Vùng đất tiên phong của đổi mới sáng tạo với tư duy dám nghĩ, dám làm...
Phát biểu tại buổi lễ phát động, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, cho biết vùng Đông Nam bộ với diện tích chỉ chiếm 7,1% nhưng GRDP của toàn vùng chiếm gần 31% cả nước và gần 51% GRDP của 4 vùng kinh tế trọng điểm trên cả nước cộng lại, đóng góp 38% tổng thu ngân sách quốc gia, trong đó, 4 địa phương có tỷ lệ điều tiết ngân sách về T.Ư thuộc nhóm cao nhất là TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai và Bình Dương. "Để góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp, tôn vinh cách làm hay, mô hình mới, tư duy năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm của người dân Đông Nam bộ đến với bạn đọc trong và ngoài nước, Báo Thanh Niên phối hợp tổ chức cuộc thi viết Hào khí miền Đông. Thông qua cuộc thi này, chúng tôi muốn gửi tới đông đảo bạn đọc, công chúng trong và ngoài nước thông điệp Hào khí miền Đông nhằm góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp của vùng đất và con người miền Đông Nam bộ, qua đó giúp đông đảo người dân thêm yêu và gắn kết hơn với mảnh đất đầy hào khí và nghĩa tình này", nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn phát biểu.
Đồng hành lễ phát động, bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ (chủ đầu tư KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3), cho biết Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có mục tiêu đưa khu vực này trở thành vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trở thành trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới; kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. "Chúng tôi hy vọng thông qua cuộc thi viết Hào khí miền Đông, bất cứ ai cũng có quyền tự hào và lan tỏa tinh thần "Miền Đông gian lao mà anh dũng". Đây là vùng đất tiên phong của đổi mới sáng tạo với tư duy dám nghĩ, dám làm và làm quyết liệt, là nơi khởi đầu và hình thành nhiều cơ chế, chính sách đổi mới quan trọng, đột phá để phát triển kinh tế, mang lại thịnh vượng chung trên bình diện quốc gia và cho người dân vùng đất này. Xưa tôi yêu quê hương vì có hoa có bướm, nay tôi yêu quê hương vì rạng ngời những công trình cảng biển, nhà máy điện, nhà máy hóa dầu đêm về rực rỡ, hoành tráng, lung linh ánh đèn đẹp đến tê người có một phần đóng góp của chính chúng ta", bà Nguyễn Thị Thảo Nhi nói thêm.
Cuộc thi viết ‘Hào khí miền Đông’: Nơi tôn vinh cách làm hay
Cơ sở xây dựng hình ảnh quê hương, đất nước, con người vùng Đông Nam bộ
Tại buổi giao lưu, ông Lê Văn Minh, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu, cho rằng Báo Thanh Niên và Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ đã chọn đúng điểm rơi để tổ chức cuộc thi viết Hào khí miền Đông rất có ý nghĩa, từ đó chúng ta có cơ sở xây dựng hình ảnh quê hương, đất nước, con người vùng Đông Nam bộ. "Như chúng ta đã biết, Tổng Bí thư đã chủ trì hội nghị toàn quốc về văn hóa lần thứ 3, rồi tiếp đến là Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị... Như vậy, song song với lĩnh vực kinh tế, chúng ta cũng cần lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp của vùng đất miền Đông Nam bộ. Tôi cho đây là cuộc thi tiên phong, mở ra câu chuyện đó. Cá nhân tôi mong đợi thông qua cuộc thi, góp phần xây dựng giá trị con người, vùng đất miền Đông Nam bộ, như chủ đề cuộc thi đã nói lên là Hào khí miền Đông", ông Lê Văn Minh phát biểu.
Với tư cách ban giám khảo, nhà thơ Lê Huy Mậu chia sẻ rất vui mừng khi được Báo Thanh Niên mời tham gia ban giám khảo cuộc thi đầy ý nghĩa này. Ông Mậu cho biết ông quê ở Nghệ An, đi bộ đội ở các tỉnh vùng miền Đông, năm 1981 thì về Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo, nay là Bà Rịa-Vũng Tàu. "Qua thời gian dài, tôi chứng kiến bao sự đổi thay ở vùng đất này. Chúng ta đang ngồi nơi đây (KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 - PV), ngày xưa là vùng đất đầm lầy hoang vu, nay đã trở thành KCN hoành tráng của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Với tôi, miền Đông đã trở thành những vùng đất nghĩa tình, nhiều kỷ niệm gắn bó với truyền thống miền Đông gian lao mà anh dũng", tác giả lời của Khúc hát sông quê hồi tưởng. Đề cập về cuộc thi Hào khí miền Đông do Báo Thanh Niên tổ chức, nhà thơ Lê Huy Mậu nhấn mạnh: "Tôi cho rằng phải thu hút được nhiều thể loại, với nhiều sắc thái văn hóa, tâm hồn của người miền Đông. Đây cũng là niềm tự hào của người miền Đông cần được khơi dậy. Và Báo Thanh Niên cần tổ chức nhiều buổi tọa đàm hơn nữa sau cuộc thi viết này và nêu bật được niềm tự hào, tiềm năng thế mạnh về mọi mặt của vùng đất cách mạng anh dũng này".
Bình luận (0)