Tôi muốn gọi “cây ATM gạo” của anh Hoàng Tuấn Anh, giám đốc một doanh nghiệp ở Q.Tân Phú (TP.HCM), là “cây yêu thương” để phù hợp với nội dung và tấm lòng mà “cây gạo” này chuyển tải.
Cây “ATM gạo” của anh Tuấn Anh đặt tại đường Vườn Lài (Q.Tân Phú) mỗi ngày có bình quân 3.000 lượt người xếp hàng trật tự để nhận gạo. Đến nay, anh Tuấn Anh lắp đặt thêm hai máy mới đặt tại H.Bình Chánh và Q.12 (TP.HCM) để bà con nghèo không phải di chuyển xa.
Từ người chủ sáng chế máy và là người đầu tiên góp gạo, tới bà con có tấm lòng “lá lành đùm lá rách” mang gạo tới ủng hộ, và cuối cùng, là những bao gạo nghĩa tình tới tay bà con nghèo một cách thật ngọt lành, thật dễ thương, và mang lại niềm vui cho tất cả mọi người. Là một người ở từ rất xa, nhưng tôi cảm nhận được khi dòng gạo trong “cây yêu thương” tuôn chảy, mình như đang sống trong niềm hạnh phúc. Đó là hạnh phúc của người được sống giữa một cộng đồng biết yêu thương và chia sẻ, một cộng đồng không phân biệt “lá lành, lá rách”, vì lá nào cũng là lá trên “cây yêu thương”, cũng mang đến niềm vui cho người đang khó khăn trong đại dịch.
“Cây yêu thương” này là điểm thu hút, tạo cơ hội cho những người có tấm lòng vì cộng đồng muốn đóng góp phần mình cho bà con nghèo. Góp gạo là hay rồi, nhưng hay nhất là ai có khả năng đóng góp bao nhiêu đều được “Cây yêu thương” chấp nhận vui vẻ, và những người đóng góp cũng có được niềm vui vì mình đã làm việc nghĩa, việc có ích cho cộng đồng.
Công nghệ cao, một khi được sáng chế để phục vụ nhân dân, phục vụ cộng đồng, để lan tỏa tình yêu thương như vậy, là công nghệ của tâm hồn, công nghệ của trái tim. Nó ấm áp vô cùng mà cũng gần gũi vô cùng.
Được biết, mô hình “cây yêu thương” này đã được cho “mọc” lên ở Hà Nội, ở Huế, ở Đắk Lắk... Vẫn là “cây ATM gạo”, vẫn cho dòng gạo vì người nghèo tuôn chảy, và tình yêu thương đã được nhân rộng ra trên nhiều vùng miền của đất nước.
Với người nghèo, thì hạt gạo luôn quý giá, nó đồng hành trong cuộc sống thường ngày của tất cả mọi người.
Hãy đến với “cây yêu thương” để dòng gạo nghĩa tình luôn tuôn chảy, để người Việt mình yêu thương nhau hơn, như một câu trong ca khúc bất hủ Mùa xuân đầu tiên của nhà thơ - nhạc sĩ Văn Cao: “Từ đây người biết yêu người”.
Bình luận (0)