, Viện Công nghệ Sinh học cho rằng, hướng ứng dụng triển vọng nhất của vật liệu cảm biến từ tính là phát hiện sớm và nhanh số tế bào ung thư cho bệnh nhân có khối u nhỏ, ở những vị trí đặc biệt để bác sĩ can thiệp kịp thời. Giáo sư Đinh Nho Hào, Viện Toán học, cũng trao đổi thêm với diễn giả về các mô hình toán học được dùng trong hướng nghiên cứu này có thể mở ra những ứng dụng thực tế khác khi các nhà khoa học liên ngành cùng hợp tác nghiên cứu.

Lan tỏa các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ thông qua các hội thảo và bài giảng đại chúng - Ảnh 5.

Tọa đàm "Khoa học mở dưới các góc nhìn"

VINIF

Cần không gian, môi trường học thuật cởi mở 

Diễn giả Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch HĐQT Alpha Books, Viện trưởng Viện lãnh đạo ABG, Phó chủ tịch Trung tâm Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (VAPEC) cũng đóng góp bài giảng đáng chú ý về lịch sử, văn hóa, với chủ đề "Không gian phát triển tri thức của người Việt: Vài suy nghĩ bước đầu về sự hình thành, những cản trở, viễn cảnh tương lai". 

Trong bài giảng, bằng những luận cứ sâu sắc qua trải nghiệm và nghiên cứu, diễn giả đưa ra một bức tranh tổng quan về không gian phát triển tri thức của người Việt từ thời cổ đại đến hiện đại. Có nhiều bất cập, hạn chế trong việc tạo lập một môi trường mở cho sự tranh luận về tư tưởng, tri thức, sự bó hẹp trong các truyền thống "Á Đông" thời phong kiến đã gây cản trở cho quá trình tiếp cận tri thức mới trên thế giới của người Việt. Sang thời cận - hiện đại, Việt Nam mở rộng giao lưu học thuật với các nước phương Tây và xuất hiện nhiều trí sĩ yêu nước nổi tiếng có học vấn uyên bác, tiếp thu được những tiến bộ trên thế giới như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Hoàng Xuân Hãn… 

Ngày nay, trong một thế giới ngày càng phẳng hơn, sự giao lưu giữa giới học thuật Việt Nam với thế giới là điều tất yếu và chắc chắn đem lại những giá trị to lớn cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục… của đất nước. Cần tạo ra một không gian, môi trường học thuật cởi mở và lan tỏa tri thức đến được với đại chúng thông qua sự phát triển và cải tiến hệ thống thư viện, dịch thuật. Diễn giả cũng chia sẻ những quan điểm riêng, theo đó hai nguyên nhân chính ảnh hưởng đến sự phát triển không gian tri thức của bất kỳ dân tộc nào là sự xuất hiện chữ viết và bối cảnh kinh tế thời đại.

Trả lời câu hỏi của phó giáo sư Phan Thị Hà Dương: "Phải chăng tâm lý học để thi, để ra làm quan thời xưa, đến học để có một vị thế trong xã hội ngày nay, chứ không phải là học chỉ vì niềm vui, vì đam mê, vì sự dấn thân, đã và đang ngăn trở sự hình thành một môi trường học thuật tự do, sáng tạo?", diễn giả đồng ý với quan điểm và bổ sung: "Đó là một phần; một phần khác là chúng ta thiếu một thời đại, một không gian lịch sử, nơi các học giả tự do phát triển tư tưởng, tranh biện, thậm chí luận chiến… và từ đó nảy sinh ra nhiều phát kiến đột biến cho xã hội." 

Đối với ý kiến: "Nhiều nền văn minh đã phát triển chữ viết và khoa học công nghệ từ rất sớm, như nền văn minh Ai Cập và Trung Hoa cổ đại; tuy vậy đến ngày nay, nền văn minh phương Tây vẫn đang đạt được những thành tựu to lớn về mọi mặt, dù mới chỉ nổi lên trong vài trăm năm. Như vậy, có phải chữ viết đóng vai trò quyết định trong tiến trình phát triển tri thức của một dân tộc?", diễn giả chia sẻ: "Tiến trình văn minh của một dân tộc, một quốc gia có thể phát triển được lâu dài, bền vững hay ngắn hạn, đứt quãng phụ thuộc vào sự nỗ lực của các thực thể trên tại các "bước chuyển" của nó. Ngôn ngữ chữ viết có thể coi như là bước chuyển đầu tiên; sau đó, còn nhiều bước chuyển khác về kinh tế, văn hóa, chiến tranh, khí hậu... Nếu một nền văn minh không thể vượt qua các bước chuyển đó, nó sẽ bị chững lại, hoặc thậm chí bị tiêu diệt."

Hai bài giảng đại chúng đã đi sâu vào các chủ đề khác nhau là khoa học công nghệ và văn hóa xã hội, mang đến sự quan tâm của đa dạng các đại biểu và khách mời. Với khung thời gian mở rộng cho phần giao lưu, thảo luận, sự kiện đã nhận được nhiều trao đổi, ý kiến đóng góp, chia sẻ quan điểm, giúp người nghe có góc nhìn mới hơn về sự phát triển bền vững trong cả khoa học, công nghệ và văn hóa, xã hội.

Nỗ lực của ICRTM, Viện Toán học và VINIF trong những năm qua đã góp phần lan tỏa mạnh mẽ tinh thần phát triển bền vững do LHQ và UNESCO khởi xướng. Thông qua các sự kiện hội thảo, tọa đàm, bài giảng đại chúng, hàng trăm ngàn người đã được phổ biến, tiếp cận, hiểu rõ hơn về các mục tiêu SDG, đồng thời thúc đẩy sự giao lưu, hợp tác đến đông đảo các nhà nghiên cứu trẻ trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, văn hóa, lịch sử; từ đó chung tay cùng xã hội trong việc nâng cao ý thức cộng đồng để tiến tới gần các mục tiêu phát triển bền vững hơn.

Phát triển bền vững là mục tiêu chiến lược của Liên Hợp Quốc (LHQ) trong kế hoạch hành động giai đoạn 2015 - 2030. Để chuẩn bị, từ năm 2013, các quốc gia đã khởi động tiến trình xây dựng Chương trình nghị sự 2030 và xây dựng bộ các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) để đệ trình LHQ phê duyệt.

Chương trình có độ bao phủ chính sách phổ quát, rộng lớn, toàn diện, tham vọng, hài hòa với tinh thần và sự tham dự của UNESCO. Các mục tiêu phát triển bền vững bao gồm: (1) Xóa nghèo; (2) Xóa đói; (3) Sức khỏe và cuộc sống tốt; (4) Giáo dục chất lượng; (5) Bình đẳng giới; (6) Nước sạch và vệ sinh; (7) Năng lượng sạch với tiếp cận được; (8) Công việc tốt và tăng trưởng kinh tế; (9) Công nghiệp, đổi mới và cơ sở hạ tầng; (10) Giảm bất bình đẳng; (11) Các thành phố và cộng đồng bền vững; (12) Tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm; (13) Hành động về khí hậu; (14) Tài nguyên và môi trường biển; (15) Tài nguyên và môi trường đất liền; (16) Hòa bình, công lý và các thể chế mạnh; (17) Hợp tác vì các mục tiêu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.