Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư - một trong những giám khảo vòng chung khảo hạng mục tản văn/tùy bút/ghi chép của cuộc thi viết Nghĩa tình miền Tây do Báo Thanh Niên tổ chức, đã có nhận xét trên khi nói về chất lượng cuộc thi.
Gần 1.000 bài viết tham dự cuộc thi
Ngày 18.11, trong khuôn khổ Hội thảo “Phát triển ĐBSCL, giải pháp từ cây lúa”, Báo Thanh Niên cũng tổ chức lễ tổng kết, trao giải và ra mắt sách Nghĩa tình miền Tây tại Hội trường trụ sở khối các cơ quan đơn vị sự nghiệp tỉnh Đồng Tháp. Với gần 1.000 bài dự thi, ban giám khảo vòng sơ khảo của Báo Thanh Niên đã chọn 45 tác phẩm nổi trội vào vòng chung khảo, diễn ra 4 tháng, từ ngày 1.6 - 30.9.2022.
Trao giải cho các tác giả đoạt giải thưởng |
Phát biểu tại lễ tổng kết và trao giải, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, bộc bạch: “Cuộc thi là dịp để mọi công dân VN đang sinh sống trong nước và nước ngoài, người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ VN bày tỏ, thể hiện tình cảm của mình đối với vùng sông nước miền Tây Nam bộ (gồm 13 tỉnh thành). Đặc biệt, cùng với hạng mục tản văn/tùy bút/ghi chép, cuộc thi viết lần này có thêm hạng mục chính luận, với những đề xuất, kiến nghị, hiến kế xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội các tỉnh miền Tây để hưởng ứng Nghị quyết số 13 ngày 2.4.2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong và nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, tặng hoa cho GS Võ Tòng Xuân - giám khảo cuộc thi |
Nguyên Nga |
Nghĩa tình miền Tây là tiếp nối thành công và phát huy hiệu quả của cuộc thi viết Thành phố tôi yêu dành cho Sài Gòn - TP.HCM (năm 2019), Hà Nội thành phố tôi yêu (năm 2020 - 2021), Thương về miền Trung (năm 2021), hai mùa liên tiếp năm 2021 - 2022 cuộc thi Sống đẹp, đều do Báo Thanh Niên tổ chức. Cũng trong lễ tổng kết và trao giải này, cuốn sách Nghĩa tình miền Tây - tuyển tập gồm 90 tác phẩm chất lượng từ cuộc thi đã được phát hành và sẽ được gửi đến các tác giả có bài chọn in.
“Với những thành công lẫn sự lan tỏa từ các cuộc thi viết do Báo Thanh Niên tổ chức trong gần 4 năm qua, chúng tôi rất mong sẽ tiếp tục nhận được ngày càng nhiều hơn sự hưởng ứng của quý bạn đọc dành cho các hoạt động của Báo Thanh Niên cũng như tình cảm, sự tin cậy, gắn kết và tương tác tích cực dành cho tờ báo”, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn chia sẻ và dẫn lời của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư rằng: Đọc những bài chọn đăng, bạn đọc sẽ có cảm giác chúng đang lặp lại, cả những kỷ niệm riêng tư của từng người đối với miền Tây lại hao hao nhau, những cho - nhận lúc lận đận, ngặt nghèo. Nhưng biết làm sao được, bởi cá tính miền Tây xưa nay không giấu gì riêng cho mình, vui buồn, yêu ghét hay tốt xấu đều phơi bày ra hết, viết hay nói về đất chỉ có mỗi cách viền đi viền lại, tô đậm thêm lên chữ nghĩa tình.
Kỳ vọng phát triển vùng đất này thành nơi đáng sống
Đây là lần đầu tiên Báo Thanh Niên tổ chức lễ tổng kết và trao giải thưởng cuộc thi viết tại địa phương ngoài TP.HCM, tại tỉnh Đồng Tháp với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nhận xét ý tưởng tổ chức cuộc thi viết về miền Tây của Báo Thanh Niên đã góp phần lan tỏa những giá trị đẹp đẽ của vùng đất phóng khoáng và đa dạng bản sắc văn hóa đến với bạn đọc trong và ngoài nước. Đặc biệt, người đọc thấy được đâu đó những tình cảm thân thương, những nỗi niềm và góc đẹp tâm hồn của người dân vùng châu thổ, để hiểu và yêu thương hơn mảnh đất này. Tuy vùng có đến 13 tỉnh thành, nhưng người dân cả nước trìu mến gọi bằng cái tên thân thương “miền Tây”. Miền Tây với những cánh đồng cò bay thẳng cánh, những con sông màu mỡ phù sa. Đêm khuya nằm nghe tiếng đờn bầu réo rắt bên dòng sông Hậu hay chiều chiều tiếng ai hò bên dòng Vàm Cỏ, lòng thương cảm những nỗi niềm. Món ăn cũng mang đậm tính cách của người địa phương, đơn giản, ngọt ngào.
Ông Tuấn nhấn mạnh: Đồng Tháp vinh dự được phối hợp cùng Báo Thanh Niên tổ chức lễ tổng kết và trao giải cuộc thi. Vùng đất Sen Hồng với những ao sen tỏa hương thơm ngát, những cánh rừng tràm bạt ngàn, hay vẻ đẹp thơ mộng của vườn hoa Sa Đéc có nhiều điểm du lịch với cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ thuần khiết, nằm giữa vùng đất trũng ngập nước của vùng Đồng Tháp Mười xưa. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh luôn tâm niệm làm sao phát triển vùng đất này thành nơi đáng sống, vừa thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa xây dựng nông thôn là nơi yên bình, kinh tế ổn định. Tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thành mục tiêu chuyển đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp” hướng đến xây dựng người nông dân chuyên nghiệp thích ứng kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; tăng cường ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ...
Các giải thưởng cuộc thi viết Nghĩa tình miền Tây
Hạng mục tản văn, tùy bút, ghi chép: 1 giải nhất: Đình ông Nguyễn…, tác giả Nguyễn Chí Ngoan (Kiên Giang); 1 giải nhì: Mênh mang miền Tây một cõi, tác giả Linh Chi (Thừa Thiên-Huế); 2 giải ba: Làm rể miền Tây, tác giả Nguyễn Hội (Long An), và Miền Tây, thương nhau thương từ giọng điệu, tác giả Tạ Tư Vũ (TP.HCM); và 6 giải khuyến khích.
Hạng mục chính luận - tác phẩm đề xuất, kiến nghị, hiến kế xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội các tỉnh miền Tây:
1 giải nhất: Định vị thành phố đảo động lực trên hành lang phát triển Tây Nam bộ, tác giả Lê Hồng Xương (TP.HCM); 1 giải nhì: Giải pháp “cứu” bờ biển Đồng bằng sông Cửu Long, tác giả Lưu Đình Long (TP.HCM); 2 giải ba: Giới thiệu mô hình chỉnh thể sinh thái, tầm nhìn tới năm 2050 cho Đồng bằng sông Cửu Long, tác giả Mạc Yên (Cần Thơ); Phân tích yếu tố con người và đề xuất mô hình du lịch tình nguyện, khám phá phát triển cho một số dân tộc ở Đồng bằng sông Cửu Long, tác giả Trần Công Tâm Anh (Nga); và 5 giải khuyến khích. Ngoài ra, còn có các giải phụ: bài viết được yêu thích nhất, bài viết hay nhất về quê hương Đồng Tháp Mười.
Bình luận (0)