Báo Thanh Niên 35 năm phát hành số đầu tiên: Lan tỏa những câu chuyện đẹp

22/12/2020 08:44 GMT+7

Trong suốt những năm làm báo, có những bài viết khiến bạn đọc rơi nước mắt nhưng chính chúng tôi, người viết nên những bài báo ấy, cũng phải xúc động trước hành động cao đẹp mà bạn đọc dành cho từng nhân vật trong bài viết.

Yêu thương trao đi, niềm tin ở lại

Tôi còn nhớ như in cái ngày nhận được cuộc gọi từ Ban Công tác bạn đọc yêu cầu tôi tiếp một bạn đọc. Một bác tóc đã bạc phơ, trên tay xách gói lá thuốc tự làm, nói: “Tôi là bác sĩ về hưu đã 20 năm, năm nay tôi đã hơn 80 tuổi, không có tiền để giúp đỡ cháu Thuận (nhân vật trong bài viết Hành trình đến giảng đường của cô học trò xương thủy tinh) nhưng với kinh nghiệm của mình, từ khi đọc bài báo của con viết tôi rớt hết nước mắt và bắt đầu cắt lá thuốc này, xử lý kỹ để mang đến cho cháu Thuận chữa bệnh. Lá thuốc này quý hơn vàng đó con”.
Nghe cách bác chia sẻ, nhìn những hành động tận tâm của bác khi chỉ cặn kẽ cho tôi về công dụng của lá thuốc để giúp cho em Thuận, tôi thấy hạnh phúc đến nghẹn ngào.
Bác bảo đọc bài báo bác rớt nước mắt, còn tôi mắt cũng nhòe trước hành động cao đẹp của bác.
Ngoài những khoản tiền mặt, hành động dù nhỏ nhưng vô cùng cao đẹp này của bạn đọc đã hỗ trợ về cho Thuận, cô bé xương thủy tinh nhiều năm liền đến trường trên đôi vai của người anh trai, vững niềm tin trên giảng đường đại học.
Se những mối nhân duyên
Năm nay, sau khi thực hiện bài viết về Nguyễn Thị Như Quỳnh, cô học trò mồ côi được người bà hàng xóm nhận nuôi, tôi đã nhận được rất nhiều cuộc gọi từ bạn đọc khắp mọi miền với mong muốn được hỗ trợ để cô học trò mồ côi chạm đến giấc mơ vào giảng đường.
Thời gian đó có một bưu phẩm của bạn đọc Trần Trường Hơn gửi từ Hậu Giang lên tòa soạn báo khiến người viết thấy ấm lòng. Trong bưu phẩm là một chiếc điện thoại cũ (vì trong bài viết tôi có nhắc đến chi tiết cả 2 bà cháu đều không có điện thoại để dùng, liên lạc rất khó khăn) và một phong bì vài trăm ngàn đồng với mong muốn giúp đỡ cho Quỳnh.
Nhận được bưu phẩm, tôi gọi điện cho chú để cảm ơn, và khoe với chú là Quỳnh cũng được nhiều nhà hảo tâm giúp đỡ thì chú vui như chính con cháu của mình được giúp đỡ. Rồi chú không ngừng nói lời cảm ơn tôi, trong khi tôi mới phải là người nói những lời đó với chú.
Có lẽ, chiếc điện thoại dù cũ nhưng gói ghém trong đó là biết bao yêu thương mà chú Hơn gửi gắm đến cô học trò mồ côi Như Quỳnh.
Vài tháng sau khi giao chiếc điện thoại của chú Hơn gửi cho Quỳnh, tôi mới liên lạc lại với cả hai và biết rằng suốt thời gian qua, từ khi Quỳnh có được điện thoại, không ngày nào chú không gọi điện hỏi thăm 2 bà cháu.
Nay chú còn khoe: “Tôi đã để dành hạt sen, ấm đun nước rồi soạn sẵn các vật dụng thiết yếu khác, để cuối tuần tôi chở xe máy lên TP.HCM đưa cho bà cháu Quỳnh dùng. Tiện thể đưa 1 triệu đồng để bà cháu Quỳnh trả nợ hàng xóm mượn lúc đóng tiền học cho Quỳnh”.
Chú Hơn nay đã ngoài 70 tuổi, mỗi sáng chạy xe vào vườn mua trái cây về để vợ ngồi bán ngoài đường cho khách vãng lai. Ngày kiếm được vài chục ngàn nhưng chú bảo mấy nay dịch bệnh suốt nên chẳng bán được bao nhiêu. Thế mà, chú chia sẻ: “Nói thật, từ ngày biết được hoàn cảnh của Quỳnh, làm bao nhiêu cũng không dám xài, cứ dành dụm lại được vài trăm ngàn rồi gửi lên. Có lần 3 trăm, lần 4 trăm hay 5 trăm, được bao nhiêu tôi gửi lên bấy nhiêu. Thương lắm cháu ơi, mình không giúp được gì nhiều, nhưng chia sẻ với hoàn cảnh của Quỳnh được chút nào hay chút nấy”.
Với tất cả những gì chú làm cho Quỳnh, chú bảo rằng như một mối nhân duyên: “Nhờ cháu, nhờ bài viết trên Báo Thanh Niên mới se được mối nhân duyên này, để chú biết được hoàn cảnh của Quỳnh mà đồng hành cùng 2 bà cháu”.
18 năm trước, Quỳnh không còn cha lẫn mẹ và được một người bà hàng xóm nhận nuôi. Lên tuổi 18, Quỳnh lại có thêm một người ông, ông Tư (cái tên thân mật mà Quỳnh gọi chú Hơn bây giờ). Vẫn là không máu mủ ruột rà, nhưng sẵn sàng dành hết tình yêu thương và nuôi dưỡng Quỳnh nên người.

Gieo hạt giống tốt cho đời

Cách đây 2 năm, trong chương trình học bổng Nghị lực mùa thi của Báo Thanh Niên, chú Hồ Ngọc Anh (cựu chiến binh, Chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến Ban Tuyên huấn khu Sài Gòn - Gia Định) là bạn đọc đã khiến nhiều khán giả tham dự chương trình rơi nước mắt khi dành tiền lương hưu của mình trao học bổng 4 năm học phí cho em Vũ Thanh Vy (nhân vật trong bài viết Nghị lực mùa thi: Hãy giúp cô học trò nghèo đi học).
Đến nay, cứ đều đặn đến kỳ đóng học phí là chú Anh lại dành dụm tiền gửi cho Vy. Tại chương trình trao học bổng của 2 năm trước, chú đã gửi gắm: “Tuổi trẻ là khoảng thời gian có nhiều hoài bão, vì thế các cháu cần có được cơ hội để thực hiện hoài bão đó. Nghị lực của các cháu là rất lớn và tôi hy vọng những sự hỗ trợ này dù không nhiều nhưng sẽ là hành trang và động lực để các cháu thành tài, trở thành người có ích và đóng góp cho xã hội”.
Nhận được những hỗ trợ và sự tận tâm của chú Ngọc Anh suốt 2 năm qua, Vy nghẹn ngào bày tỏ: “Em không dám tin là một người ông hoàn toàn xa lạ nhưng lại tận tâm giúp đỡ em suốt thời gian qua nhiều đến như vậy. Từ khi nhận được sự giúp đỡ của ông, em đã tự nhủ lòng sẽ cố gắng thật nhiều, và sau này thành công em sẽ giúp đỡ lại cho những hoàn cảnh khó khăn khác, như em đã nhận được những giúp đỡ từ ông và mọi người”.
Nghe những gì Vy chia sẻ, chứng kiến những gì mà chú Hơn, chú Ngọc Anh hay rất nhiều bạn đọc khác đã đồng hành cùng các nhân vật thông qua những bài viết trên Báo Thanh Niên, tôi thấy vững tin hơn với nghề, thấy được niềm tin rất lớn ở cuộc đời này.
Chú Hơn, chú Ngọc Anh... đã gieo những hạt giống tốt, để rồi sau này, những hạt giống đó sẽ nảy mầm, phát triển thành người có ích cho cuộc đời. Các em thí sinh ấy, những hạt giống mà các chú gieo trồng, sau này sẽ là người đi gieo những hạt mầm tốt cho cuộc đời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.