Lan tỏa sử Việt qua các dự án văn hóa, giải trí

24/06/2020 06:39 GMT+7

Ngày càng nhiều dự án phim, MV, sách ảnh khai thác chuyện hậu cung lẫn triều chính, từ ăn mặc đến binh khí... của các triều đại Việt Nam, tạo nên 'làn sóng' tìm hiểu lịch sử trong giới trẻ .

Khoan bàn đến chất lượng của các sản phẩm văn hóa, giải trí khai thác đề tài lịch sử hoặc mượn câu chuyện lịch sử để làm cảm hứng phát triển, riêng việc bất kỳ ê kíp sản xuất nào dám mạnh dạn bỏ tiền túi đầu tư lẫn dành thời gian, tâm sức tìm hiểu các nhân vật, câu chuyện lịch sử để chuyển tải cho khán giả hôm nay có thể xem, nghe, thưởng thức được, đã là việc làm đáng khích lệ.
Chẳng hạn như MV Không thể cùng nhau suốt kiếp của ca sĩ Hòa Minzy, với nội dung tái hiện mối tình giữa Nam Phương hoàng hậu và vị vua cuối cùng triều đại phong kiến Việt Nam - Bảo Đại (cố vấn lịch sử: Phan Thanh Nam), chỉ gần 1 ngày ra mắt đã vào top 1 thịnh hành của YouTube tại Việt Nam với hơn 12 triệu lượt xem, đồng thời lọt vào top thịnh hành của một số nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Úc... Đến nay, sau hơn 1 tháng, MV đã có hơn 27,8 triệu lượt xem, với hàng chục ngàn bình luận của khán giả. Có thể thấy câu chuyện về hoàng hậu Nam Phương từ khi trở thành chính cung của vua Bảo Đại đến lúc ông thoái vị tiếp tục được lan tỏa cùng MV ca nhạc của Hòa Minzy - ca sĩ có lượng fan không hề nhỏ.

Sôi động các dự án khai thác sử Việt

Cùng MV Hòa Minzy, 2 dự án về trang phục cổ xưa của người Việt vừa hoàn thành và đang được chia sẻ trên mạng xã hội bởi hình ảnh bắt mắt cùng thông tin dễ nắm bắt là sách ảnh Dệt nên triều đại (của nhóm Vietnam Centre) và Lam Dũ (thuộc dự án Việt sử kiêu hùng của nhóm Đuốc Mồi). Theo Phạm Vĩnh Lộc - biên kịch của Đuốc Mồi, bên cạnh việc cùng nhóm Đuốc Mồi tiếp tục thực hiện series Lam Mộc Kỷ (sách ảnh nghệ thuật và phim dã sử tái hiện toàn bộ quá trình khởi nghĩa Lam Sơn - thuộc dự án Việt sử kiêu hùng), anh đang tham gia các dự án khác: Hùng ca sử Việt của Đạt Phi Media (đối tác chính của Disney tại Việt Nam), Tứ Bất Tử truyền kỳ của Minh Vy Home, Podcast của Sử Talk (chương trình nghe sử miễn phí trên kênh Sử Talk, nền tảng ứng dụng Voiz FM). Ngoài ra còn có dự án phim điện ảnh về Hai Bà Trưng đã được khởi động, dự án phim truyền hình về Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng đang chuẩn bị, dự án phim về nguyên phi Ỷ Lan vừa được nhà sản xuất công bố...
Lan tỏa sử Việt qua các dự án văn hóa, giải trí1

Hình ảnh phác thảo cho dự án phim về nguyên phi Ỷ Lan

ẢNH: PHAN THANH NAM

“Sự thay đổi về lượng sẽ dẫn đến thay đổi về chất. Càng nhiều nhóm độc lập tham gia vào mảng lịch sử sẽ tạo nên hiệu ứng xã hội, thu hút sự quan tâm của công chúng, các nhà đầu tư và thậm chí Chính phủ”, Phạm Vĩnh Lộc nói. Với anh, khi khai thác lịch sử trong bất kỳ sản phẩm nào thì “không được sợ sai, bởi vì chỉ có đừng làm mới không sai mà thôi”. Lộc cho rằng: “Với một nền cổ trang gần như chập chững bước đi từ con số 0, đòi hỏi sự hoàn mỹ lập tức là không thể. Trong quá trình đó, mỗi người sẽ góp một chút công sức, những sai sót sẽ dần được cải thiện nhờ góp ý của khán, thính giả và những người có chuyên môn”.

Xu hướng tất yếu ?

Trong dịp chia sẻ về việc chọn lịch sử, văn hóa của dân tộc để khai thác trong những sản phẩm văn hóa, giải trí thời gian gần đây, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh từng nói đó không hẳn là hiện tượng hay phong trào, mà là quy luật tất yếu của thị trường, vì khi người làm nghề không còn gì để bắt chước, khi hết hào hứng với việc làm lại, ắt sẽ quay về với văn hóa bản địa.
Ở góc độ của người nghiên cứu lịch sử độc lập, Tôn Thất Minh Khôi - thành viên sáng lập trang chuyên về chuyện hậu phi và nội cung sử Việt Thiên Nam Lịch đại Hậu phi, cho biết: “Xu hướng này có thể xem như một sự tất yếu, đã có tiền đề từ nhiều năm trước. Đến nay, đa số các dự án mang yếu tố văn hóa, lịch sử đều thể hiện rõ sự tìm tòi của những người thực hiện về vốn xưa để có thể diễn đạt bằng ngôn ngữ và nhãn quan nghệ thuật hiện đại. Có những sản phẩm đi theo hướng thuần cổ, cố gắng phục dựng gần đúng nhất trong khả năng cho phép. Có những dự án lại chọn hướng lấy vốn xưa làm nền tảng, nguồn cảm hứng để phát triển. Cả hai đều rất đáng hoan nghênh”. Song, theo Minh Khôi, ở hướng đi thứ hai, cần phải có sự nghiên cứu rõ ràng và có nền tảng kiến thức nhất định để tránh gây ngộ nhận cho người xem, nhất là giới trẻ.
Ngày càng nhiều cá nhân, nhà sản xuất... thực hiện các dự án về lịch sử đã tạo điều kiện cho những cá nhân có chuyên môn lịch sử “có đất dụng võ”. Ví như với dự án về nguyên phi Ỷ Lan, nhà sản xuất YA Film cho biết đã kết nối với Dũng Phan (tác giả cuốn sách sử bán chạy Sử Việt - 12 khúc tráng ca), nhóm Đuốc Mồi... để mời tham gia hỗ trợ đóng góp cho nội dung phim. Theo Phạm Vĩnh Lộc: “Tôi hy vọng Chính phủ hoặc các tổ chức khác có thể hỗ trợ nhiều hơn, chẳng hạn lập nên một quỹ dành cho việc chấn hưng văn hóa lịch sử cho những nhóm độc lập như chúng tôi. Một nguồn tài chính ổn định có thể giúp dự án duy trì được nhiều năm, từ đó đem đến những sản phẩm miễn phí cho cộng đồng để nhanh chóng lan tỏa các giá trị đáng tự hào của Việt Nam”.

Đồ miền Tây bằng đất sét nhìn như thật

Ký ức miền Tây qua mô hình của họa sĩ Lê Xuân Giang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.