Lan tỏa tình yêu hát xoan

13/10/2019 08:41 GMT+7

Nhằm giữ gìn và phát huy giá trị của hát xoan, một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, Hội LHTN tỉnh Phú Thọ đã thành lập hàng trăm CLB hát xoan, giúp hầu hết thanh thiếu nhi trong tỉnh đều biết hát xoan.

Đến Phú Thọ, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp những em thiếu nhi cũng hát hay và múa dẻo điệu xoan truyền thống.
Trong bộ quần áo truyền thống với khăn mỏ quạ, các “cô đào xoan” nhí đã trình diễn thuần thục tất cả điệu xoan của người Việt cổ (hát nghi lễ, bỏ bộ, mò cá) và múa nhịp nhàng các động tác minh họa về người nông dân trồng lúa nước. Khi được hỏi vì sao còn bé mà đã biết hát xoan, “đào xoan” Nguyễn Nhật Chinh (11 tuổi, ở xã Kim Đức) cho biết bé biết hát xoan từ năm lớp 1 do được dạy ở trường và cả ở nhà. “Con rất thích hát xoan và vui sướng vì được là người hát xoan”, Nhật Chinh bày tỏ.
Anh Nguyễn Công Thắng, Bí thư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN xã Kim Đức, cho biết Hội đã có chương trình phối hợp các trường học bồi dưỡng cho các em từ tiểu học. “Hội tổ chức mời các nghệ nhân đến trường dạy cho các em. Đến năm 14 tuổi thì thu hút các em vào tham gia CLB hát xoan do Hội thành lập để các em được đi biểu diễn, được trải nghiệm để thắp lên tình yêu với loại hình nghệ thuật truyền thống này. Cứ thứ bảy, chủ nhật hằng tuần CLB lại tổ chức dạy hát xoan cho các em”, anh Thắng nói. Anh Thắng cũng cho biết, CLB hát xoan của xã được rất đông thanh thiếu niên tham gia. Từ CLB này, nhiều em đã trưởng thành, đi theo các phường xoan để biểu diễn theo hợp đồng ở nhiều sự kiện quan trọng của cả nước.
Ở Phú Thọ hiện có tới 277 CLB hát xoan, thu hút khoảng 6.000 - 8.000 thanh thiếu niên tham gia. Chia sẻ về thành công này, chị Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch Hội LHTN tỉnh Phú Thọ, cho biết hát xoan là loại hình nghệ thuật đặc sắc của vùng đất Tổ, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa cổ gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, nhưng trước đây không có nhiều thanh thiếu niên biết biểu diễn loại hình nghệ thuật này. Năm 2011, hát xoan đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
“Thực hiện chủ trương của tỉnh về việc đào tạo nghệ nhân kế cận, nhằm gìn giữ và phát huy nét văn hóa truyền thống này, trong nhiệm kỳ vừa qua Hội LHTN tỉnh  đã đặt ra mục tiêu phấn đấu mỗi cơ sở Hội thành lập được 1 CLB hát xoan, để tập hợp và dạy hát xoan cho những thanh thiếu niên trong toàn tỉnh. Kết quả có 277/277 cơ sở Hội ở các phường, xã, thị trấn trong tỉnh đã thành lập được CLB hát xoan”, chị Tâm cho hay. Chị cũng cho biết, sau khi thành lập, các CLB này đã được các thanh thiếu niên trong tỉnh hào hứng tham gia, từ đó đã góp phần gìn giữ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của vùng đất Tổ.
“Công tác giáo dục truyền thống được các cấp bộ Hội triển khai sâu rộng trên cơ sở bám sát các sự kiện lịch sử, chính trị văn hóa nhân dịp ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn của Đoàn, Hội, quê hương, đất nước như hành trình “Theo bước chân những người anh hùng”, đợt sinh hoạt chính trị “Tuổi trẻ đất Tổ tự hào tiến bước dưới cờ Đảng”… Nổi bật là các hoạt động giáo dục truyền thống về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vùng đất Tổ như: tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, hát xoan Phú Thọ và các trò chơi dân gian được triển khai có tính lan tỏa thu hút hàng trăm nghìn lượt hội viên, thanh niên tham gia”, chị Tâm cho hay.
Trong nhiệm kỳ 2014 - 2019, Hội LHTN tỉnh Phú Thọ còn làm tốt phong trào thanh niên tình nguyện, cổ vũ thanh niên dấn thân vì cộng đồng, tạo nên hình ảnh đẹp về thế hệ thanh niên ngày nay chung sức, đồng lòng tình nguyện trên mọi lĩnh vực cuộc sống. Toàn nhiệm kỳ đã tổ chức được 1.395 hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho thanh niên nông thôn; xây dựng được 1.413 công trình, phần việc…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.