Bánh in hay còn gọi bánh cộ, bánh ngũ sắc là loại bánh truyền thống được người Huế dùng thờ cúng, đãi khách trong những ngày Tết Nguyên đán.
Nếu ai đã có dịp ghé thăm nhà của người Huế vào dịp Tết sẽ thấy trên bàn thờ của nhiều gia đình đều có thứ bánh truyền thống này, đặc biệt là những nhà có thờ Phật, ông Địa.
Bánh in có nhiều chủng loại như bánh bột nếp, bột huỳnh tinh, bột đậu xanh, bột đậu quyên, bột đậu ván, bánh hạt sen trần... Nhưng loại bánh xưa nhất và phổ biến nhất là bánh in đậu xanh có in hình chữ Thọ.
|
Bột làm bánh in là bột nếp xay mịn, pha bột nếp với bột đậu xanh bóc vỏ hoặc chỉ dùng bột đậu xanh. Số lượng đường và bột ngang nhau thì bánh mới ngọt.
Công thức làm các loại bánh in cơ bản giống nhau nhưng tùy theo mỗi loại sẽ có những cách thức, khuôn in riêng biệt. Loại bánh in chữ Thọ được làm khá đơn giản nhưng cũng lắm công đoạn như: đãi đậu - nấu đậu - đánh đậu - giã đậu - in bánh - sấy bánh - gói bánh bằng giấy bóng ngũ sắc.
Bánh in đậu xanh phải sấy khô 12 tiếng bằng than củi thì mới giòn tan, để được lâu mà không bị mốc, không bị cứng; bánh bột nếp thì phải in thật nhẹ tay nếu không thì bánh sẽ cứng; bánh bó thì phải lăn trước một đêm khi cắt lát bánh mới láng mặt, và có mùi thơm quyến rũ.
Tương truyền, bánh in có nguồn gốc từ làng Kim Long, một thời dùng để tiến Vua uống trà. Hiện nay, phường Kim Long có hơn 30 hộ làm bánh in. Vào cuối năm, dân làng lại tất bật làm bánh, hương thơm lan tỏa cả vùng.
Cùng xem những công đoạn làm bánh in cổ truyền của xứ Huế:
Tuyết Khoa (thực hiện)
Bình luận (0)