'Làng biệt thự' xây dựng trái phép dưới chân núi Voi

28/10/2020 05:15 GMT+7

'Làng' biệt thự kiểu nhà sàn với hơn 50 ngôi nhà, xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp dưới chân núi Voi, cạnh Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm , TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) đang đua nhau mọc lên.

Tại tiểu khu (TK) 268, thuộc thôn Định An, xã Hiệp An, H.Đức Trọng (Lâm Đồng), sát cạnh Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm có một “làng” biệt thự kiểu dáng nhà sàn đang đua nhau mọc lên. Trước đó, vào tháng 5.2019, nơi đây vẫn là rừng và rẫy cà phê, chỉ có vài căn chòi canh rẫy cà phê của đồng bào dân tộc.

Lời kêu cứu thảm thiết của chủ rừng dưới chân núi Voi

Các ngôi nhà đang xây dựng đều vắng chủ

Tại hiện trường, phần lớn các công trình dựng bằng gỗ, có kết cấu kiểu nhà sàn, móng trụ sắt (bên trong đổ bê tông cốt thép), sàn bằng sắt hộp, dựng vì kèo bằng sắt... diện tích trung bình từ 50 - 150 m2/ căn. Các công nhân đang gấp rút hoàn thiện, với tiếng hàn xì, cưa, đục đẽo và cả tiếng máy múc san gạt đất mở đường... khu vực dưới chân núi Voi như một đại công trình. Tại đây đã có nhiều căn nhà hoàn thành đưa vào sử dụng vẫn còn thơm mùi gỗ.
Ông Hồ Hữu Hiếu, Chủ tịch xã Hiệp An, cho biết xã cùng các cơ quan chức năng của H.Đức Trọng đã đến hiện trường kiểm tra, nhưng các ngôi nhà đang xây dựng đều vắng chủ. Do đó, UBND xã Hiệp An ngày 26.10 buộc phải dán thông báo tìm chủ thể công trình vi phạm xây dựng trên đất lâm nghiệp đối với hàng chục ngôi nhà xây dựng trái phép tại TK 268. Văn bản nêu rõ: “Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ban hành thông báo này, nếu các tổ chức, cá nhân là chủ đầu tư công trình không liên hệ với UBND xã Hiệp An để giải quyết thì xã sẽ tổ chức giải tỏa trả lại hiện trạng ban đầu”.
Cũng theo ông Hiếu, hơn 50 ngôi nhà xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp hiện hoàn toàn nằm trên dự án của Công ty CP du lịch sinh thái Phương Nam (Đà Lạt). Công ty này đã nhiều lần gửi đơn đến chính quyền các cấp “kêu cứu” vì từ hơn 1 năm qua tại đây xảy ra tình trạng lấn chiếm, mua bán đất thuộc dự án để xây dựng nhà trái phép trên diện tích khoảng 45 ha. Năm 2019, UBND xã Hiệp An đã giải tỏa được 4 ngôi nhà xây dựng trái phép tại khu vực này; nhưng gần đây tình trạng mua bán đất xây dựng nhà trái phép tiếp tục diễn ra. Xã Hiệp An vừa có văn bản đề nghị UBND H.Đức Trọng ban hành quyết định cưỡng chế với 5 trường hợp, trong đó có 3 công trình trái phép trong khu "Làng nghề Bonsai Đarahoa" - Hội Sinh vật cảnh tỉnh Lâm Đồng.

Kéo điện vào rừng “hỗ trợ” xây dựng nhà trái phép

Trong văn bản báo cáo của UBND xã Hiệp An ngày 2.10.2020 ghi rõ: "Qua kiểm tra tại khoảnh 3, khoảnh 6, TK 268, thuộc đất dự án của Công ty CP du lịch sinh thái Phương Nam xảy ra việc tác động, san gạt mặt bằng và xây dựng công trình trái phép trên đất lâm nghiệp, các trường hợp vi phạm đã tự ý lắp đặt hệ thống điện trung thế dẫn từ hướng TP.Đà Lạt nhằm phục vụ các công trình vi phạm, ngoài ra hệ thống đường mòn trước đây đã được cải tạo mở rộng trung bình 4 m".
Ông Hiếu cho hay, trước đây khi phát hiện xây dựng nhà trái phép tại TK 268, xã phối hợp với các cơ quan, ban ngành của huyện đến kiểm tra thu giữ một số máy phát điện. Thế nhưng, trong tháng 10, Điện lực Đà Lạt lại cấp điện cho khu vực này khiến việc xây dựng nhà trái phép ban đêm diễn ra rầm rộ hơn.
Về vấn đề kéo điện vào TK 268, lãnh đạo Điện lực Đà Lạt xác nhận có thỏa thuận đấu nối điện cho ông T.H.H (ngụ P.6, Đà Lạt) để phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu và sản xuất. Còn việc cấp điện cho các hộ dân tại TK 268, điện lực không quản lý.
Theo một cán bộ thôn Định An (xã Hiệp An, H.Đức Trọng), từ khi tỉnh Lâm Đồng mở đường nối từ chân đèo Prenn vào Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, thì xảy ra hiện tượng mua bán đất và xây dựng trái phép tại TK 268. Trong số 54 ngôi nhà trên đất lâm nghiệp tại TK 268 chỉ có 5 - 7 ngôi nhà của đồng bào dân tộc, còn lại của những người từ TP.Đà Lạt và nơi khác đến mua đất của đồng bào dân tộc rồi xây dựng nhà trái phép. Hiện, UBND H.Đức Trọng đang phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng, xử lý việc lấn chiếm đất rừng, xây dựng nhà trái phép tại TK 268.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.