Làng bán muối rong

05/07/2013 03:20 GMT+7

Ở vùng đất này, hàng chục năm nay, những chiếc xe đạp cà khổ và những phận người cứ bám riết lấy nhau bằng cái nghề nhọc nhằn: bán muối rong.

Làng bán muối rong

Muối rong lên đường - Ảnh: Khánh Hoan

Những chiếc xe đạp lẫn xe máy chất nặng những bao tải muối bắt đầu rời làng từ lúc trời vừa tảng sáng. Từ vùng đất muối của ba xã Diễn Vạn, Diễn Kim và Diễn Bích, huyện Diễn Châu, mỗi ngày hàng chục chiếc xe lên đường tỏa đi khắp các huyện của tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh để rao bán muối, bất kể mùa hè nắng cháy hay tiết đông giá rét.

Điểm hẹn không tên

Sau hơn 2 giờ đồng hồ oằn mình trên quốc lộ 1A, khi mồ hôi đã đẫm ướt lưng áo, những phụ nữ với những chiếc xe đạp nặng trĩu muối cũng tới được điểm hẹn. Đó là một cái quán ăn không tên, không bảng hiệu, được dựng nên bởi những mảng vật liệu vá víu lại, nằm khuất sâu dưới chân quốc lộ 1A, cạnh kênh Nhà Lê thuộc xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc. Chủ quán là một phụ nữ đã hơn bốn mươi tuổi, tên Lý. Chị Lý nói quán đã có từ hơn hai chục năm trước, ban đầu chỉ bán nước giải khát với kẹo lạc, năm chín lăm thì chuyển sang bán cơm, bún, phở. Quán bình dân đến mức không thể bán rẻ hơn được nữa nếu không muốn phục vụ không công. Từ khi quán ăn này ra đời, nó lập tức thành điểm dừng chân của những người rao bán muối. Và sau hơn hai chục năm, nay nó vẫn là quán ăn duy nhất hầu như chỉ dành riêng cho những người hành nghề muối rong này. Chị Lý bảo, thấy quán đã quá xập xệ, mấy lần chị định bụng sẽ vay mượn sửa sang cho đàng hoàng, nhưng nghĩ lại mình chỉ phục vụ những người cùng khổ với giá bèo bọt, lời lãi không bao nhiêu nên lại thôi. Thế mà những người bán muối rong này cũng chẳng chê.

Bữa sáng, quán ăn này phục vụ cơm chứ không phải bún, cháo, phở như những hàng quán khác trên con lộ 1A. Với những người rao bán muối, bữa ăn chính là buổi sáng, ăn để có sức khỏe mà đạp xe vì chưa thể biết hôm nay sẽ phải đi bao nhiêu cây số, rao bao nhiêu lần để bán hết muối. Trưa, họ chỉ uống nước cầm hơi để buổi chiều, khi bán hết muối trở về, lại ghé quán ăn bữa phụ là gói mì hoặc tô bún lấy sức vượt thêm hai chục cây số nữa để về nhà. 

8 giờ sáng. Trời đã nắng như đổ lửa. Mặt đường nhựa đã bắt đầu phả hơi nóng vào mặt người. Sau bữa ăn vội, những thực khách lần lượt rời quán. Hơn chục chiếc xe máy chở đầy muối nổ máy phóng đi, “đội quân xe đạp” cũng lọc cọc lên đường. Đã thành lệ, sau khi rời quán, họ tiếp tục đi, sau đó mỗi người sẽ rẽ một hướng để rao bán. Chiều, “đội quân xe đạp” ai bán trước về trước, nhưng về đến quán ăn này, đều ở lại để đợi người sau cùng về.

Ai muối...      

 

Cứ đi, cứ rao, ai mua thì bán, ai mang thóc ra đổi cũng ừ. Ế thì gửi lại nhà ai đó, rồi mai lại vào đi rao bán tiếp

Chị Nguyễn Thị Hiển (ở xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu, Nghệ An)

“Ai muối không...”. Chiếc xe đạp bì bật trên con đường làng nhấp nhổm đá. Vừa đạp, chị Nguyễn Thị Hiển vừa rao, tiếng rao héo khô trong cái nắng và gió Lào rát bỏng. Đã đi qua nhiều xóm rồi, nhưng tiếng rao của chị chưa có ai đáp lại. “Không khéo bữa ni lại ế”, chị Hiển thở dài.

Đã xế trưa, hai bao tải muối lúc sáng vẫn còn bao rưỡi. Chị Hiển vẫn mải miết đạp, mải miết rao, với hy vọng người ta đi làm đã về nhà và biết đâu có ai đó đang cần mua muối. 

40 tuổi, 21 năm hành nghề bán muối rong, khuôn mặt rám nắng, chị Hiển (ở xã Diễn Bích) trông già hơn tuổi, khá nhỏ con, nhưng thân hình khỏe mạnh, rắn rỏi. Có lẽ hơn một tạ muối trên chiếc xe đạp cà khổ rong ruổi hàng chục cây số mỗi ngày đã giúp cho cơ bắp của chị rắn hơn bất cứ sự luyện tập thể thao nào. Chị Hiển bảo, trong “đội quân xe đạp”, chị vẫn thuộc hạng trẻ, vì nhiều phụ nữ đã ngót 60 vẫn còn phải oằn mình trên xe đạp mỗi ngày như bà Tùng ở Diễn Bích, bà Châu ở Diễn Kim...

“Lớn lên, không có nghề gì thì cũng phải nối nghiệp cha mẹ đi bán muối. Chẳng ai muốn níu lấy nghề ni, nhưng bỏ nghề thì đói. Cứ đi, cứ rao, ai mua thì bán, ai mang thóc ra đổi cũng ừ. Ế thì gửi lại nhà ai đó, rồi mai lại vào đi rao bán tiếp”, chị Hiển nói.

Sống ở đất muối, nhưng vợ chồng chị Hiển không có tấc đất nào để làm muối. Chồng chị cũng đi bán muối rong một thời gian rồi không trụ được phải bỏ nghề, đi làm thuê. Mỗi tạ muối chị Hiển mua tại đồng giá 150.000 đồng, chở hàng chục cây số, rao khản cả giọng, bán được 300.000 đồng.

“Ngay cả những người có đất làm muối, họ cũng phải “cõng” muối đi rao bán vì giá bán ở ruộng thấp lắm”, anh Trần Văn Trung, ở xã Diễn Kim nói. Năm nay đầu mùa, thương lái thu mua muối giá 200.000 một tạ, nhưng bữa sau, giá chỉ còn 170.000 và đến cuối tháng 6, giá muối chỉ còn 145.000 mỗi tạ. “Một gia đình như nhà tui 4 người làm, mỗi ngày cũng chỉ hơn tạ muối, bán tại ruộng được 150.000 đồng, thử hỏi sống sao được. Nghề muối chỉ đắp đổi qua ngày, nhưng chỉ làm được 4 tháng nắng, 8 tháng còn lại ruộng bỏ hoang, phải treo niêu. Vì thế chúng tôi mới phải “cày” như thế này, nhưng mỗi chuyến muối cũng chỉ để sống qua ngày thôi”, anh Trung thở dài.  

Bây giờ muối i ốt bán đầy rẫy, nhiều gia đình chuyển sang sử dụng bột canh để nấu ăn, những hạt muối tinh cũng được các doanh nghiệp thu mua muối đóng gói, bán sẵn ở khắp các quán hàng tạp hóa. Thế nên, nghề rao muối càng trở nên khó khăn hơn, tiếng rao “ai muối...” cũng trở nên lạc lõng, ít được chú ý hơn. Và những người rao muối chỉ hy vọng ở những gia đình chăn nuôi mua để làm gia vị cho gia súc mà thôi.

Tàn phế vì nghề

 

Ông Hoàng Minh Long, Chủ tịch UBND xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu, cho biết nghề bán muối rong ở vùng này đã có từ lâu đời. Ở Diễn Vạn có 3 xóm với chừng 500 hộ dân chỉ có mỗi một nghề làm muối. Sống bằng nghề muối, nhưng nay muối vẫn không nuôi được họ vì giá còn quá rẻ và mỗi năm chỉ làm được 4 tháng. Vì thế người dân phải chở muối đi khắp nơi để rao bán kiếm sống. Hiện, Diễn Vạn vẫn đang là xã “đội sổ” về số hộ nghèo của huyện với hơn 30% hộ nghèo.  

Ở làng muối Vạn Nam, xã Diễn Vạn, ai cũng biết rõ hoàn cảnh của ông Trần Thắng. Năm năm trước, ông Thắng đèo hai bao tải muối vượt gần sáu chục cây số lên tận huyện Tân Kỳ để rao bán. Khi lên Truông Dong thì trời đã xế trưa, nắng như đổ lửa. Một mình ông Thắng oằn lưng đẩy xe muối lên gần đến đỉnh dốc thì kiệt sức, đứt hơi, ngã vật xuống. Người dân địa phương đưa ông vào bệnh viện, may cấp cứu kịp nên ông thoát chết nhưng cũng từ đó ông phải từ giã nghề vì bị liệt cả đôi chân.

Làng muối này cũng đã phải chứng kiến nỗi đau của chị Đặng Thị Lý. Mười bốn tuổi, chị Lý đã đi rao bán muối. Năm lên 19, trong một lần chở gần hai bao tải muối đi bán, chị bị ngã xe. Vụ tai nạn đã cướp đi đôi chân của chị, biến chị từ một cô gái mặn mòi thành một người tật nguyền, độc thân sống cô quạnh.

Chị Bùi Thị Thiếp, xã Diễn Kim, kể tai nạn khi đi bán muối thì nhiều lắm, nhớ không hết. Mới đây, bà Đậu Thị Thu ở xã Diễn Bích đã tử nạn khi đang chở muối đi rao bán vì bị ô tô mất lái cán phải. Sau đó không lâu, bà Dự ở Diễn Kim cũng không còn trở về sau một bữa chở muối đi rao bán gặp chiếc ô tô chạy lấn đường...

Khánh Hoan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.