Làng biển Đề Gi chuyển mình

17/06/2023 08:09 GMT+7

Làng biển Đề Gi (gồm 2 thôn An Quang Đông và An Quang Tây, xã Cát Khánh, H.Phù Cát, Bình Định) đang từng bước chuyển mình, hướng phát triển thành trung tâm đô thị du lịch, dịch vụ kinh tế biển.

Làng mắm trăm tuổi

Đầu năm nay, tỉnh Bình Định đưa vào sử dụng tuyến đường ven biển dài hơn 100 km nối liền từ TP.Quy Nhơn đi TX.Hoài Nhơn. Con đường này đi qua các làng chài ven biển và những thắng cảnh hoang sơ, bãi biển tuyệt đẹp… khiến nhiều người yêu thích. Trong đó, làng biển Đề Gi là điểm dừng gây không ít "thương nhớ" cho du khách.

Làng biển Đề Gi chuyển mình - Ảnh 1.

Cầu vượt biển Đề Gi

Dũng Nhân

Nhiều vị cao niên ở làng chài Đề Gi kể, khoảng vài trăm năm trước, có vị đại thần của nhà Lê vì đắc tội chúa Trịnh phải bỏ trốn vào nam rồi lập nên làng biển Đề Gi. Đầm nước mặn Đề Gi nằm sát bên cạnh là nơi người dân trong làng kiếm kế sinh nhai bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản suốt mấy trăm năm qua. Nghề làm muối, làm nước mắm… cũng hình thành trong quá trình lập làng.

Làng biển Đề Gi chuyển mình - Ảnh 2.

Ông Đỗ Thanh Trúc nói về nghề làm nước mắm thủ công ở Đề Gi

Hoàng Trọng

Bây giờ, nhiều gia đình ở sát bờ đầm Đề Gi vẫn giữ nghề làm nước mắm thủ công, được trao truyền qua 3, 4 thế hệ. Ông Đỗ Thanh Trúc (67 tuổi, ở thôn An Quang Tây) cho biết gia đình có truyền thống làm mắm từ nhiều thế hệ và bí quyết để giữ bạn hàng là mắm phải sạch, đảm bảo chất lượng. Cá nguyên liệu làm mắm phải là cá tươi, rửa sạch, để ráo nước. Tùy theo kích thước con cá cơm mà muối theo tỷ lệ ba cá - một muối, hoặc ba cá rưỡi - một muối. Khi muối mắm phải trộn đều cá và muối, sau đó cho vào chum, vại, rồi bịt kín, ủ trên 6 tháng đến một năm. Mỗi tháng gia đình ông Trúc bán khoảng 500 - 700 lít nước mắm.

Làng biển Đề Gi chuyển mình - Ảnh 3.

Khu nuôi trồng thủy sản dưới chân cầu vượt biển Đề Gi

Hoàng Trọng

Theo ông Nguyễn Hữu Dự, Trưởng thôn An Quang Tây, thôn có khoảng 650 hộ, trong đó có hơn 200 hộ làm nước mắm truyền thống, các hộ còn lại chủ yếu làm nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên biển và đầm Đề Gi. Cũng là nước mắm cá cơm nhưng mắm Đề Gi luôn có mùi nồng nàn hơn mắm ở làng khác một chút. Có thể là do muối Đề Gi mặn hơn, cá cơm đánh bắt ở Đề Gi tươi hơn và được chuyển đến tay người làm mắm trong thời gian rất ngắn.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó chủ tịch UBND xã Cát Khánh, cho biết làng nghề nước mắm truyền thống Đề Gi được UBND tỉnh Bình Định công nhận vào năm 2016. Năm 2017, làng nghề được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) trao chứng nhận nhãn hiệu, thương hiệu nước mắm Đề Gi. Hiện làng nghề này có khoảng 312 hộ tại 2 thôn An Quang Đông và An Quang Tây làm nước mắm bằng phương pháp thủ công. Bình quân mỗi năm làng nghề nước mắm Đề Gi bán được khoảng 100.000 lít nước mắm ra thị trường.

Phát triển ðô thị du lịch, dịch vụ kinh tế biển

Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, khu vực đầm Đề Gi có nhiều tiềm năng du lịch chưa được khai thác. Đề Gi vốn nổi tiếng về các loại đặc sản, như: cá chua, cá bống mú, cá hồng, sò huyết, lịch huyết, ghẹ… Đặc biệt, món gỏi cá mai ở Đề Gi rất ngon. Mấy mươi năm trước, trong sách Nước non Bình Ðịnh, nhà thơ Quách Tấn có nhận xét rằng đầm Đề Gi có rất nhiều cá, nhiều hơn các đầm khác. Cá cũng ngon hơn tất cả các đầm, và ngon nhất là cá làm gỏi.

Giữa đầm Đề Gi có Vũng Bồi được ví như một ốc đảo nhỏ, là nơi nhiều người đến để trải nghiệm cuộc sống nơi hoang đảo với các hoạt động như: câu cá, tắm biển, lặn san hô, cắm trại rồi đốt lửa trại xuyên đêm, chèo sup… Sáng sớm có thể ngắm bình minh tại Hòn Lang nằm ngay giữa cửa biển Đề Gi, tham quan cảng cá Đề Gi, đi dạo làng biển, thăm Miếu cổ Thành Hoàng, lăng ông Nam Hải, thăm làng nghề nước mắm Đề Gi…

Từ khi có tuyến đường ven biển và cầu vượt biển Đề Gi (nối liền các xã khu đông của huyện Phù Cát, Phù Mỹ), nhiều gia đình ở Đề Gi đã phát triển dịch vụ ăn uống để phục vụ khách du lịch. Số lượng khách du lịch đến Đề Gi để tham quan, tắm biển, thưởng thức hải sản cũng tăng lên. Một số gia đình đã tổ chức các tour đưa du khách đi tham quan, câu cá, thưởng thức hải sản trên đầm Đề Gi. Nhiều nhà đầu tư tìm đến xã Cát Khánh tìm hiểu cơ hội đầu tư trên các lĩnh vực thương mại, đô thị, du lịch ven biển.

Làng biển Đề Gi chuyển mình - Ảnh 4.

Làng biển Đề Gi

Dũng Nhân

UBND xã Cát Khánh đã quy hoạch và kêu gọi đầu tư các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch... Hiện UBND tỉnh Bình Định đã chấp thuận quy hoạch Dự án khu đô thị và du lịch An Quang (xã Cát Khánh) rộng 89,2 ha, tổng vốn đầu tư 5.228 tỉ đồng và giao UBND H.Phù Cát phối hợp với nhà đầu tư để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

"Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt đề án thành lập thị trấn Cát Khánh. Trong đó, xã Cát Khánh được định hướng phát triển thành trung tâm đô thị du lịch, dịch vụ kinh tế biển gắn với chế biến thủy hải sản và phát triển du lịch, dịch vụ... Phát triển mạnh các loại hình dịch vụ để thúc đẩy sản xuất phát triển nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thị trấn. Khuyến khích nhân dân mở rộng kinh doanh dịch vụ, nhất là các địa bàn đông dân cư như: An Quang Tây, An Quang Đông, Thắng Kiên, Ngãi An; phát triển chợ Đồng Lâm, chợ Đề Gi, cảng cá Đề Gi vừa cung ứng hàng hóa tiêu dùng cho người dân, vừa tiêu thụ nông, hải sản và những sản phẩm người dân sản xuất ra…", ông Nguyễn Trung Hiếu nói.

Đầm nước mặn có tên là Đạm Thủy (nước ngọt)

Đầm Đề Gi rộng hơn 2.000 ha, được bao bọc bởi 5 xã, gồm: Cát Khánh, Cát Minh (H.Phù Cát) và Mỹ Cát, Mỹ Chánh, Mỹ Thành (H.Phù Mỹ, Bình Định). Phía bắc đầm Đề Gi là núi Lạc Phụng (Phù Mỹ), phía nam là núi Bà, phía tây là lưu vực sông La Tinh với các con sông nhỏ nước ngọt, phía đông là động Bạch Sa.

Đề Gi là đầm nước mặn nhưng trong các sách sử, trong đó có Đại Nam nhất thống chí, ghi chép là đầm Đạm Thủy (nước ngọt). Theo truyền thuyết dân gian được ghi chép trong sách Nước non Bình Định của Quách Tấn, tên gọi Đạm Thủy có liên quan đến vua Gia Long của triều Nguyễn.

Khi chúa Nguyễn là Định Vương bị chúa Trịnh đánh ở phía bắc, quân Tây Sơn đánh phía nam nên đã cùng cháu nội là Nguyễn Ánh (sau này lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long) xuống thuyền chạy vào Gia Định. Do không kịp chuẩn bị, nửa đường cả đoàn khát nước phải ghé thuyền vào động Bạch Sa. Nhưng bốn bề đều là nước mặn, vào làng sợ gặp quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh mới ngửa mặt lên trời mà khấn: "Nếu Hoàng Thiên chưa dứt nhà Nguyễn thì xin ban cho nước ngọt". Lời vừa dứt, Nguyễn Ánh sai quân đào sâu xuống động cát thì thấy nước ngọt phun trào. Vì vậy đặt cho tên đầm là Đạm Thủy (nghĩa là Nước Ngọt).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.