Làng báo chí ngày ấy, bây giờ...

26/10/2019 11:18 GMT+7

Trong bài viết hồi ức văn nghệ tựa đề: Nguyễn Tất Nhiên, những ngày tháng cũ , cố thi sĩ Du Tử Lê nhắc: “... kể từ khi tôi dọn nhà về Làng báo chí, phía bên kia cầu xa lộ Sài Gòn, đó là vào khoảng năm 1973”.

Giống như ông, nhiều nhà báo thời trước 1975 cư ngụ ở đây, bây giờ tên làng vẫn còn, thuộc P.Thảo Điền, Q.2, TP.HCM.

Nằm nghe tiếng sông đêm

Cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, tôi và khoảng gần 10 đồng nghiệp công tác ở nhiều tờ báo tại TP.HCM có một thời gian cư ngụ ở Làng báo chí. Đó là khu vực có những ngôi nhà nhỏ, thấp nằm dọc theo 5 con đường cũng nhỏ, bề ngang chỉ vừa lọt một chiếc xe hơi, được đánh số theo thứ tự: đường số 1, đường số 2...
Tôi và một anh bạn đồng nghiệp cùng cơ quan ở trọ tại ngôi nhà của một dì lớn tuổi rất phúc hậu nằm ở đường 5, là con đường cuối phía sau, giáp với con kênh dẫn ra sông Sài Gòn lộng gió.
Quanh khu vực này, trừ đi 3 con đường phía trước có giá ở trọ khá cao, chúng tôi hầu như chọn ở các ngôi nhà có phòng trọ trên 2 con đường 4 và 5. Anh em đồng nghiệp ở các tờ báo sáng ra í ới cà phê, rồi tản mát mỗi người một ngả đi lấy tin, viết bài. Chiều tối, lại tụ tập rượu trà tán gẫu đủ thứ chuyện trên trời dưới đất.
Nếp sống cứ như thế suốt gần 2 năm khi mới “nhập môn” làng báo Sài Gòn. Chính vì vậy, cái địa danh Làng báo chí đã hằn sâu trong tâm thức tôi suốt mấy chục năm qua.

Đường Nguyễn Văn Hưởng, con đường đẹp ở Thảo Điền

Ảnh: Thanh Bình

Ban đầu, làng có khoảng 300 căn nhà thấp, mỗi căn có diện tích khuôn viên 110 m2, hầu hết được lợp bằng tôn fibro xi măng hoặc tôn thiếc, tường gạch, được xây dựng từ năm 1972 - 1973, do Nghiệp đoàn Ký giả Việt Nam (của chế độ cũ) chủ trương sáng lập.
Theo như một bài viết của vị chủ tịch nghiệp đoàn giai đoạn 1969 - 1975, mỗi căn được bán với giá 300.000 đồng (tiền của chế độ VNCH) vào thời điểm ấy. Mỗi ký giả có tên trong danh sách mua nhà được trả góp trong vòng 12 năm. Nhà văn Hoàng Hải Thủy, một cây bút nổi tiếng với thể loại truyện trinh thám phóng tác trước năm 1975, từng viết: “Trên thế giới không có quốc gia nào có cái làng riêng của những người làm báo”.
Những con đường nhỏ, những căn nhà đơn sơ nhưng hầu như trên chiếc cổng sắt hoặc sân trước của mỗi căn nhà nơi đây đều có giàn hoa. Khung cảnh lúc tôi dọn về ở khá tĩnh mịch, yên ắng. Theo đà chuyển động của thị trường nhà đất lúc ấy, nên dọc theo con đường lớn Nguyễn Văn Hưởng đã bắt đầu rầm rộ một vài công trình xây dựng cao tầng ráo riết thi công, nhưng khi lọt vào làng là có một không khí khác. Cảnh vắng vẻ, nhẹ nhàng với tiếng nhạc vọng ra từ các căn nhà nhỏ có vẻ rất biệt lập với cảnh ồn ào phố xá ngoài kia. Đêm, nằm trên chiếc võng được mắc dưới gốc hai cây dừa hơi nhoi ra phía kênh, gió sông thổi vô lồng lộng và tiếng ễnh ương hòa điệu, như thể nơi đây là một vùng quê miền Tây sông nước!

Chuyển mình thành chốn xa hoa!

Làng báo chí thuộc khu phố 3, P.Thảo Điền, Q.2, TP.HCM, hình thành từ năm 1973. Khoảng những năm 1980 - 1990, nhiều căn nhà ở làng được trưng dụng làm ký túc xá của Trường cao đẳng Văn hóa TP.HCM (nay là Trường đại học Văn hóa TP.HCM). Hiện làng có khoảng 200 gia đình sinh sống, phần lớn là người từ các địa phương khác mới chuyển đến. Nhiều sinh viên Trường đại học Văn hóa từng sống tại các ký túc xá ở làng đã trở thành những cây bút khá nổi tiếng ở các báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Tiền Phong, Lao Động, Người Lao Động, Phụ nữ Việt Nam...
Kể từ sau khi rời khỏi chốn này bởi bà chủ bán nhà đi định cư ở nước ngoài, thỉnh thoảng tôi lại có dịp ghé qua Làng báo chí mỗi khi đi lấy tư liệu viết bài. Sự khác biệt, chuyển mình thấy rõ theo thời gian. Mỗi căn nhà vào lúc ấy được bán khoảng từ 500 - 700 triệu đồng, tùy vị trí. Theo từng năm, khi thị trường trải qua những đợt sốt đất, nhà cửa nơi này đã vọt lên “ngôi đầu bảng” của TP.HCM.
Nếu trước đây, khu vực Phú Mỹ Hưng ở phía nam thành phố là nơi giá cả đất đai đắt đỏ nhất, thì sau đó phải “nhường quyền” cho khu vực Thảo Điền, một phường rộng hơn 3,7 km2, đã được mệnh danh là “Quận 1 mới của Sài Gòn”, hay là “Trái tim của toàn khu Đông”. Điều đó được minh chứng qua những cuộc trò chuyện với mấy người làm nghề môi giới bất động sản ở Thảo Điền trong một ngày cuối tháng 10 khi tôi trở lại nơi này.
Một người quen cũ tên Trung, biết nhau nhiều năm trước, từng ngồi quán cóc rượu đế với chúng tôi, nay vẫn trung thành với nghề môi giới và là “dân của làng” cho biết: “Hầu như các dự án ở Thảo Điền được khởi động sau năm 2000 và đều dọc theo trục đường Nguyễn Văn Hưởng. Nếu như qua cầu Sài Gòn quẹo tay phải, các dự án dọc trục đường Trần Não ven sông là “hàng hiếm” thì phía bên này, qua cầu quẹo tay trái, sự có mặt của các dự án đã đẩy giá đất lên trong 2 thập niên qua, nhưng mạnh nhất là khoảng từ năm 2010 đến nay”.
Nhiều cư dân ngày trước của Làng báo chí đã phải ra đi, nhường chỗ đất đẹp riverside (ven sông) cho các đại gia xây nhà để ở hoặc cho người nước ngoài thuê, vì vậy khi tôi trở lại, vài người quen vốn cư ngụ ở đây bây giờ không còn tìm thấy nữa.
Vào khoảng cuối năm 2003, khi tìm hiểu về sự mâu thuẫn của chỉ giới sông rạch trên thực tế và trong quy định của TP.HCM, tôi đã thông tin trong nhiều bài viết rằng, quy định chỉ giới bờ sông Sài Gòn từ 15 - 20 m (theo Văn bản số 3172/UB-QLĐT do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Vũ Hùng Việt ký ngày 14.9.1996) quả thực rất không phù hợp. Một con sông rộng và đẹp như sông Sài Gòn, khoảng lùi tính từ mép bờ sông ít nhất phải 50 m, bởi lẽ với diện tích đất như vậy mới có thể làm đường, dành cho dải cây xanh phân cách ven sông. Người thụ hưởng những hạ tầng này phải là cộng đồng, đồng thời những con đường bờ sông sẽ tôn vinh vẻ đẹp thành phố.
Đáng tiếc, sau hơn 7 năm triển khai văn bản nói trên, tính từ năm 1996 đến năm 2003 (là năm mà thành phố bắt buộc chỉ giới là 50 m), có rất nhiều chủ dự án đã kịp “xí phần” quỹ đất ven sông, mà những khu đất ở xung quanh Làng báo chí cũng không ngoại lệ!
Ở thời điểm hiện tại, theo anh Trung, lân cận làng hoặc ngay chính trong làng, nhiều người đã mua gom 2 - 3 căn nhà từ lâu rồi xây lên những ngôi biệt thự bề thế với diện tích khuôn viên hơn 300 m2, có giá lên đến 40 - 50 tỉ đồng/căn, thậm chí có căn được rao 60 tỉ đồng. Một thông báo mà tôi đọc được ở một văn phòng môi giới nhà đất tại khu vực này ghi như sau: “Nhà ở đường số 2 Làng báo chí, diện tích 110 m2, 1 trệt 2 lầu, sân thượng, sổ hồng, giá 12,5 tỉ đồng”. Cùng với diện tích ấy, nhưng với một căn góc có 2 mặt tiền, vị trí đắc địa đã được đẩy lên 15 tỉ đồng. Hoặc với nhà cho thuê, mức giá thuê tỷ lệ thuận với tiền lương của các chuyên gia nước ngoài thường thích sống ở nơi đây, như sau: “Với mỗi khu đất diện tích 110 m2, có thể xây được 7 căn phòng dịch vụ, tiện ích khép kín với tổng mức thu nhập từ cho thuê từ 120 - 150 triệu đồng/tháng”. Bên dưới thông báo, họ không quên ghi thêm một câu: “Đặc biệt Làng báo chí là khu vực khai thác cho thuê căn hộ dịch vụ cực kỳ tốt của Thảo Điền cũng như ở TP.HCM”!
Với những người môi giới, mỗi khi hỏi đến đều nhận được câu nói như thuộc làu từ cửa miệng: “Khu vực này có bờ kè bao quanh, rất phù hợp cho việc câu cá giải trí và đi bộ tập thể dục trên bờ kè sông Sài Gòn. Với giá đó là anh cứ việc... an tâm hưởng thụ”!
Nghe vậy, tôi lại chợt nhớ bao đêm về nghe sóng sông Sài Gòn vỗ ì oạp trong những năm ở trọ, giữa giấc mơ đôi khi giật mình vì vẳng lên ồn ào tiếng của bọn ễnh ương hòa tấu, quyện với tiếng còi tàu kéo sà lan xuôi về đâu đó, sau một ngày nhọc mệt lặn lội với những tin, bài!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.